Cat Soup (Tên gốc: Nekojiru-sou) là một phim ngắn với độ dài 34 phút. Phim được sản xuất năm 2001 bởi đạo diễn Tatsuo Satou; lấy cảm hứng từ tác phẩm của một họa sĩ truyện tranh bị ám ảnh về mèo tên Nekojiru. Phim diễn tả một cuộc hành trình tìm lại linh hồn của hai chú mèo Nyatta và Nyaako.
Tuy là hoạt hình, nhưng Cat Soup không phải là một bộ phim thuộc văn hóa đại chúng. Tạo hình nhân vật đơn giản theo phong cách truyện tranh thiếu nhi có thể khiến bạn lầm tưởng về sự "bình thường" của nó. Song thật ra, Cat Soup lại là một bộ phim nặng về nghệ thuật, với những bối cảnh thể hiện theo phong cách siêu thực. Đặc biệt, trong một vài chi tiết, nó còn gợi nhớ đến những hình ảnh kinh điển từng được sáng tạo bởi những họa sĩ siêu thực tiêu biểu như Salvador Dalí, René Magritte,v.v...
Cat Soup cũng thường xuyên đặt người xem vào những góc nhìn từ dưới lên, từ trên xuống, qua ống kính góc rộng, qua lớp nước hoặc những thứ tạo cảm giác nước…; khiến hình ảnh bị sai lệch so với kích thước thật, bị bẻ gãy, làm nhòe mờ, bị chòng chành, bị chồng lớp… rất khó theo dõi với mắt thường; tạo ấn tượng về một câu chuyện nửa thực nửa hư, vô cùng khó nắm bắt.
Cùng với đó là hội thoại, bị bóp méo đến mức chỉ còn tiếng léo nhéo, hoặc nếu "thả" ra vài chỗ thì cũng chỉ là những câu vô thưởng vô phạt, bất lực trong việc diễn tả điều gì đang diễn ra trong câu chuyện. Mà thật ra, câu chuyện chỉ tỏ ra có nghĩa ở đoạn đầu, càng về sau, nó càng có cảm giác ngẫu hứng và phó mặc ý nghĩa cho khán giả tự quyết định. Điều này đã được chính đạo diễn Satou thừa nhận: "Chúng tôi cũng không thật sự hiểu lắm đâu."
Nhưng, "siêu thực" mà! Bởi vậy, lời khuyên cho bạn khi xem Cat Soup là: Đừng cố suy luận theo lý trí, cũng đừng cố đánh giá nó theo các quy chuẩn thẩm mỹ và đạo đức thông thường. Hãy thả lỏng tinh thần, và để xem tính mập mờ và đa nghĩa của hình ảnh có thể dẫn bạn đi xa đến đâu.
Câu chuyện xoay quanh hai con mèo có nhân cách là Nyatta (mèo em) và Nyaako (mèo chị). Nyaako ốm nặng sắp chết nên không khí trong nhà đang rất u buồn. Mẹ lúi húi làm việc nhà, bố uống rượu say khướt, Nyatta chơi một mình và bị đuối nước trong bồn tắm. Khoảnh khắc mập mờ giữa sự sống và cái chết, Nyatta nhìn thấy Bồ-tát Địa Tạng dẫn linh hồn chị mình đi. Nó đuổi theo và giằng co với vị này. Linh hồn Nyaako bị xé làm đôi, Nyatta cầm một nửa chạy về. Đằng sau nó, Địa Tạng nói với theo rằng nửa còn lại của linh hồn Nyaako được gá vào một bông hoa đỏ, Nyatta phải tìm được bông hoa ấy thì Nyaako mới sống lại hoàn toàn. Nyatta liền mang một nửa linh hồn về cho Nyaako, và dắt theo người chị "nửa tỉnh nửa mê" của mình đi tìm bông hoa ấy.
Trên bước đường lưu lạc, đầu tiên, hai mèo vào một rạp xiếc với những trò phép thuật quái dị. Tiết mục hấp dẫn nhất ở đây là của một ảo thuật gia trông như Thượng Đế. Người này biểu diễn một màn giết chết và hồi sinh con người; sau đó là một màn "sáng tạo theo yêu cầu", tạo ra từ cái ghế (đồ vật), con cá (sinh vật) cho đến con voi bằng vàng (sinh vật tưởng tượng). Có lẽ hai mèo tìm đến đây là vì muốn nhờ sự giúp đỡ của vị này chăng? Ta không thể biết được, vì chúng chưa kịp nhờ vả gì thì một "lỗi kỹ thuật" ở tiết mục sau đã tạo ra một cơn lũ cuốn phăng cả rạp xiếc và tất cả mọi thứ trên Trái Đất đi.
Khi tỉnh dậy, hai mèo thấy mình đang lênh đênh trên một con thuyền (gợi nhớ đến con thuyền Noah trong Sách Sáng thế). Từ đây, hành trình của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào bàn tay vô tình của Thượng Đế. Thượng Đế róc hết nước ở Trái Đất đi, khiến chúng lang thang trên hoang mạc. Thượng Đế đem Trái Đất lên bàn ăn và bổ đôi, khiến chúng rơi vào trong dung nham. Thượng Đế đang chuẩn bị múc dung nham ăn thì đánh rơi nửa Trái Đất vào cỗ máy thời gian, khiến nó bị kẹt, và ông phải tua xuôi tua ngược để lấy lại miếng ăn của mình. Cuộc đời hai con vật cùng toàn bộ sinh vật trên Trái Đất cũng bị tua xuôi tua ngược theo đó, hỗn loạn và điên đảo.
Phim ảnh từ Á sang Âu chẳng thiếu gì các chuyến du lịch tâm linh, nhưng thường câu chuyện sẽ được xây dựng theo một quan niệm nhất định về thế giới. Có thể là dựa trên tư tưởng Phật giáo, hay lý thuyết Thiên chúa giáo (từ này được người viết dùng chỉ chung cho các tôn giáo độc thần), hay tín ngưỡng dân gian, hay một học thuyết sinh học nào đó. Thế nhưng với Cat Soup, nó đổ tất cả vào thành một nồi lẩu thập cẩm về tư tưởng, và khuấy lên.
Ta có thể nhìn thấy sự chết dưới nhãn quan Phật giáo Nhật Bản khi Bồ-tát Địa Tạng (Vị Bồ-tát bảo vệ vong linh trẻ em) đến dẫn Nyaako đi. Ta cũng hiểu được sự chết - sự sống trong quan niệm Thiên Chúa giáo (bàn tay toàn năng của Thượng Đế điều khiển tất cả), khi ông biểu diễn khả năng giết chết - hồi sinh con người trong rạp xiếc, hay khi ông tua xuôi tua ngược cuộc đời của toàn nhân loại chỉ bằng chiếc đồng hồ.
Ta cũng có thể phát hiện một ý thoáng qua về sự sinh dưới góc nhìn dân gian trong cảnh con cò mang theo cái bọc đựng hai đứa trẻ; hay chống cằm suy ngẫm về chiếc đồng hồ của Paley và thuyết tiến hóa của Darwin. Dường như đạo diễn và biên kịch đã lôi tất cả những lý giải về sống - chết được tích trữ trong đầu óc họ ra thành phim; không cần quan tâm đến liên kết, logic hay bất cứ vấn đề nào thuộc lý trí. Trong thế giới thực, những lý giải này có thể xung đột với nhau từ bản chất; nhưng trong thế giới của Cat Soup, chúng hòa lẫn vào nhau trong những chuyển động mượt mà của hình ảnh, gợi mở đến những suy tư vô cùng về nhân sinh.
