Mới đây trên mạng xã hội đang truyền tay nhau sự việc 1 khách hàng bỏ tiền ra mua iPhone 12 Pro Max có trị giá hơn 32 triệu đồng của cửa hàng di động X, trung gian qua 1 công ty vận chuyển B, nhưng đến khi nhận thì lại là... mảnh đá vỡ. Câu chuyện này vốn dĩ không mới, nhưng đặt ra câu hỏi cho chúng ta phải làm thế nào để hạn chế mất mát trong những trường hợp tương tự.
Câu chuyện đang gây nhiều sự chú ý trên mạng xã hội
Đầu tiên cần nhìn nhận lại vấn đề. Với sự phát triển của công nghệ 4.0 việc bán hàng online trở nên quá quen thuộc đối với nhiều người, dù là người mua hay người bán vì sự tiện ích mà nó đem lại. Việc giao nhận hàng sẽ thông qua bên vận chuyển trung gian do những shipper thực hiện.
Việc giao nhận qua 1 công ty vận chuyển có uy tín và quy trình giao/nhận hàng rõ ràng sẽ phần nào giúp khách hàng yên tâm về những mất mác có thể xảy ra. Thay vì nhờ dịch vụ tư nhân nhỏ lẻ bên ngoài.
Tuy nhiên, 1 số shipper lại lợi dụng việc vận chuyển hàng hoá đối với các sản phẩm có giá trị cao, ra tay tráo hàng làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của cửa hàng và đơn vị vận chuyển.
Chọn ship COD thay vì thanh toán online
Hiện nay có khá nhiều hình thức thanh toán khi mua hàng online, các cửa hàng hay các sàn thương mại điện tử đều để người dùng có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán khác nhau cho phù hợp và tiện lợi.
Tuy nhiên, ship COD (hình thức trả tiền khi nhận hàng) sẽ luôn là hình thức có lợi nhất cho người dùng thay vì thanh toán qua thẻ hay ví điện tử.
Nếu sử dụng ship COD bạn sẽ không phải trả các khoản phí khi thanh toán online. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ không bị "ôm tiền" trong trường hợp thất lạc hàng hóa. Nếu xui xẻo rơi vào tình trạng mất hàng khi đã thanh toán online, thông thường người mua sẽ phải đợi từ 15-30 ngày mới có thể được hoàn lại tiền về tài khoản của mình.
Lưu ý 1 số cửa hàng sẽ có những ưu đãi "nho nhỏ" tặng kèm nếu bạn thanh toán online, vì nhiều cửa hàng sợ khách "boom hàng", "đặt cho vui" rồi không nhận, nên hãy trình bày rõ lý do của bạn và chọn hình thức thanh toán COD để yên tâm nhé.
Nhưng bên cạnh đó đối với nhiều mặt hàng giá trị cao, hot, luôn "cháy hàng" hoặc phải đặt trước, cửa hàng buộc bạn phải cọc hoặc thanh toán 50% thì bạn cũng hãy cẩn thận kiểm tra chéo giao nhận của cửa hàng và kiểm tra với shipper nhé!
Đã từng có rất nhiều trường hợp nhận hàng oái ăm
Yêu cầu được đồng kiểm khi nhận hàng
Đồng kiểm hàng khi nhận là điều rất cần thiết để có thể bảo vệ người mua hàng. Tuy vậy, nhiều sàn thương mại điện tử hoặc các cửa hàng đã đề ra chính sách không đồng kiểm, đẩy thiệt thòi về phía người sử dụng. Gây mất thời gian nếu có sự cố vì không biết quy chụp trách nhiệm về ai.
Đơn hàng của người dùng yêu cầu không đồng kiểm, nhưng số tiền sản phẩm khá giá trị
Để có thể tự bảo vệ mình, bạn cần thỏa thuận với người bán hoặc cửa hàng để yêu cầu được áp dụng hình thức đồng kiểm. Điều này tức là khi nhận hàng hóa, bạn sẽ bóc hàng ngay trước sự chứng kiến và xác nhận của nhân viên giao hàng thời điểm đó.
Việc đồng kiểm không chỉ hạn chế được khả năng bị tráo hàng mà còn giúp người mua giảm bớt rủi ro hàng hóa bị bể, vỡ trong quá trình vận chuyển do lỗi của bên giao hàng hoặc người bán.
Quay camera khi tự mở hàng
Trong trường hợp cửa hàng và 1 số sàn thương mại điện tử không chấp nhận đồng kiểm, hay bạn không phải là người trực tiếp nhận hàng, việc quay camera quá trình mở hàng là điều hết sức cần thiết.
Video mở hàng đó sẽ trở thành bằng chứng để bảo vệ quyền lợi của bạn trong trường hợp chẳng may bị đánh tráo hay giao nhầm hàng. Vì vậy, hãy nhớ kỹ, luôn phải quay camera khi tự mở hàng (Đặc biệt là các hàng hoá có giá trị cao như điện thoại, laptop, tai nghe...) mà không có sự chứng kiến của nhân viên giao nhận.
Lên tiếng trực tiếp và công khai
Khi gặp phải trường hợp bị đánh tráo hàng tương tự như trên, bạn nên liên hệ ngay lập tức đến các bên liên quan để đòi quyền lợi cho mình. Kiểm tra chéo với cửa hàng, người bán, thông tin ngày giờ giao nhận hàng và yêu cầu công ty vận chuyển có trách nhiệm tìm ra shipper đã đánh tráo để có hình thức xử lý.
Đồng thời bạn cũng có thể lên các hội nhóm để chia sẻ giúp mọi người hạn chế và né những công ty vận chuyển không tốt nhé!
Vừa rồi là những cách đơn giản nhất để bạn có thể hạn chế rủi ro khi chọn phương thức mua sắm online. Hãy thật cảnh giác, tỉnh táo để bảo vệ chính quyền lợi của mình.
Nguồn ảnh: Internet