Phải ca ngợi Indonesia, bởi nếu làm được như họ thầy Park đã không phải thua liền 6 trận

KINH LUÂN, Theo PL&BĐ 14:12 16/12/2021

Không ít những chỉ trích từ những người làm chuyên môn Việt Nam đang hướng về lối chơi của Indonesia, song người Việt có câu "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".

Indonesia làm được, sao Việt Nam lại không?

Nếu trận đấu giữa Việt Nam và Indonesia là một bài toán, thì rõ ràng HLV Shin Tae-yong đã chọn "cách giải" đúng ngay từ khi bóng còn chưa lăn. HLV Park Hang-seo thách thức Indonesia chơi tấn công, nhưng người đồng hương của ông bên kia chiến tuyến dứt khoát nói không, bởi "cách giải" của HLV Indonesia rất rõ ràng, chọn tử thủ trước Việt Nam để kiếm 1 điểm, sau đó chỉ cần thong dong hòa Malaysia là đủ vào bán kết, thì tội gì phải "làm căng" với Việt Nam, để rồi phải gồng mình lên đuổi Malaysia.

Nên nhớ trong đội hình Indonesia có đến hơn một nửa là những cầu thủ dưới 20 tuổi, còn trong tay thầy Park toàn là những chiến binh lão luyện dọc ngang suốt 6 trận ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á - đấu trường nói như chuyên gia Đoàn Minh Xương, là "trình độ đại học trở về thi cấp hai".

Phải ca ngợi Indonesia, bởi nếu làm được như họ thầy Park đã không phải thua liền 6 trận - Ảnh 1.

Đúng là Indonesia chơi có phần tiêu cực, nhưng để nói rằng thế trận ấy khiến đội tuyển Việt Nam không thể tìm được bàn thắng thì hoàn toàn sai lầm. Với sự cách biệt lên đến tỷ lệ chấp 1,5 quả theo các nhà cái châu Á, nếu cứ mặc định đá như thế sẽ hòa thì sao HLV Park Hang-seo không "dựng xe bus" trước các đối thủ ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á để hoàn thành mục tiêu kiếm được 1 điểm? Vấn đề chính vẫn nằm ở cho người và chiến thuật.

Lấy trận đấu giữa Việt Nam với Nhật Bản vừa qua trên sân Mỹ Đình làm ví dụ. Rõ ràng các học trò của HLV Park Hang-seo chọn lối chơi phòng ngự số đông để khắc chế lối chơi tấn công của đối phương, nhưng bất lực bởi chiến thuật và sự đột biến mà Nhật Bản có được.

Phải ca ngợi Indonesia, bởi nếu làm được như họ thầy Park đã không phải thua liền 6 trận - Ảnh 2.

Trước Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam cũng chơi phòng ngự với số đông

Ở bàn thắng duy nhất của Nhật Bản, khi bóng được triển khai ở khu vực giữa sân bằng đường chuyền bổng từ sân nhà, có 4 cầu thủ Nhật Bản tham gia vào pha bóng, trong khi có đến 8 cầu thủ Việt Nam vây quanh và đánh chặn. Kể cả sau pha chọc khe thành công, thì vẫn có đến 6 cầu thủ Việt Nam lao về vây bắt và ngăn chặn 2 cầu thủ Nhật Bản, và có đến 2 cầu thủ Việt Nam có được lợi thế hơn Ito - người tung ra cú sút tung lưới Tấn Trường.

Phải ca ngợi Indonesia, bởi nếu làm được như họ thầy Park đã không phải thua liền 6 trận - Ảnh 3.

Có đến 8 cầu thủ Việt Nam tham gia phòng ngự trước 4 cầu thủ Nhật Bản

Năm cầu thủ Việt Nam không ngăn được hai cầu thủ Nhật Bản ghi bàn, mấu chốt rõ ràng không nằm ở chuyện chơi tử thủ hay dùng số đông để chặn những pha tấn công của đối phương, mà bởi sự đột biến của hàng công Nhật Bản có đủ để "dùng ít đánh nhiều", đồng thời Nhật Bản thành công trong việc kéo hàng thủ Việt Nam lên cao, thay vì cứ tí tách dồn đối thủ về vòng cấm địa rồi mới tí tách tấn công như các học trò của HLV Park Hang-seo làm trước Indonesia.

Phải ca ngợi Indonesia, bởi nếu làm được như họ thầy Park đã không phải thua liền 6 trận - Ảnh 4.

Có đến 6 cầu thủ Việt Nam lao về phòng ngự trước 2 cầu thủ tấn công Nhật Bản

Thêm vào đó là sự chính xác ở những tình huống kết thúc. Đường căng ngang của Minamino là cực kỳ đẳng cấp, và pha di chuyển của Junya Ito là "không chê vào đâu được" mới đủ sức khiến 5 cầu thủ hậu vệ của Việt Nam phải bất lực. Trước Indonesia, sự chính xác trong những pha kết thúc của các học trò HLV Park Hang-seo thực sự là thảm họa khi dứt điểm 21 lần, nhưng chỉ có duy nhất một cú dứt điểm đi trúng đích.

Phải ca ngợi Indonesia, bởi nếu làm được như họ thầy Park đã không phải thua liền 6 trận - Ảnh 5.

