Là "mọt" phim Nhật, chắc hẳn bạn không thể nào không biết tới Ossan's Love (Tạm dịch: Tình Yêu Của Ông Chú) - bộ phim truyền hình giờ khuya của TV Asahi đang gây "sóng gió" trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Câu chuyện của Ossan’s love xoay quanh một "trai thẳng" tên Haruta Soichi (Tanaka Kei đóng). Tuy có công việc ổn định ở công ty bất động sản, nhưng Haruta đã "ế bền vững" suốt 33 năm cuộc đời; mà lý do là vì vừa vô duyên, lại vừa vô dụng trong cuộc sống hàng ngày. Anh không hề động chân động tay vào bất cứ một công việc nào ở nhà, để mặc cho mẹ mình làm hết. Quá thất vọng với con trai, mẹ Haruta bỏ đi sống ở nơi khác. Haruta chật vật được vài ngày thì phát hiện ra đàn em ở công ty Maki Ryota (Hayashi Kento đóng) vốn rất giỏi nấu ăn và đang phải ở nhà thuê. Tận dụng ngay cơ hội, Haruta liền mời Maki về sống cùng mình để lo giúp việc nhà. Ai ngờ, đúng vào lúc vận đào hoa của Haruta đang lên, Haruta lần lượt được Trưởng phòng Kurosawa Musashi (Yoshida Kotaro đóng) tỏ tình, rồi Maki tỏ tình, rồi đến cô bạn thân từ nhỏ Chizu cũng tỏ tình nốt. Haruta bị đặt vào một tình thế "dở khóc dở cười" với đủ thứ hoang mang về giới tính và tình yêu.
Được giới thiệu với những cụm từ như "mặn chát", "lầy lội", "gây sốc"... song Ossan’s love lại là một bộ phim nghiêm túc, đặc biệt là nghiêm túc về chủ đề tình yêu. Bản thân người viết bài này, khi bắt đầu xem phim cũng chỉ mang tâm thế "vui là chính"; nhưng lại vô cùng bất ngờ trước những ý nghĩa của phim. Gói ghém trong thời lượng 7 tập, cùng với việc phải đảm bảo yêu cầu trung thành với thể loại phim hài; đội ngũ biên kịch của Ossan’s love đã làm rất tốt trong việc xây dựng một cốt truyện khá "ảo" để thể hiện một triết lý tình yêu rất "thật".
Cái thật ấy được chứng minh rõ ràng nhất ở kết phim: "Phút thứ 89", Haruta hủy hôn với Trưởng phòng và đuổi theo Maki. Quả nhiên là không phụ lòng thần linh ban cho 33 năm "ế mòn ế mỏi", Haruta đã chọn đúng người xứng đáng có được tình yêu của anh nhất. Tại sao ư? Dưới đây là 5 lý do giải thích điều ấy.
So sánh về thời gian quen biết Haruta, Maki là người đến sau cùng. Chizu là bạn thân từ nhỏ của Haruta. Trưởng phòng đã có thời gian 10 năm làm việc với Haruta. Maki mới quen Haruta được một thời gian ngắn (không rõ là bao lâu). Nhưng đúng như Maki nói: "Quan trọng không phải bao lâu, mà là bao sâu kìa!"
Để suy ngẫm thêm về chân lý này, ta hãy lật lại màn công khai tuyên chiến của Maki với Trưởng phòng trong tập 2. Khi Maki thách Trưởng phòng kể ra 10 điểm xấu của Haruta, Trưởng phòng chỉ có thể ấp úng: "Dễ thương quá mức cho phép… Có mặt trên đời là một tội lỗi… Trong sáng… Dễ thương quá mức cho phép". Tất cả những điều này đều là điểm tốt và mang nặng cảm xúc chủ quan. Trong khi đó, Maki có thể liệt kê liền tù tì ra là: "Do dự thiếu quyết đoán, cáu gắt khi thức dậy, quần áo cởi để nguyên, kén cá chọn canh, giày dép vứt lung tung, bát đũa không chịu rửa, cái gì cũng xin ăn ké một miếng, chuyên gia bị kẹt ở cổng soát vé, mù hướng, ngủ nằm sấp." Tất nhiên, có thể bao biện là điều này là do Maki sống chung nhà với Haruta nên mới tường tận đến thế. Song, hãy tua sang tập 7, khi biên kịch đã cho Trưởng phòng hẳn một năm sống chung với Haruta cho công bằng, ông vẫn thất bại trong việc liệt kê những điểm xấu của anh. Haruta trong mắt ông vẫn chỉ toàn những điểm tốt (và thậm chí ông còn phải dùng phép lặp để cho nó... được nhiều): "Thẳng thắn, ngốc nghếch, dịu dàng, không biết nói dối, ngốc nghếch, dễ thương, ăn nhiều, ngốc nghếch, bảnh trai". Tình yêu của ông đầy những ảo ảnh và thiên kiến, y như cơn say nắng của một cô thiếu nữ trước cậu hot boy trong lớp. Đó là một thứ tình cảm tuy đẹp đẽ; nhưng sẽ chỉ như bong bóng xà phòng, không có khả năng bền lâu.
Vậy còn Chizu? Khác với trưởng phòng và giống với Maki, Chizu có thấy những điểm xấu của Haruta. Nhưng điểm khác biệt giữa Chizu với Maki là ở thái độ. Maki chấp nhận, còn Chizu chối bỏ. Sự chối bỏ này dẫn tới sự chối bỏ tình cảm của mình dành cho Haruta, mà phải tận đến khi có người "nắm tận tay, day tận mặt", Chizu mới nhận ra. Tuy nhiên, nó vẫn xuất hiện trong câu tỏ tình của cô: "Anh hoàn toàn không phải mẫu người của em. Nói thẳng ra thì anh có rất nhiều điểm mà em ghét. Nhưng hình như em thích anh." Chizu yêu Haruta, nhưng luôn có thái độ chối bỏ con người anh. Tình yêu của cô giống như những hình vẽ trên cát, mà chỉ cần một con sóng tràn lên là có thể xóa sạch. Đó cũng là một thứ tình cảm không có khả năng bền lâu.
Trong khi đó, Maki chỉ cần một thời gian rất ngắn là đã có thể tường tận Haruta đến từng chân tơ kẽ tóc. Không chỉ chấp nhận toàn bộ điểm xấu của Haruta, cậu còn yêu lấy chúng. Tuy vậy, Maki không hề mù quáng. Khi cảm thấy mối quan hệ chỉ đem lại đau khổ cho mình, cậu đã chủ động chấm dứt nó. Tình yêu của Maki là tình yêu trưởng thành, với những ý thức rất rõ về đối phương và bản thân. Đó là thứ tình cảm sẽ luôn giữ được sự bền lâu.
Chizu chắc chắn yêu bản thân mình hơn Haruta. Ở tập 1, khi Haruta nói đùa rằng "Hay là lấy anh đi?", Chizu đã từ chối thẳng thừng: "Người như Haruta thì dẹp luôn đi. Nếu em kết hôn, em phải lấy một anh đẹp trai giống quản gia vậy đó. Việc nhà này nọ anh ấy sẽ làm hết cho em." Chizu có quyền đánh giá mình cao hơn Haruta, nhưng nói như vậy với một người có vẻ đang "cảm nắng" mình, liệu có quá vô tâm?
Cũng có thể là Chizu không muốn Haruta tiếp tục tình cảm đơn phương với mình. Điều này có thể thông cảm được. Tuy nhiên, trong tập 6, Chizu lại quyết định tỏ tình với Haruta khi Haruta đang hẹn hò với Maki. Tuy không có ý định "giật bồ", nhưng hành động của Chizu lại khiến Haruta khó xử và cảm thấy tội lỗi vì không thể đáp lại. Chỉ vì muốn giải thoát bản thân khỏi gánh nặng cảm xúc, Chizu quyết định trút nó sang Haruta. Cô có bao giờ quan tâm đến những gì Haruta cảm thấy? Câu trả lời gần như có thể chắc chắn là: Không.
Tương tự với Trưởng phòng. Việc ông chôn giấu tình cảm với Haruta suốt 10 năm rất đáng thương và đáng trọng; nhưng có phải thật sự ông nghĩ cho Haruta, hay là tại ông không dám dứt khoát với người vợ đã "đầu gối tay ấp" với mình hàng chục năm qua? Điều này có thể chứng minh bằng chi tiết ông quỳ xuống xin lỗi vợ và xin ly hôn, nhưng nhất định không dám nói lý do đằng sau nó là gì; để người phụ nữ đáng thương này phải tự dằn vặt và xoay mọi cách để tìm hiểu.
