Chu kỳ kinh nguyệt thường xuất hiện trong giai đoạn đầu của tuổi dậy thì nên đây được xem là thời điểm rất quan trọng. Đặc biệt, nếu ngay trong giai đoạn đầu mà kỳ "đèn đỏ" đã xảy ra những vấn đề bất thường thì bạn nên nhanh chóng đi khám kiểm tra sức khỏe của mình chứ không nên để lâu như cô bé người Trung Quốc sau đây.
Tiểu Khiết (13 tuổi) là một cô học sinh đang sống tại huyện Chu Châu, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Theo chia sẻ, cô bé này đã xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong cuộc đời của mình. Vì bản tính vốn nhút nhát, xấu hổ nên Tiểu Khiết không dám nói với mẹ và tự dùng tiền tiết kiệm của mình để mua băng vệ sinh. Cô bé cũng tìm hiểu thêm thông tin về kinh nguyệt trên mạng và biết là kỳ kinh nguyệt này sẽ kết thúc sau khoảng 5 - 7 ngày.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng, một điều bất thường là kỳ kinh nguyệt của Tiểu Khiết đã kéo dài tới hơn 1 tháng. Cô bé phải đối mặt với tình trạng ra máu liên tục suốt nhiều tuần liền. Dù vậy, Tiểu Khiết vẫn cố gắng chịu đựng và giấu chuyện này không nói cho mẹ của mình biết.
Hơn 3 tháng sau, trong tiết học thể dục ở trường, Tiểu Khiết đột ngột ngã xuống ngất xỉu. Cô được thầy cô giáo đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay sau đó. Tại đây, thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ phát hiện thấy huyết sắc tố của Tiểu Khiết chỉ ở mức 56g/L, bằng một nửa so với những cô bé cùng lứa tuổi. Đây là một tình trạng thiếu máu trong cơ thể nghiêm trọng, bởi bình thường chỉ cần dưới 60g/L đã phải đi truyền máu rồi.
Chia sẻ thêm về trường hợp bệnh của Tiểu Khiết, có 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu máu. Thứ nhất là do lúc mới sinh không đủ cân, thứ hai là bị chấn thương ngoài da quá nặng và cuối cùng là do máu kinh tiết ra quá nhiều. Với trường hợp của Tiểu Khiết, bác sĩ kết luận là do nguyên nhân cuối cùng.
Tiểu Khiết có chia sẻ thêm với bác sĩ rằng, khoảng 3 tháng trở lại đây, cô phải đối mặt với tình trạng kinh nguyệt xuất hiện hàng ngày. Điều này vô tình khiến cơ thể Tiểu Khiết bị thiếu máu nghiêm trọng, theo y học còn gọi là hiện tượng rong kinh ở tuổi dậy thì.
Khi bước vào tuổi dậy thì (13 - 18 tuổi), các chức năng trong cơ thể vẫn đang ở giai đoạn phát triển nên sự bài tiết hormone có nguy cơ bị rối loạn. Một số triệu chứng ban đầu của chứng rong kinh gồm có chảy máu âm đạo bất thường, lượng máu kinh tiết ra quá nhiều hoặc quá ít, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, rối loạn chu kỳ...
Thời gian dài chảy máu có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu mãn tính và nghiêm trọng hơn còn gây sốc do thiếu máu cấp độ nặng. Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả sẽ phải tiến hành cầm máu, tránh để mất máu quá lớn.
- Bổ sung những món ăn giàu sắt, protein như rau bina, các loại hạt, ức gà, cá, ngũ cốc... thường xuyên.
- Khi phát hiện mình có triệu chứng bị rong kinh, cần nhanh chóng tới bệnh viện để khám và điều trị bệnh sớm, tránh để rối loạn phóng noãn sẽ làm tăng nguy cơ vô sinh cao.
- Chủ động duy trì lối sống sinh hoạt lành mạnh, cân bằng giữa chuyện học tập và nghỉ ngơi. Luôn giữ tâm trạng tốt, tránh để căng thẳng, kích thích tinh thần quá mức.
- Chú ý vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ, thay đồ lót hàng ngày.
- Tâm sự với người thân trong gia đình (bà, mẹ hoặc chị gái) để nhờ họ đưa ra những lời khuyên giúp vượt qua kỳ "đèn đỏ" đầu tiên an toàn.
Source (Nguồn): Sohu