Phòng áp lực âm là căn phòng có áp suất thấp hơn xung quanh, nơi không khí chỉ có thể đi vào từ 1 phía và không thể thoát ra qua phía đó. Nếu có một bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang cách ly trong đó, các giọt bắn chứa virus của họ sẽ không thể nào lội ngược dòng không khí này để thoát ra bên ngoài cửa. Lúc này, hiện tượng lây nhiễm chéo qua dòng không khí giữa các bệnh nhân sẽ được dập tắt.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus, phòng áp lực âm bao gồm 1 quạt thông gió cho phép không khí trong lành đi vào trong phòng, khí ô nhiễm sẽ được lọc virus trước khi thoát khỏi căn phòng theo hệ thống thông gió. Căn phòng cũng phải kín gió nhất có thể, các khe phải được bịt kín.
Có 2 buồng đệm, trước khi vào phòng cách ly, nhân viên y tế phải qua buồng đệm đầu tiên, sau khi điều trị, nhân viên y tế rời khỏi phòng cách ly bằng buồng đệm thứ 2, nơi kim phẫu thuật và quần áo đã tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được lấy ra và đốt.
"Những bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm qua đường hô hấp rất cao nằm phòng đấy là thường xuyên (phòng áp lực âm). Do đó là phòng cách ly nên chỉ một bệnh nhân một phòng", BS Đinh Thị Thu Hương, Phó Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết.
BS Đinh Thị Thu Hương, Phó Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Phòng cách ly áp lực âm rất tốt cho công tác điều trị các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn, đặc biệt với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như H1N1, H5N1, H7N9, MERS.
Với COVID-19, phòng cách ly áp lực âm có vai trò rất quan trọng với việc hạn chế sự lây lan của bệnh cho nhân viên y tế và môi trường xung quanh. Tuy nhiên, số lượng phòng áp lực âm ở các bệnh viện không nhiều nên nó thường được dùng cho những bệnh nhân có nguy cơ cao hoặc bệnh nhân siêu lây nhiễm.
Nguồn: VTC
Phòng áp lực âm – Nơi cách ly đặc biệt khi nhiễm Covid - 19| VTC14