Mọi thứ trong Cat Soup có thể mù mờ, trừ sự độc ác. Hai nhân vật chính của chúng ta là những con mèo có nhân cách, vẻ ngoài tuy ngây thơ nhưng bên trong lại vô cùng độc ác. Chúng vui thích khi chứng kiến những con chim bị hành hạ trong rạp xiếc và trong nhà của người đàn ông trên sa mạc. Chúng ăn thịt và đánh đập con lợn - người bạn đường duy nhất của chúng - đến chết, khi con này đã hết "giá trị sử dụng". Khoảnh khắc Trái Đất bị đông cứng vì đồng hồ thời gian bị kẹt, Nyatta đến chỗ một người phụ nữ đang sắp sửa tự sát, gạt giọt nước mắt của bà và ném xuống chân giẫm nát. Như vậy, nó hoàn toàn không có một chút gì đồng cảm với nỗi đau khổ của loài người. Tuy nhiên, ta cũng cần nhìn nhận là hai con mèo chỉ độc ác với những loài vật khác (lợn, chim, người). Chúng rất yêu thương nhau và yêu thương bố mẹ. Vậy điều gì tạo nên lòng yêu thương và điều gì tạo nên sự độc ác? Phải chăng là cảm giác về sự giống nhau tạo nên lòng yêu thương và cảm giác về sự khác biệt tạo nên sự độc ác?
Chủ đề môi trường cũng trở lại với Cat Soup, như trong đa số các bộ phim Nhật Bản khác. Nhưng điểm đặc biệt của Cat Soup là nó miêu tả sự tàn phá thiên nhiên không đến từ nhu cầu cho sự sống; mà chỉ đơn giản là một thú vui tàn nhẫn của con người. Ta chứng kiến người đàn ông trong ngôi nhà ở sa mạc hành hạ con chim chán chê rồi mới đem đi nướng ăn. Hay những người trong rạp xiếc buộc dây vào chân "con chim bầu trời" và gắng sức siết chặt để con chim thét lên những tiếng kêu lấp lánh mua vui cho khán giả. Và bởi hành hạ thiên nhiên mà con người phải trả giá: Bị hủy diệt bằng một cơn đại hồng thủy.
Cơn đại hồng thủy trong Sách Sáng thế là do Đức Chúa trời gây ra, khi Ngài quyết định hủy diệt loài người vì thấy quá nhiều tội lỗi. Nhưng cơn đại hồng thủy trong Cat Soup thì là do con người gây ra, Thượng Đế hoàn toàn vô can. Tất cả là tại con người đã hành hạ quá đáng con chim bầu trời, khiến những đám mây trong nó chuyển thành giông tố và vỡ tung thành bão lũ.
Thượng Đế ở đây đã hoàn toàn bỏ rơi con người. Ngài chỉ quan tâm đến việc ăn uống của mình, và việc Ngài vặn ngược đồng hồ cũng là để lấy miếng Trái Đất đang chuẩn bị ăn thì rơi mất; chứ hoàn toàn không có chủ đích vãn hồi cuộc sống cho những người đã chết vì sự độc ác của người khác hay sự ích kỷ của bản thân. Việc những người đó sống lại chỉ là sự vô tình. Có lẽ, quan điểm của Cat Soup về Thượng Đế là: Ngài có thật, nhưng Ngài chẳng trừng phạt, cũng chẳng cứu rỗi. Ngài đã quá chán chường với loài người nên để "sống chết mặc bay" chăng?
Và đến cuối cùng, với một cái kết không thể nào "hại não" hơn, Cat Soup khiến ta phải băn khoăn tự hỏi: Phải chăng hành trình chống lại cái chết của hai chú mèo thật ra chỉ là một ảo ảnh, một chương trình TV giải trí cho Thượng Đế? Mà khi đã chán, Ngài chỉ cần cầm điều khiển tắt cái phụp, thế là "xong phim"? Tuy nhiên, đó chỉ là ý nghĩa do người viết bài này tự tạo ra, trong vô vàn những khả năng tạo nghĩa mà bộ phim mang lại. Dân tình đồn đại rằng, phim chỉ dài 34 phút, vì nếu dài hơn, khán giả của nó sẽ... phát điên vì cố tạo nghĩa cho những gì mình xem được. Thế nên, hãy lưu ý bảo trọng tâm hồn khi xem phim nhé!