Nhắc đến những chương trình truyền hình về kiến thức nổi tiếng chắc chắn không thể bỏ qua "Ai là triệu phú". Với format gần gũi, cách chơi dễ hiểu cùng lượng kiến thức khổng lồ từ chuyên môn đến đời sống thông thường từ kho câu hỏi, chương trình này đã thu hút rất nhiều khán giả xem đài. Và bên cạnh những thí sinh xuất sắc chinh phục hàng loạt các giải thưởng trị giá của chương trình, thì cũng có những phần thi "kinh điển của sự khó hiểu" đã gây nhiều chú ý và tranh cãi trong dư luận.
El Nino là nhãn sữa, còn rau đay là gì thì… mình không biết
Điển hình nhất, không gì khác chính là cô bạn gái vừa vào chơi đã gặp phải hai câu hỏi "củ khoai" và phải dùng 2 quyền trợ giúp liên tục. "Dở khóc dở cười" nhất chính là ở cái câu hỏi thường thức đời sống đơn giản thì đối với cô bạn lại là hai thách thức đáng gờm. Cụ thể, với câu hỏi về hiện tượng biến đổi thời tiết El Nino thì cô bạn thí sinh Phạm Thị Quyên phân vân ngay "không biết có phải tên nhãn sữa nào không", còn câu thứ hai hỏi "rau gì được dùng để nấu canh cua" thì khó khăn lớn nhất của thí sinh này chính là không-biết-rau-đay-là-gì.
Dừng chân khá sớm ở câu hỏi số 8, cô bạn ra về với giải thưởng 2 triệu đồng. Và hẳn nhiên, phần thi của cô gái này đã nhanh chóng xuất hiện và gây sốt trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, cô đúng là "thánh nhọ" của Ai là triệu phú khi đụng liền "hai trái bí to".
Thế nhưng, cũng không ít bạn trẻ đã phải thừa nhận rằng nhờ phần thi của Quyên mới nhận ra… "đến mình cũng chẳng biết rau đay là rau gì…".
Dùng ngay quyền trợ giúp vì không biết loại mũ nào tên "lưỡi trai"
Trước đó, cũng có một thí sinh sử dụng quyền trợ giúp với câu hỏi được đánh giá vô cùng dễ đã khiến dư luận đúng-là-không-thể-hiểu-được. Cụ thể, ở phần thi của người chơi Trần Văn Tiền, anh đã dùng ngay quyền trợ giúp từ khán giả ngay ở câu đầu tiên vì không biết "lưỡi trai" là tên một loại mũ. Thậm chí, anh còn khảng khái quyết định "lưỡi trai với lưỡi rắn chắc chắn là không phải rồi" khiến khán giả ở trường quay không khỏi bật cười… Khỏi phải nói, màn thi của anh Tiền cũng nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của cộng đồng mạng ngay sau đó. Trong khi một số người cho rằng "câu này dễ như ăn kẹo" thì cũng không ít người bênh vực rằng "do cách dùng từ ngữ địa phương đã gây nhiều khó khăn cho người chơi". Và như một lẽ dĩ nhiên, anh Tiền đã trở thành thí sinh "bá đạo" nhất của Ai là triệu phú với màn thi "kinh điển" của mình.
Cô hiệu trưởng không biết "Nghĩa trang Hàng Dương ở đâu"
Cũng trong Ai là triệu phú được phát sóng tối 14/6, phần thi của cô Nguyễn Thị Kim Liên cũng đã khiến nhiều người xem "bị choáng". Với phần giới thiệu mình là hiệu trưởng của trường Tiểu học, nhiều khán giả đã bất ngờ khi phải dùng hết cả 4 quyền trợ giúp để vượt qua 8 câu hỏi. Đáng chú ý nhất là ở câu hỏi "Nghĩa trang Hàng Dương nằm ở đâu", phần trả lời "tỉnh Quảng Trị" của cô Liên đã gây nhiều tranh cãi lớn trong dư luận. Bởi lẽ, nhiều người cho rằng với vai trò là hiệu trưởng của một trường tiểu học thì việc không biết đáp án chính xác của câu hỏi này có hơi khó để chấp nhận.
Dùng hết 3 quyền trợ giúp vẫn không chọn được đáp án đúng
Cũng ở chương trình này được phát sóng vào tháng 5/2014, người chơi Phạm Thị Thu cũng là một "thánh nhọ đỉnh cao" khi phải dừng cuộc chơi ở câu số 8. Cụ thể ở câu hỏi "Tên ngọn thác Dambri hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên có ý nghĩa là gì?", dù đã sử dụng một lượt 3 quyền trợ giúp: gọi điện cho người thân, 50/50 và tham khảo ý kiến của khán giả ở trường quay, thì cuối cùng cô vẫn phải ngậm ngùi ra về vì không thể chọn được đáp án chính xác.
Thật ra, một trong những điều không thể phủ nhận được chính là: khi đi thi ở các chương trình truyền hình là một trong những lí do tác động và chi phối người chơi rất nhiều.
Với những "ngây ngô" hay thiếu sót về kiến thức thông thường của các thí sinh tham gia chương trình, thật ra cũng không vấn đề gì phải khiến mọi thứ trở nên gay gắt hơn. Chẳng phải là nhờ vào học, bản thân chúng ta mới nhận ra được rằng: Dù là ai đi nữa thì đối với biển trời kiến thức, mỗi chúng ta cũng chỉ là một hạt cát bé tí mà thôi. Chắc hẳn với bản thân từng người chơi, dù phải ra về sớm như bảo đảm, chắc chắn họ sẽ luôn nhớ đến phần kiến thức bị hỏng của mình mà tìm cách bù đắp vào. Vậy nên, thay vì ngồi đó chỉ trích lên án, thì mau mau bổ sung, cân bằng lượng kiến thức của mình có rồi muốn thắng thua gì thì đi thi cho biết với người ta!