Phần mềm giúp phòng chống lạm dụng tình dục phụ nữ trên thế giới

TƯỜNG PHẠM, Theo AN NINH THỦ ĐÔ 10:27 18/01/2019
Chia sẻ

Kể từ khi các cáo buộc chống lại nhà sản xuất phim Harvey Weinstein vào tháng 10 năm ngoái, vấn đề chống quấy rối tình dục đã trở thành một phong trào rộng khắp.

Liên hợp quốc ước tính rằng, 1/3 phụ nữ đã từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục, khoảng 120 triệu phụ nữ trên khắp thế giới từng bị ép buộc thực hiện các hành vi tình dục.

Phần mềm giúp phòng chống lạm dụng tình dục phụ nữ trên thế giới - Ảnh 1.

Lạm dụng tình dục với phụ nữ hiện là một trong những vấn đề “nóng” nhất trên toàn cầu

Phần mềm chống lạm dụng tình dục

Hành vi lạm dụng tình dục không chỉ gây tổn thương về thể chất và tâm lý đối với các nạn nhân bị tấn công mà còn cản trở sự phát triển cá nhân họ về phương diện xã hội và kinh tế. Laura Somoggi - thành viên Ban tổ chức giải thưởng vinh danh những tập thể, cá nhân có những đóng góp trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục với phụ nữ toàn cầu nói rằng, hành vi lạm dụng tình dục để lại hậu quả lâu dài, cản trở sự tiếp cận của phụ nữ với giáo dục, việc làm, cơ hội khẳng định bản thân.

Tháng 6-2018, qua khảo sát, Tổ chức Thomson Reuters cho biết, Ấn Độ là quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ. Để góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng tình dục phụ nữ ở Ấn Độ, năm 2013, Kalpana Viswanath và các đồng nghiệp đã giới thiệu SafetiPin - một ứng dụng nhằm giúp phụ nữ đánh giá sự an toàn trên đường phố hoặc địa điểm công cộng thông qua các chỉ số như ánh sáng, tầm nhìn, mật độ người, giới tính, an ninh và giao thông. SafetiPin hiện có dữ liệu của 51.000 điểm ở Delhi.

Một chức năng khác của SafetiPin là cho phép người thân của phụ nữ theo dõi hành trình di chuyển của họ. Được biết, SafetiPin hiện đã được sử dụng tại 50 thành phố trên khắp thế giới, trong đó có 25 thành phố ở Ấn Độ.

Giống như SafetiPin, HarassMap là một ứng dụng được triển khai ở Ai Cập thông qua việc thu thập dữ liệu từ người dùng để xác định địa điểm có nguy cơ cao xảy ra hành vi quấy rối tình dục và bạo lực. Kể từ khi xuất hiện vào năm 2010, HarassMap đã được triển khai tại 80 quốc gia, bao gồm cả Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Saudi và Afghanistan.

Chiến dịch chống lại bạo lực giới trong không gian công cộng 

Một nhóm kiến trúc sư, nhà xã hội học và nhà quy hoạch đô thị ở Barcelona, Tây Ban Nha xây dựng dự án có tên là “Eyes on the street”. Thông qua việc khảo sát, “Eyes on the street” sẽ đưa ra khuyến cáo về các địa điểm thiếu an toàn trên đường phố cũng như các địa điểm công cộng. “Góc tối và chướng ngại vật trên đường có thể là nơi ẩn nấp hoàn hảo cho những kẻ tấn công tiềm năng.

Chúng tôi đã đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống chiếu sáng, camera an ninh tại những khu vực khuất tầm nhìn như bãi rác lớn, khu vực đỗ xe, góc phố, cầu thang, ngõ nhỏ…”, Ortiz, một thành viên của “Eyes on the street” nói và cho biết Barcelona đang triển khai chiến dịch chống lại bạo lực giới trong không gian công cộng. Theo đó, các nhà chức trách tiến hành đặt tên đường phố theo tên phụ nữ hoặc các ngành nghề liên quan đến phụ nữ. Những bức tranh, sản phẩm nghệ thuật công cộng có chủ đề về nữ quyền được khuyến khích.

Các nhà hoạt động nhân quyền ở Nairobi triển khai chiến dịch mang tên “No Means No Worldwide” với mục đích trang bị cho các cô gái khả năng tự vệ khi bị tấn công. Bên cạnh đó, các chàng trai trẻ cũng hướng dẫn cách thức phát hiện tình huống phụ nữ gặp nguy hiểm và lên tiếng bảo vệ họ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày