Chiều 10/8, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên & Môi trường; Sở Công thương cùng các chuyên gia bàn về vấn đề an toàn hồ chứa đập thủy điện.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các ban, ngành và chuyên gia bàn phương án an toàn hồ đập thủy điện và vùng hạ du
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, quy hoạch thủy điện tỉnh Quảng Nam có 46 dự án đã được phê duyệt với tổng công suất 1.156MW. Trong đó, 10 dự án thủy điện thuộc hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn (8 công trình thủy điện đã phát điện và 2 công trình đang được xây dựng) và 36 thủy điện vừa và nhỏ (trong đó 12 công trình đã phát điện, 3 công trình đang thực hiện đầu tư và 21 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư). Tổng diện tích đất chuyển đổi mục đích cho 40 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh là hơn 12 nghìn ha.
Ông Trương Xuân Tý - Trưởng Ban Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, việc triển khai các phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập thủy điện hiện vẫn chưa được đảm bảo. Phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đang xây dựng hiện nay chỉ đúng với việc từ hạ du của đập này tới đập thứ 2, trong khi đa số các vùng hạ du chủ yếu nằm ở huyện đồng bằng Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An mới là vùng chịu tác động rất lớn.
Theo PGS.TS Cao Ðình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, động đất liên tiếp ở khu vực gần hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 ít có khả năng gây tác động đến đập thủy điện Sông Tranh 2.
Theo ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PT NT Quảng Nam, cho rằng thực tế nguyên tắc tích nước đang làm ngược. Theo nguyên tắc tích nước hệ thống liên hồ chứa thì tích nước phải từ dưới lên nhưng thực tế lại thực hiện tích nước từ trên xuống nên dưới hạ du luôn luôn bị thiếu nước.
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu khẩn trương kiểm tra lại tất cả các phương án về vận hành phòng chống bão lũ, an toàn công trình và an toàn hạ du. Kể cả phương án đã phê duyệt, tính khả thi để hoàn chỉnh bổ sung để phê duyệt lại. Nhất là tính phương án xấu nhất khi xảy ra sự cố, đặc biệt phương án vỡ đập để có kịch bản cần thiết.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các chủ hồ thủy điện khẩn trương thuê đơn vị tư vấn đánh giá lưu vực hồ, đặc điểm khí tượng thủy văn từ đó xác định lắp đặt trạm đo đúng mật độ cần thiết để đảm bảo an toàn cho hồ, và cung cấp thông tin chính xác cho văn phòng quản lý thiên tai. Ngoài ra, lắp đặt thiết bị cảnh báo ở vùng hạ du; kiểm tra việc vận hành, phát huy tác dụng trong đó phải lấy ý kiến của cộng đồng, người dân; thực hiện kiểm định hợp chuẩn các trang thiết bị phục vụ việc đo trạm khí tượng thủy văn.
Đối với 21 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Phó chủ tịch UBND Quảng Nam yêu cầu rà soát hiệu quả của những thủy điện nhỏ, nếu không cần thiết thì chủ động tham mưu đề xuất cho dừng.
TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, quan trắc động đất phải được tiến hành trước khi tích nước tại các hồ thủy điện
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề liên tiếp xảy ra trận động đất, đặc biệt tại khu vực gần thủy điện Sông Tranh 2, ông Thanh nhấn mạnh cần lưu ý vấn đề quan trắc động đất. Viện Vật lý địa cầu ngoài thông tin cảnh báo còn phải có thông tin dự báo, cảnh báo để chính quyền địa phương có cơ sở chỉ đạo ứng phó kịp thời nhất là ảnh hưởng đối với các công trình thủy điện, thủy lợi.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh – Viện Vật lý địa cầu, động đất xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua là động đất kích thích, do tích nước hồ chứa gây nên. Cũng theo thống kê từ Từ tháng 1/2017 – 8/2018: 69 trận động đất độ lớn từ 2,5 – 3,9 richter (chưa tính những trận nhỏ). Ngoài huyện Bắc Trà My, thì động đất cũng xảy ra tại huyện Phước Sơn.
“Đối với bất kỳ thủy điện nào yêu cầu bắt buộc trước lúc tích nước thì phải quan trắc động đất và có nghiên cứu đánh giá khu vực đó, đánh giá rủi ro về công trình thủy điện” – Tiến sỹ Anh nhấn mạnh.
Quảng Nam cũng “đặt hàng” Viện Vật lý địa cầu thực hiện nghiên cứu đề tài mối quan hệ giữa động đất – tích nước hồ thủy điện và an toàn công trình của các công trình thủy điện trên địa bàn Quảng Nam.