Những ngày vừa qua, mạng xã hội rộ lên trào lưu flex (khoe khoang) bản thân và nhận được nhiều chú ý. Trào lưu này càng được nhân rộng gấp bội bởi một hội nhóm mang tên "Flex đến hơi thở cuối cùng" có đến hơn 850k thành viên - nơi người trẻ nói lên thành quả của bản thân từ thành tích học tập khủng, công việc ổn định cho đến sở hữu tài sản lớn như nhà, siêu xe... Đáng nói, sự khoe khoang này không khiến nhiều người dùng khó chịu mà lại mang tính giải trí cao.
Và trước khi trào lưu "flex" này ra đời, đã có nhiều người trẻ đạt được cột mốc tài chính đáng ngưỡng ngưỡng mộ như kiếm được 1 tỷ đầu tiên, tự mở công ty hay mua căn nhà đầu tiên. Họ không ngại chia sẻ thành tựu của bản thân một cách tự hào và kể lại hành trình nỗ lực để chạm đến ước mơ.
18 tuổi, Đặng Thị Cẩm Hằng (SN 1998, quê Hà Tĩnh) lên đường đi du học Nhật. Chỉ sau đó 3 năm, cô đã tích luỹ được khoản tiền lớn, còn gửi về cho bố mẹ khoảng 1 tỷ xây nhà. Từ hai bàn tay trắng, làm thế nào để Cẩm Hằng đạt được thành tựu lớn nhanh chóng như vậy?
Cẩm Hằng
Từ khi còn học năm nhất, Cẩm Hằng đã làm thêm nhiều công việc khác nhau như bưng bê, dọn dẹp khách sạn, thu ngân siêu thị... để vừa đóng tiền học vừa gửi về cho gia đình. Nhờ sự chăm chỉ, mức lương cao nhất cô nàng đạt được khi đó là 25 man (~50 triệu đồng). Đây có thể là con số khá cao với nhiều người nhưng với mức sống ở Nhật thì cũng chẳng dư dả.
Để có thể gia tăng thu nhập, Cẩm Hằng đã không ngừng nỗ lực. Ban đầu, cô nàng xin làm admin miễn phí cho một số trang fanpage nhỏ ở cả Nhật Bản và Việt Nam. Sau đó, cô được nhiều người biết đến hơn và được mời làm quản trị nhiều trang fanpage lớn. Nhờ vậy mà thu nhập của Cẩm Hằng không ngừng tăng lên. Các mối quan hệ trong công việc cũng được mở rộng.
Dựa trên kinh nghiệm tích luỹ được, Hằng xin được việc làm marketing tại một công ty ở Nhật Bản. Ngoài ra, cô nàng còn làm thêm công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
Nhờ đa dạng nguồn thu nhập, cô nàng kiếm khoảng hơn 100 triệu đồng/tháng trong những ngày ở Nhật Bản. Với thành tích xuất sắc, cô từng được công ty thưởng Tết lên đến 180 triệu đồng. Tuy nhiên, đánh đổi tiền lương cao là khối lượng công việc lớn, có những ngày Hằng chỉ ngủ khoảng 4-5 tiếng.
Sau những nỗ lực đáng nể, ở tuổi 21, Hằng đã trả hết khoản nợ 250 triệu đồng và gửi thêm 1 tỷ để xây nhà cho bố mẹ ở quê. Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên gửi tiền để phụ giúp gia đình nuôi hai em ăn học. Từ tuổi 24, cô gái trẻ đã kiếm được 120 triệu/tháng. Hiện tại, Cẩm Hằng đã về nước và sinh sống tại Hà Nội để tiện chăm lo cho gia đình. Cô nàng đang làm nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
Cẩm Hằng đã gửi cho bố mẹ 1 tỷ để xây nhà ở quê
Ở độ tuổi 26, Trần Phú (26 tuổi, Nha Trang) sở hữu nhiều thành tựu đáng nể như có nguồn thu nhập ổn định, sở hữu một công ty xây dựng và tự mua nhà 2 tỷ. Ngoài ra, anh còn có một khoản tiền tiết kiệm để đầu tư thêm bất động sản vùng xa - một kênh hứa hẹn sinh lời trong tương lai.