Tình yêu và sự quan tâm của ông dành cho Haruta rất dễ thương; tuy nhiên, ta phải đặt mình vào hoàn cảnh Haruta thì mới thấy khó xử như thế nào. Haruta lại vốn là một người quá tốt đến mức luôn sợ mình làm tổn thương người khác, vì vậy ban đầu anh xuôi theo mọi hành động của Trưởng phòng với sự phản kháng vô cùng yếu ớt "có mà như không". Phải đến khi mọi việc đã vượt quá tầm kiểm soát, anh mới hẹn Trưởng phòng ra để nói chuyện. Nhưng Trưởng phòng, đúng như một thiếu nữ mới lớn khi biết mình sắp bị từ chối tình cảm, cố hét át tiếng Haruta đi và liên tục lặp đi lặp lại câu: "Không nghe thấy! Không nghe thấy! Không nghe thấy!" Như vậy, có thể khẳng định Trưởng phòng đã biết từ đầu là Haruta không hề có tình cảm với mình; nhưng tại sao ông vẫn "cố đấm ăn xôi"? Ông cũng biết Haruta là người sợ làm tổn thương người khác, nhưng tại sao lại kéo Haruta vào mớ bòng bong tội lỗi về sự sụp đổ của gia đình mình? Có lẽ ông cũng giống Chizu, tình yêu của ông với Haruta là tình yêu hướng về bản thân - Một thứ tình yêu vị kỷ.
Ngược lại, tình yêu của Maki đối với Haruta là một thứ tình yêu vị tha. Cũng may là có Trưởng phòng nổ súng trước, nên Maki mới "tự tin thể hiện cá tính"; chứ nếu để yên chắc suốt đời "ôm một mối tình câm". Maki thích Haruta, nhưng các bước tiến của mối quan hệ đều không do cậu quyết định. Cậu chuyển công tác đến phòng bán hàng của Haruta, vô tình lại được anh mời đến ở ghép. Cậu đề nghị Haruta hẹn hò với mình, vốn chỉ là một lời mang tính thách thức trong cơn ghen tuông với Chizu, vô tình lại được anh đồng ý. Tuy vậy, Maki vẫn luôn bất an về Chizu và cảm thấy Chizu mới là người mang lại hạnh phúc trọn vẹn hơn cho Haruta. Vì vậy, sau một thời gian ngắn hẹn hò, cậu để Chizu tỏ tình với Haruta và nói lời chia tay ngay sau đó, để mở ra một lựa chọn khác cho anh. Trong 3 người, Maki là người duy nhất luôn dằn vặt với câu hỏi: "Anh Haruta có hạnh phúc không?", và đó là điều khiến cậu trở nên đặc biệt so với 2 người còn lại.
Nói về sự tương hợp về tính cách, chúng ta có thể loại Chizu ra ngay đầu tiên. Vì Chizu và Haruta đều bừa bộn và biếng làm việc nhà như nhau. Chỉ còn 2 "ứng cử viên": Trưởng phòng và Maki. Hai người này đều đảm đang, gọn gàng, chăm chỉ; và đặc biệt là nấu ăn tuyệt ngon. Nhưng khi nói một người "hợp" người kia, ta phải tính cả hai mặt: Khác nhau để bù trừ, và giống nhau để đồng cảm. Trưởng phòng không thỏa mãn được điều kiện thứ hai.
Chi tiết này cần sự tinh tế một chút. Hãy xét đến ngôi nhà của Haruta khi sống chung với Maki và khi sống chung với Trưởng phòng. Sự xuất hiện của Maki trong nhà Haruta được báo hiệu bằng cảnh quay những con rô-bốt đồ chơi (tính nam); còn sự xuất hiện của Trưởng phòng thì được thể hiện bằng bóng bay trái tim và gấu bông (tính nữ). Mà trong một cảnh quay ngay từ tập 1, chúng ta đã biết rằng Haruta rất thích... chơi rô-bốt.
Tuổi tác của Trưởng phòng cũng là một bất lợi của ông, vì khoảng cách thế hệ tạo ra một sự khác biệt về phong cách sống rất lớn. Maki có thể nâng cấp gu ăn mặc cho Haruta, giúp anh bớt "ngố" và trở nên trưởng thành đúng tuổi hơn. Điều này Trưởng phòng đành phải bó tay thôi! Bởi với sự nuông chiều của Trưởng phòng, Haruta sẽ mãi mãi giậm chân ở phiên bản hiện tại, ngốc nghếch và không bao giờ lớn nổi.
Chúng ta lại tiếp tục loại Chizu ra đầu tiên, vì như đã nói ở trên, Chizu luôn có thái độ chối bỏ đối với Haruta. Còn Trưởng phòng và Maki, ta sẽ xem lại cách hai người miêu tả tình yêu của mình với Haruta để thấy giữa họ có điểm gì khác nhau.