Pha 5 đánh 2 rốt cuộc kết thúc bằng cú đệm bóng cháy lưới Tấn Trường của Ito

Pha sút tung lưới đội tuyển Việt Nam của Nhật Bản cũng thế. Dù bàn thắng không được công nhận sau khi trọng tài tham khảo VAR, song đẳng cấp của Junya Ito là điều không thể chối cãi khi chỉ một động tác xử lý kỹ thuật, chân sút Nhật Bản đã loại bỏ cả Văn Thanh lẫn Duy Mạnh để tung cú sút cháy lưới khiến Tấn Trường phải ngẩn ngơ. Trước một Indonesia non trẻ và được đánh giá thấp hơn nhiều, không cầu thủ nào của Việt Nam làm nổi điều đó.

Những nỗi nhớ gọi được thành tên

Một câu hỏi khác được đặt ra là tại sao Việt Nam lại thắng dễ trước Malaysia được đánh giá cao hơn cả Indonesia, trong khi đó lại bất lực trước hàng thủ của HLV Shin Tae-yong? Nên nhớ là trước Malaysia, suốt hơn 30 phút đầu trận, khi trung vệ đội trưởng của đối phương vẫn còn trên sân, các cầu thủ Việt Nam không thể tìm nổi đường vào khung thành.

Hai bàn thắng ở hiệp một của đội tuyển Việt Nam đều xứng tầm siêu phẩm, với những pha xử lý đẳng cấp của Tuấn Anh, Quang Hải và Công Phượng. Nhưng trước đối thủ kém hẳn mình như Indonesia, liệu HLV Park Hang-seo đã có sự lựa chọn hợp lý khi tiếp tục đặt cuộc chơi vào sự may rủi là những khoảnh khắc xuất thần như thế?

Một ngày trước trận đấu giữa Việt Nam và Indonesia, Thái Lan đã có những phút "mướt mồ hôi" trước Philippines khi đối thủ yếu hơn hẳn họ có được bàn gỡ. Trước một Philippines chơi tử thủ như Indonesia, Thái Lan vẫn "gỡ rối" thành công bằng quyết định cực kỳ bất ngờ khi rút ngôi sao Chanathip Songkrasin ra sân, để chỉ 2 phút sau "Voi chiến" có được bàn thắng nâng quyết định số phận đối thủ.

Phải ca ngợi Indonesia, bởi nếu làm được như họ thầy Park đã không phải thua liền 6 trận - Ảnh 6.

Đội tuyển Việt Nam chỉ có duy nhất 1 pha dứt điểm trúng khung thành Indonesia

Cả 3 trận đấu ở AFF Cup 2020, các cầu thủ Việt Nam sút xa rất nhiều, song tất cả những pha sút xa của Hoàng Đức, Tuấn Anh hay Xuân Trường đều cực kỳ vô hại. Những pha sút xa ấy thể hiện sự bế tắc, và được định giá bằng tỷ lệ sút trúng cầu môn cực thấp của đội tuyển Việt Nam, lần lượt là 26,1% trước Lào, 28,6% trước Malaysia và... 4,8% trước Indonesia.

Trong khi đó, trước bàn gỡ hòa của Philippines, Suengchitthawon của Thái Lan cũng có cú sút xa tuyệt đẹp từ cự ly hơn 25 mét, đưa bóng vượt ra ngoài tầm với của thủ thành đối phương, bật mép xà ngang đập đất nẩy ra ngoài.

Ở chung kết SEA Games 30, U22 Indonesia cũng từng chơi tử thủ và đá rắn chẳng kém trận đấu vừa qua của đội tuyển Indonesia. Ngày ấy, những người giúp thầy Park "giải quyết" đối phương không phải là Tiến Linh, mà là Văn Hậu và Hùng Dũng với những pha đánh biên khiến đối thủ không thể chống đỡ. Mất Văn Hậu, Hùng Dũng và Trọng Hoàng, rõ ràng giải pháp tấn công của đội tuyển Việt Nam nghèo nàn đi trông thấy, một phần cũng bởi thầy trò HLV Park Hang-seo quen chơi phòng ngự - phản công hơn nhiều so với chơi tấn công.

Phải ca ngợi Indonesia, bởi nếu làm được như họ thầy Park đã không phải thua liền 6 trận - Ảnh 7.

Tiến Linh chơi cực kỳ thất vọng ở hai trận đấu vừa qua

Dù gì mà nói, thì dẫu cho trận hòa trước Indonesia để lại nhiều thất vọng, song xét về mặt tổng thể nó cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến toan tính phía trước của HLV Park Hang-seo. Dù gì thì thì hạ đẹp Campuchia ở trận sau là đội tuyển Việt Nam có ngôi đầu bảng, và những đối thủ hứa hẹn tiếp theo là Singapore hay Thái Lan cũng đều sẽ không chọn lối chơi của Indonesia để đối phó với Việt Nam ở bán kết và chung kết.

Song con đường bảo vệ chức vô địch AFF Cup của thầy trò HLV Park Hang-seo cũng không vì thế mà bằng phẳng, bởi Tiến Linh đang làm người ta nhớ Anh Đức hơn bao giờ hết, trong khi đó sự bế tắc trong lối chơi tấn công lại nhắc thầy Park đến sự sự lợi hại của Văn Hậu, Trọng Hoàng và Hùng Dũng. Có họ, nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ dễ "xoay bài" hơn nhiều, nhất là khi Thái Lan có sự góp mặt của những cầu thủ đẳng cấp châu Á như Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan.

Phải ca ngợi Indonesia, bởi nếu làm được như họ thầy Park đã không phải thua liền 6 trận - Ảnh 8.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày