Gia đình Bảo Ngọc (29 tuổi, nhân viên văn phòng) đã không cần vay nợ ngân hàng để mua căn hộ 67m2 gồm 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh ở Hà Nội. Một số người cho rằng vay nợ trả góp sẽ giúp sở hữu nhà dễ dàng hơn, cũng như có động lực để tăng thu nhập. Tuy nhiên, Bảo Ngọc cho rằng nếu không đúng cách, vay nợ còn trở thành áp lực. "Dù mua nhà không cần vay nợ ngân hàng nhưng tụi mình cũng cần vay một ít từ người thân, nên mình vẫn đang cố gắng từng ngày để trả nợ. Ngoài ra, tụi mình cũng đặt mục tiêu ít nhất sau 5 năm nữa sẽ đổi được căn nhà lớn hơn nên cũng cần cố gắng khá nhiều".
Bảo Ngọc
Bảo Ngọc cho rằng không nên vay nợ quá nhiều, đặc biệt là vay ngân hàng khi hiện tại lãi suất rất cao, khoảng 10%/năm. "Việc vay nợ đối với bọn mình áp lực nhiều hơn động lực, nên mình chỉ mua nhà khi đã có khoảng 70% ngân sách. Nếu vay trên 50% ngân sách, mọi người nên cân nhắc thật kỹ về khả năng trả nợ và những rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, hãy đọc kỹ những yêu cầu ràng buộc của các ngân hàng. Nếu cần vay nợ trả góp thì nên mua nhà sang nhượng đã có sổ đỏ/hồng để giúp vay nợ ngân hàng dễ hơn".
Bên cạnh đó, theo trải nghiệm cá nhân, Bảo Ngọc cho rằng tích lũy tiền để mua nhà không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình. Cô đã có ý thức tiết kiệm từ khi ra trường, tính đến nay cũng được 7 năm. Chồng Bảo Ngọc cũng hài hước chia sẻ rằng căn nhà này là kết quả của những năm tháng tuổi trẻ làm việc thâu đêm, mồ hôi, nước mắt và nhiều lần thất bại. Cụ thể Bảo Ngọc luôn đặt mục tiêu tiết kiệm từ 30-50% thu nhập hàng tháng. Để đạt được điều này, cô chỉ chi tiêu những thứ cần thiết, tránh lãng phí và mua sắm quá đà. Cô cũng dùng các ứng dụng ghi lại chi tiêu để theo dõi, nếu thấy gần vượt ngân sách sẽ ngay lập tức tiết chế lại.
Phòng khách ấm cúng
Sau khi tham khảo giá cũng như cân nhắc nhu cầu của gia đình, Bảo Ngọc quyết định tự lên ý tưởng thiết kế nhà cửa. "Nhu cầu của nhà mình khá đơn giản, không sơn sửa hay thi công thêm mà chủ yếu là thiết kế đồ nội thất. Hơn thế nữa, theo khảo sát mình thấy chi phí thuê thiết kế sẽ cao hơn khoảng 1,5-2 lần tự mua đồ nội thất".
Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh rằng việc có tiết kiệm hơn hay không sẽ phụ thuộc vào cách mỗi gia đình trả lời 3 câu hỏi này: Nhu cầu của bạn như thế nào? Bạn có chọn được chỗ mua đồ giá tốt không? Bạn có thẩm mỹ để tự thiết kế không? "Mọi người chỉ nên tự làm nếu khả năng thẩm mỹ tốt và nhu cầu thiết kế đơn giản. Nếu không, căn nhà sẽ thành chắp vá không đồng bộ và chi phí còn cao hơn thuê thiết kế".
Khu vực ăn uống
Phòng khách ấm cúng
Trong quá trình tự lên ý tưởng thiết kế nội thất, Bảo Ngọc mất hơn 3 tuần để hoàn thiện nội thất căn nhà. Trong đó, 1 tuần tìm kiếm tham khảo các ý tưởng và các mẫu phù hợp, 1 tuần tìm xưởng nội thất trao đổi ý tưởng, thỏa thuận giá, đo đạc, chốt mẫu và hơn 1 tuần để nhận toàn bộ nội thất và lắp đặt hoàn thiện.
- Lên ý tưởng: Đầu tiên là xác định phong cách hoặc kiểu thiết kế bản thân thích. Sau đó tham khảo các mẫu trên các trang web, trang MXH chuyên về thiết kế nội thất và lưu các mẫu ưng ý về. "Có rất nhiều phong cách thiết kế, nhà mình trang trí hơi hướng Rustic (đồ nội thất mộc mạc). Mình hướng tới sự đơn giản với tông màu chủ đạo là vàng trắng nâu".
- Tìm kiếm và trao đổi với bên xưởng nội thất: Bảo Ngọc chọn xưởng nội thất vì làm trực tiếp với xưởng giá sẽ rẻ hơn so với mua lẻ từng món đồ. Ngoài ra, xưởng cũng có thể làm được toàn bộ nội thất, đảm bảo sự đồng bộ về màu sắc, chất liệu, phong cách. Sau đó, cô gửi các mẫu mình muốn làm để trao đổi xem bên nội thất có làm được không. Ngoài ra, họ cũng tư vấn và lên một bản vẽ 2D sơ bộ cho gia đình Bảo Ngọc.
- Đo đạc và chốt ý tưởng: Sau khi trao đổi sơ bộ với bên xưởng về giá và mẫu, bên nội thất sẽ qua nhà đo đạc kích thước và tư vấn thêm cho phù hợp với không gian. Ngoài ra, Bảo Ngọc cũng được chọn luôn màu gỗ, màu sofa và chốt toàn bộ những nội thất đặt hàng trước.
- Thi công: Bên nội thất hoàn thiện và mất 1 ngày thi công lắp đặt hoàn thiện. Gia đình cũng cần giám sát thi công chặt chẽ để tránh những rắc rối sau này.