Trưởng phòng kể rằng ông "trúng tiếng sét ái tình" với Haruta khi anh quỳ xuống đi giày cho ông. Ông nói rằng "Lúc đó, cậu đã biến tôi thành cô bé Lọ Lem", và cùng lúc, khung hình tràn ngập bong bóng xà phòng. Bong bóng xà phòng là thứ gắn liền với trẻ con. Câu chuyện cổ tích "Cô bé Lọ Lem" cũng thế. Bởi vậy, tình yêu của ông chú với Haruta thật ra chỉ là một thứ tình cảm mộng mơ con nít. Và hình ảnh của Haruta chỉ là một ảo ảnh ông dựng lên từ đó, để đóng vai bạch mã hoàng tử trong thế giới thần tiên của ông. Đó không phải con người thật của Haruta.
Việc Trưởng phòng quá rõ ràng về tình cảm của mình cũng khiến tình cảm của ông trở nên mù mờ. Ông biết chính xác lúc nào mình thích Haruta, và liệt kê được những lý do mình thích Haruta. Trong khi đó, tình yêu đích thực lại là thứ tình yêu không thể giải thích được. Và đúng là chúng ta chưa một lần được nghe Maki giải thích về tình cảm của mình. Thậm chí, Maki thích Haruta từ lúc nào cũng không biết nữa.
Tuy nhiên, có một chi tiết thú vị ở tập 1 mà ta cần lật lại, ở phân đoạn Haruta và Maki lần đầu tiên gặp nhau. Đó là sau khi Maki biết Haruta là con người "bẩn bựa" thế nào rồi, Haruta cũng biết Maki "bảnh tỏn" ra sao rồi, hai người quay sang nhau chào hỏi xã giao. Lúc này đạo diễn cho ta một cảnh quay hai người qua bể cá. Nước là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất cho tình yêu, và ý nghĩa này càng nổi bật khi ta đối chiếu với hình ảnh bong bóng của Trưởng phòng. Nước là thật, bong bóng là ảo. Ấn tượng đầu tiên của Maki với Haruta là ở giây phút xấu xí nhất, còn của Trưởng phòng với Haruta là ở giây phút đẹp đẽ nhất. Bởi vậy mới nói, tình yêu của Maki là tình yêu đích thực, còn của Trưởng phòng chỉ là một cơn cảm nắng mà thôi. Tình yêu "không phải bao lâu, mà là bao sâu" kìa!
Một điều không có gì phải bàn cãi. Khi bị hỏi về tình cảm (yêu đương) với Chizu, Haruta khẳng định là không có. Khi bị hỏi về tình cảm với Trưởng phòng, thái độ của anh chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn trước và trong khi quen Maki là khẳng định không có, giai đoạn "hậu chia tay" Maki là ngập ngừng lúc có lúc không.
Riêng với Maki, Haruta đã tiến xa tới mức chủ động công khai cho mọi người. Khi Chizu hỏi rằng Haruta có thích Maki không, Haruta đã gật đầu khẳng định "Ừ" và cười thật tươi. Haruta có thể ngu ngốc, có thể chậm tiêu; nhưng nhất định không bao giờ dối lòng. Bên trong cảm thấy thế nào thì bên ngoài sẽ thể hiện ra như thế. Không là không, có là có, mâu thuẫn thì sẽ thành ấp úng nửa có nửa không. Thái độ của Haruta với Maki đã rõ ràng là "có", nhưng tiếc rằng Maki lại luôn mặc cảm và nghi ngờ, để hai người suốt một năm phải sống chia lìa trong khổ đau.
Nhưng sự mặc cảm của Maki không phải là không có cơ sở, vì Haruta từ trước tới giờ vẫn luôn nhận mình thích "gái ngực khủng và loli". Một năm thử thách cũng là điều tốt, vì khi đó Haruta được mở ra hàng loạt cơ hội: Chizu, Trưởng phòng, những đám xem mặt… để xác định chính xác tình cảm của mình với Maki là tình yêu hay lòng thương. Và cuối cùng, Haruta "chậm tiêu" đã nhận ra nó chính là tình yêu.
Đó không phải là thứ tình yêu cuồng nhiệt hay mộng mơ của tuổi trẻ, bồng bột và luôn có khả năng chấm dứt bất cứ lúc nào. Đó là thứ tình yêu mà cả hai đều mong muốn chia sẻ một mái ấm, để hàng ngày về nhà được nói câu "Em đã về rồi đây!" và nghe đối phương hồi đáp: "Mừng em về nhà." Đó là thứ tình yêu trầm ổn và lâu bền của những con người đã đủ trưởng thành để biết trân trọng lẫn nhau - Tình yêu của những ông chú.