Trần Phú
Trần Phú tự nhận, bản thân sinh ra trong gia đình không có điều kiện nên đã phải cố gắng rất nhiều mới có được ngày hôm nay. Trước khi mở công ty riêng, anh chàng từng làm thuê trong nhiều năm. Anh rút ra kết luận: "Nếu muốn bức phá và gặt thành công sớm hơn thì mình nên thử sức với kênh đầu tư và khởi nghiệp!". Vậy nên, trong những năm tháng còn trẻ, Phú không muốn bỏ qua cơ hội thử sức bản thân, vượt lên hoàn cảnh để kiếm thật nhiều tiền.
Trần Phú nhớ lại, gia đình anh chàng từng lâm vào hoàn cảnh nợ nần. Chứng kiến sự vất vả của cha mẹ, Trần Phú càng quyết tâm phải nỗ lực hơn. Cách đây 3 năm, anh chàng chuyển về Nha Trang làm việc, bước một chân vào con đường khởi nghiệp. Không có sự giúp đỡ nào từ gia đình, nên Trần Phú khởi nghiệp bằng vốn tự có, kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được. Cái gì không biết thì anh chàng bỏ tiền ra học.
Về số vốn khởi nghiệp, anh chàng may mắn nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè khoảng 200 triệu đồng để mở xưởng. Trong đó, 160 triệu đồng là tiền máy móc và 40 triệu đồng tiền mua đồ. Sau 3 năm, công việc của Trần Phúc cũng dần đi vào ổn định. Không chỉ có thể mở rộng kinh doanh, sở hữu nguồn thu nhập đáng mơ ước, anh còn giúp đỡ được bố mẹ và có thời gian nghỉ ngơi, không cần làm việc quần quật như trước.
"Hoàn thành được những mục tiêu đầu tiên giúp mình có động lực hơn trong cuộc sống. Có được căn nhà mơ ước của mình rồi, bây giờ chỉ cần chăm chỉ làm việc, tiết kiệm và học cách đầu tư cho tương lai", Trần Phú nói.
Toàn bộ chi phí mua nhà (2 tỷ) và cải tạo nội thất (khoảng 200 triệu đồng) đều do Trần Phú tự chi trả
Cách đây 1 năm, Lê Trường Anh (26 tuổi, Hà Nội) đã cán mốc mục tiêu mua nhà dành tặng cho mẹ. Được biết, cuối năm 2021, anh chàng đã trả thẳng tiền mua nhà, sau đó mất khoảng 8 tháng chờ đợi, hai mẹ con mới có thể dọn vào khi quá trình thi công hoàn thành.
Trường Anh và mẹ
Trường Anh bắt đầu kiếm tiền từ năm lớp 10. Trường Anh đã trải nghiệm nhiều công việc từ làm làm thuê cho đến tự mình kinh doanh sản phẩm thương hiệu riêng. Đến năm 2 Đại học, anh bắt đầu góp vốn kinh doanh và nhận được khoản thu nhập tốt từ thời điểm bấy giờ.
"Có thời điểm mình kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng vì còn trẻ, kinh nghiệm cũng chưa nhiều, thất bại là điều không thể tránh khỏi, mình bắt đầu áp lực và nghi ngờ bản thân, liệu rằng có phải mình kém cỏi hay không. May mắn mình luôn có mẹ ở bên, động viên, an ủi, giúp mình lấy lại tinh thần và tiếp tục chiến đấu. Mình bắt đầu ngồi lại, bình tĩnh phân tích những quyết định trong đầu tư và kinh doanh, xem rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu.
Với tinh thần không ngừng trau dồi kiến thức, tự rút bài học, mình quay trở lại việc kiếm tiền với tâm thế ổn định hơn. Nắm bắt được những cơ hội mới, mình áp dụng những kỹ năng được chuẩn bị kỹ càng trước đó và đạt được những thành công nhất định", Trường Anh nói.
Mặc dù không chia sẻ số tiền cụ thể, song cứ nhìn vào nội thất hiện đại và không gian sống bên trong căn hộ, có thể thấy Trường Anh đã bỏ chi phí không nhỏ cho "tổ ấm" đầu tiên của mình.
Căn nhà đầu tiên của Trường Anh