Những món bún vừa khó đọc tên, vừa có cách gọi lạ của người miền Tây

Gà, Theo Trí Thức Trẻ 17:35 29/11/2018

Miền Tây sông nước nổi danh là vùng đất có nền ẩm thực rất phong phú, và trong số đó, những món bún có cái tên vừa độc vừa lạ cũng là nét đặc sắc ở nơi đây.

Đều có nguyên liệu chính là bún nhưng vì sao những món ăn này lại có phần tên ghép đằng sau kì quặc đến vậy nhỉ? Cùng khám phá kỹ hơn về những món bún vừa khó đọc tên, vừa có cách gọi lạ từ vùng miền Tây sông nước ngay bây giờ nhé!

Bún ba khía

Đây là món bún chỉ gồm có phần nguyên liệu chính là bún tươi và ba khía hấp nước dừa, ăn kèm cùng nước mắm chua ngọt. Ba khía vốn dĩ không nhiều thịt, lại ăn kèm cùng mắm nên nếu bạn thuộc "team xôi thịt" thì có lẽ phải ăn vài bát mới đủ no.

Những món bún vừa khó đọc tên, vừa có cách gọi lạ của người miền Tây - Ảnh 1.

Bún ba khía là một đặc sản nổi tiếng ở các tỉnh miền Tây như Hà Tiên, Kiên Giang... Do đó, nếu có dịp ghé qua những vùng này thì bạn đừng quên thưởng thức thử một lần cho biết.

Bún kèn

Ngay từ cái tên món đã thấy có một sự đặc biệt, nhưng khi được cầm trên tay tô bún kèn thì bạn còn thấy kích thích hơn với những phần nguyên liệu trải đều trên mặt bát. Món bún này vốn không phổ biến và cũng rất ít nơi có bán, vì không phải người nào cũng có thể làm ra một tô bún kèn chuẩn vị được.

Bún kèn gồm đủ loại nguyên liệu với các màu sắc vô cùng bắt mắt, vừa có màu trắng của bún, vừa có màu vàng của nước lèo hay cá xay nhuyễn, lại vừa có cả màu xanh của rau, màu đỏ của ớt và màu cam của đu đủ bào. Khi thưởng thức, bạn sẽ thấy bát bún kèn mang đậm hương vị beo béo đặc trưng của nước cốt dừa và mùi thơm khó lẫn của bột ngũ vị hương.

Bún suông

Bún suông (hay còn được gọi là bún đuông), không chỉ độc lạ ở cái tên mà còn hay ho ở phần nguyên liệu bên trong bát bún. Thành phần chính của bún suông chỉ gồm có bún, tôm và thịt ba chỉ, nhưng đặc biệt nhất chính là những con tôm được nặn thành miếng chả dài, tạo hình giống con đuông (một loại sâu trong ngọn dừa) mà người ta hay gọi là đuông dừa.

Điều làm nên hồn cốt của bát bún suông chính là thứ nước lèo mang đậm chất Trà Vinh. Phần nước này sẽ được ninh bởi xương lợn, khô mực, đầu tôm... trong nhiều giờ cho đủ độ béo ngọt. Ngoài ra còn có các loại gia vị như dầu hạt điều, muối, tiêu, mắm bò hóc... cùng ít me và tương hạt để tạo được vị ngọt thanh, thơm thoang thoảng hấp dẫn. Món bún này không kén người ăn nhờ vị ngọt tự nhiên từ tôm, cá đã làm loãng đi độ đậm vị của mắm bò hóc. Nhờ vậy, đến những người không quen mùi mắm cũng vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn.

Bún mắm

Vốn từ lâu, bún mắm đã được xem là một đặc sản nức tiếng của người Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau... Điểm hấp dẫn của món bún này chính là ở hương vị hòa quyện giữa mắm cá linh và mắm cá lóc được nấu thành nước lèo.

Tùy mỗi người sẽ có một cách nấu và sự nêm nếm hương vị khác nhau. Tuy nhiên, một bát bún mắm sẽ thường được ăn kèm cùng tôm, mực, cá, heo quay với các loại rau như bông súng, bắp chuối, giá, rau diếp cá... và tất nhiên sẽ không thể thiếu phần nước lèo từ mắm của hai loại cá.

Bún nhâm

Bún nhâm cũng dùng nhiều nguyên liệu giống như bún kèn nên hai món này thường được bán cùng nhau. Thế nhưng, điểm khác biệt của bún nhâm lại nằm ở chỗ, nó được trộn khô và ăn kèm rau sống, chà bông tôm cùng nước mắm pha chua ngọt.

Những món bún vừa khó đọc tên, vừa có cách gọi lạ của người miền Tây - Ảnh 5.

Bún nước lèo

Tới Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, hay Bạc Liêu... thì ở đâu đâu, bạn cũng sẽ thấy bán món bún nước lèo rất phổ biến. Ở mỗi nơi sẽ có những cách làm và kiểu nêm nếm khác nhau. Do đó, hương vị cũng có phần khác biệt hơn. Có thể kể đến như Trà Vinh thì bún nước lèo sẽ dùng mắm bò hóc, hay Sóc Trăng lại dùng mắm cá sặc...