“Ông nội” 53 tuổi Miura, bảo vật quốc gia của xứ sở Mặt trời mọc

Thanh Đình, Theo Trí Thức Trẻ 22:08 07/08/2020

Nhiều năm trở lại đây, câu hỏi bao giờ Miura nghỉ hưu không còn được đặt ra. Thay vào đó, tất cả chờ đón những lần ông ra sân hay ghi bàn như một sự kiện trọng đại. Còn hơn một cầu thủ, Vua Kazu bảo vật quốc gia của xứ sở Mặt trời mọc.

Kazuyoshi Miura là một Adaline trong bóng đá. Nếu như Adaline, nhân vật trong bộ phim The Age of Adaline, bị ngưng đọng sự lão hóa và trẻ mãi không già, để rồi chứng kiến mọi đổi thay suốt hai thế kỷ, thì Miura cũng có khả năng tương tự.

Ông khởi nghiệp năm 1986, thời điểm Diego Maradona lên tột đỉnh vinh quang ở World Cup, chơi cùng thời với Michel Platini, Karl-Heinz Rummenigge và đối đầu với Zico, tiếp tục đồng hành cùng Roberto Baggio, đến "Ro béo", "Ro điệu", Lionel Messi và bây giờ, trong thời đại của Kylian Mbappe, Jadon Sancho rồi Erling Haaland, vẫn tiếp tục xỏ giày ra sân. Sau khi xác nhận kỷ lục Guinness với tư cách cầu thủ lớn tuổi nhất ra sân, và cây ghi bàn già nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp, Miura lại thiết lập cột mốc mới khi trở thành cầu thủ già nhất chơi ở Cúp Liên đoàn Nhật Bản cách đây ít ngày.

Vào tháng 2 vừa qua, Vua Kazu vừa đón sinh nhật thứ 53. Suốt 15 năm qua, tặng bánh sinh nhật cho "ông nội" Miura đã trở thành một truyền thống ở Yokohama FC. Và trong buổi lễ được tổ chức ở phòng tập của CLB, người đàn ông sinh năm 1967 sẽ tiến ra trong bộ vest, hoặc màu kem, màu đỏ hoặc hồng phấn, trong tiếng vỗ tay cùng điệp khúc Chúc mừng sinh nhật. Rồi ông sẽ thổi 5 ngọn nến trước khi một lần nữa nói về niềm đam mê bóng đá.

“Ông nội” 53 tuổi Miura, bảo vật quốc gia của xứ sở Mặt trời mọc - Ảnh 1.

"Ông nội" Kazu Miura vẫn ra sân bất chấp cái tuổi 53.

"Kể từ khi khởi nghiệp ở tuổi 18 đến nay, 35 năm đã trôi qua nhưng tình yêu với bóng đá của tôi không bao giờ cạn, thậm chí tăng lên theo thời gian", Miura nói.

Thật ra thì Vua Kazu đã hơi thiếu sót, bởi tình yêu với trái bóng của ông đã hình thành từ trước đó, lúc ông còn là cậu nhóc ở Shizuoka, thành phố nằm dưới chân ngọn Phú Sỹ. Vào thời điểm bóng đá không mấy phổ biến trên đất Nhật, Miura đã cố gắng mài giũa các kỹ năng của mình và ôm mộng tới Brazil.

Rồi khi tới xứ sở đã sản sinh ra Pele, Garrincha, Socrates và Zico, Miura đã phải ngủ trong căn phòng đầy bọ chét, là nạn nhân của phân biệt chủng tộc và vật lộn với nỗi nhớ nhà. Sau khi kinh qua 8 đội bóng khác nhau, tất cả buộc phải thừa nhận tài năng của chàng trai đến từ Nhật Bản. Câu nói "cậu đã thành công" của Zico dành cho Miura chính là sự xác tín cao nhất.

Zico sớm biết rằng Miura sẽ làm được nhiều thứ với bóng đá, nhưng chắc chắn không thể dự đoán sự nghiệp của Vua Kazu lại có tuổi thọ cao đến thế.

“Ông nội” 53 tuổi Miura, bảo vật quốc gia của xứ sở Mặt trời mọc - Ảnh 2.

Miura có sự nghiệp chơi bóng dài nhất thế giới với 35 năm.

Ở một đất nước có dân số già và có tỷ lệ người cao tuổi lớn nhất thế giới như Nhật Bản, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều cầu thủ chơi bóng ở độ tuổi trên dưới 40. Shunsuke Nakamura, 42 tuổi, cựu cầu thủ Celtic đang là đồng đội của Miura ở Yokohama là một ví dụ.

Tuy nhiên, ngay cả với tiêu chuẩn của nước Nhật, Miura vẫn là một hiện tượng kỳ thú.

Vậy làm thế nào để Vua Kazu giữ vững ngai vàng hơn 3 thập kỷ? Bất chấp mái tóc bạc và những nếp nhăn ngày một nhiều nơi khóe mắt, Miura vẫn là cầu thủ tập luyện chăm chỉ và bài bản nhất ở xứ sở mặt trời mọc. Khi các đồng đội trẻ tuổi đến sân tập, ông đã ở đó và tập cùng HLV cá nhân. Ông vẫn tiếp tục trong lúc họ ăn sáng và thay đồ, cuối cùng tham gia vào buổi tập chung mà không bỏ qua bất cứ nội dung nào.

“Ông nội” 53 tuổi Miura, bảo vật quốc gia của xứ sở Mặt trời mọc - Ảnh 3.

Để theo kịp lớp trẻ, Miura luôn tập luyện không ngừng nghỉ, mọi lúc mọi nơi.

Những người ở Yokohama cũng tiết lộ, Miura luôn kiểm tra cân nặng và lượng mỡ thừa 4 đến 5 lần mỗi ngày. Sau các buổi tập, ông ngâm mình trong nước đá và uống loại nước đặc biệt đặt riêng từ Ý. Vào kỳ nghỉ giữa hai mùa giải, trong khi những người khác xa rời bóng đá, ông tới Hawai và tập với HLV thể lực thuê riêng để giữ dáng.

Nhiều cầu thủ nói rằng họ đương nhiên cũng yêu bóng đá, nhưng không điên rồ đến mức như "ông nội" Miura. Bên ngoài sân cỏ, ông có cuộc sống bình lặng với vợ và hai con. Nhưng trước mỗi trận đấu, bất kể có được ra sân hay không, Miura sẽ chuyển sang ở căn nhà khác trong cùng khu phố. Ông cần tập trung và một chút tĩnh lặng để luôn trong trạng thái sẵn sàng.

Từ nhiều năm trở lại đây, câu hỏi bao giờ Miura nghỉ hưu không còn được đặt ra ở đất nước Nhật Bản. Thay vào đó, họ chờ đón những lần ông xỏ giày thi đấu và biến mỗi pha ghi bàn của ông thành một sự kiện trọng đại.

Còn hơn cả một cầu thủ, Vua Kazu là vị Thần, biểu tượng văn hóa và bảo vật quốc gia của xứ sở Mặt trời mọc.