Chia sẻ tại buổi talkshow online ''VinFast và cơ hội cho SMEs tham chuỗi cung ứng ngành xe hơi'' mới đây, TS Ngô Công Trường, Chủ tịch Công ty Tư vấn & Giáo dục John&Partners, Giám đốc Chuyên ngành Xe hơi của ASQ tại Việt Nam, người đang sống và làm việc tại Mỹ cho biết, sự kiện VinFast xuất khẩu xe sang Mỹ đã có sức nóng trong vòng 1 năm vừa qua, không chỉ riêng người Việt, mà người Mỹ, hay người dân của nhiều quốc ta trên toàn cầu cũng đều quan tâm.
Hiện nay, ngành xe điện vẫn còn là ngành mới, doanh nghiệp thống trị thị trường mới chỉ có Tesla, và không phải là các doanh nghiệp ô tô truyền thống. Do đó, người mua vẫn muốn có những sản phẩm bên cạnh, để đồng hành cùng Tesla, nếu không, hầu như không có sản phẩm thay thế. Ngay cả những hãng lớn như Huyndai, Kia... cũng chỉ mới có sản phẩm này.
"Những người Việt ở Mỹ cũng rất quan tâm đến sự kiện này, là những người thích VinFast, thích Vingroup và cả những người không thích. Nhưng chính vì có người thích và người không thích nên mới tạo ra sự rầm rộ'' - ông Trường nói và cho biết thêm hiện nay ở Mỹ cũng đang diễn ra LA Motor Show - một trong những triển lãm xe hơi lớn nhất trên toàn cầu tại Los Angeles. Sự quan tâm của công chúng là rất lớn và cũng muốn chiêm ngưỡng các mẫu xe này.
Trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Mỹ, cũng đã có những người tham gia ủng hộ VinFast. Ông Ngô Công Trường tiết lộ, một doanh nhân gốc Việt đã có 30 năm sống tại Mỹ, ông Triệu Trung Thành đã đặt mua tới 60 chiếc xe, ngay từ khi mới biết tin VinFast xuất xe điện. "Chứng tỏ, sự quan tâm của người Việt ở Mỹ cũng rất lớn".
Dưới góc độ chuyên gia ngành Xe hơi của ASQ tại Việt Nam, ông Trường cũng chia sẻ rằng, chuỗi cung ứng trong ngành ô tô là rất lớn, trong đó bên cạnh những khâu khó, cũng có rất nhiều khâu đơn giản, và việc VinFast sản xuất xe điện cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt trong ngành công nghiệp phụ trợ. Thậm chí, kể cả khi VinFast sản xuất xe hơi ở Mỹ, thì doanh nghiệp Việt vẫn có thuận lợi để cung cấp linh kiện cho mặt hàng này.
"Mọi người thường nói nhiều về động cơ, thiết bị điều khiển... nhưng có những thứ rất cơ bản như bao nilon, thùng carton, khung nhựa, các thiết bị cơ khí, ghế da... Việt Nam đều làm tốt và đó là cơ hội của Việt Nam" - ông Trường nhận định, với hàng triệu linh kiện trong chiếc ô tô, thì đó là những cơ hội khác nhau, chỉ cần làm một đến vài linh kiện đó đã là tốt rồi.
Ông cho hay, mẫu xe VinFast xuất khẩu sang Mỹ, khung xe được thiết kế và sản xuất tại Thái Lan, mà doanh nghiệp sản xuất cũng không phải doanh nghiệp rất nổi tiếng, nhưng họ chuyên sản xuất khung xe cho các hãng xe hàng đầu thế giới. TS Ngô Công Trường cho rằng, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt nhìn lại những thiết bị, linh kiện, phụ kiện có thể sản xuất và tập trung vào làm.
Nói về việc triển khai, trong ngành xe hơi có các tiêu chuẩn riêng mà nếu đạt thì doanh nghiệp sản xuất linh, phụ kiện có thể bán được cho nhiều nhà sản xuất xe hơi khác nhau. Để đáp ứng các tiêu chuẩn này là việc khó, nhưng không khó tới mức không làm được, tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp còn chưa biết đến các tiêu chuẩn này, là IATF-16949.
Chuyên gia này giải thích, vì việc sản xuất các linh, phụ kiện cho các hãng xe hơi nước ngoài thường không được đặt ở Việt Nam, nên các tri thức kể trên không được chuyển giao cho Việt Nam. Hiện nay, các tiêu chuẩn hiện có ở Việt Nam như ISO chưa phải là tiêu chuẩn riêng cho ngành xe hơi. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành ô tô đang rất cần các công ty phụ trợ, đặc biệt là tại ngay thị trường, nhưng rất tiếc là các doanh nghiệp này đang phải mua linh, phụ kiện ở nước ngoài.
Ông Trường chia sẻ, hiện nay, trong nhà máy VinFast cũng đã có mặt rất nhiều nhà cung ứng của Việt Nam, nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể có niềm tin rằng, mình có thể cung cấp linh kiện cho các công ty trong chuỗi cung ứng xe hơi, nếu như đạt được các tiêu chuẩn quan trọng của ngành.