Starbucks là một thương hiệu cà phê nổi tiếng trên toàn thế giới có trụ sở chính đặt tại Seattle, Washington, Mỹ. Được thành lập từ năm 1971, đến nay hãng đồ uống đình đám này sở hữu tới hơn 17.800 quán trải dài khắp 49 quốc gia. Trong đó, những nơi chiếm số lượng cửa hàng Starbucks nhiều nhất bao gồm 11.068 tiệm ở Hoa Kỳ, gần 1.000 tiệm ở Canada và hơn 800 tiệm ở Nhật Bản.
Là chuỗi cà phê "khủng" của thế giới, thế nên làm việc tại Starbucks chắc chắn sẽ có rất nhiều điều thú vị. Chia sẻ với trang Insider, một cô gái giấu tên đến từ Mỹ đã tiết lộ chân thật nhất những trải nghiệm của mình trong quá trình làm việc tại đây.
Starbucks là một trong những thương hiệu cà phê và đồ uống nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay với hơn 17.800 cửa hàng trải rộng khắp 49 quốc gia.
"Tôi bắt đầu công việc như một barista (nhân viên pha chế cà phê) tại Starbucks từ tháng 8/2015 khi mới là sinh viên năm nhất trong chính cửa hàng thuộc trường đại học của mình. Sau khoảng 8 tháng, tôi lại chuyển sang công việc văn phòng. 1 năm sau, tôi tiếp tục làm công việc tương tự tại một quán Starbucks khác bên ngoài trường của mình, và lại gắn bó với nó trong hơn 1 năm. Thậm chí, tôi còn được đề bạt làm giám sát viên ca cho đến khi quyết định rời đi để chinh phục tấm bằng tốt nghiệp tại trường." – cô gái chia sẻ.
Trải nghiệm làm việc ở chuỗi cà phê đình đám thế giới này sẽ như thế nào? Cùng lắng nghe những chia sẻ chân thật nhất từ một cô gái người Mỹ từng làm việc tại đây hơn 2 năm nhé!
Trong 26 tháng tích luỹ kinh nghiệm khi làm việc ở Starbucks, tôi thực sự đã rút ra được rất nhiều điều thú vị mà người ngoài có thể sẽ bất ngờ lắm đấy.
Hiểu nôm na, các cửa hàng Starbucks trên thế giới hiện nay được chia thành 2 dạng: Thuộc quyền sở hữu của công ty (corporate locations) và các cửa hàng được cấp phép (licensed stores). Các cửa hàng được cấp phép thường nằm trong các trường đại học hoặc trong bệnh viện, có thể bán các sản phẩm của Starbucks mà không phải do chính tập đoàn này trực tiếp điều hành.
Dĩ nhiên cả hai vẫn đều là Starbucks, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, các cửa hàng được cấp phép có nhiều hạn chế hơn đối với nhân viên. Tại đây, nhân viên phải trả tiền cho đồ uống và đồ ăn nhẹ của họ trong giờ nghỉ. Đặc biệt, tôi cũng không được phép nhận tiền tips từ khách hàng trong suốt năm nhất đại học.
Để rõ ràng thì kể từ đây, những trải nghiệm tôi rút ra được bên dưới đều đến từ cửa hàng Starbucks thuộc quyền sở hữu của công ty nhé!
Khi làm việc tại Starbucks, "đồng phục" duy nhất tôi phải mặc hàng ngày là tạp dề và thẻ tên. Còn lại về quần áo, miễn bạn mặc màu trung tính hoặc tối giản, áo tay dài, giày kín mũi chân và không có gót thì đều được chấp nhận. Thậm chí rất nhiều lần, tôi và các đồng nghiệp còn được cho phép mặc quần short hoặc váy ngắn đi làm. Cả việc nhuộm tóc hay hình xăm đều được chấp nhận, miễn là đừng quá lố.
Mặc dù công ty khá thoải mái về quy định trang phục, tuy nhiên lại rất khắt khe ở khoản tạp dề của mọi nhân viên đều phải sạch sẽ và thẻ tên là thứ bắt buộc phải đeo trên mình khi đến chỗ làm.
Trên thực tế, mỗi loại đồ uống trong menu đều có công thức riêng cụ thể. Tuy nhiên "khách hàng là thượng đế", nếu muốn điều chỉnh bất kỳ thứ gì, bạn có thể nói với các nhân viên pha chế. Đặc biệt, những ai không chịu nổi vị cà phê có thể nhắc nhẹ với chúng tôi. Các nhân viên vẫn có khả năng cho ra đời các món liên quan đến Espresso hay Latte nhưng đảm bảo vừa không mất đi hương vị gốc lại chẳng quá nồng mùi cà phê.
Thông thường, size đồ uống ở Starbucks bao gồm 4 loại cơ bản: Short – Tall – Grande – Venti. Trong khi ai cũng nghĩ rằng Venti (cốc 591ml) đã to nhất rồi, nhưng thực tế chúng tôi còn có ly to hơn nữa là Trenta (917ml). Mỗi cốc Trenta như vậy có thể chứa tới… 1 chai rượu vang đấy!
Tuy nhiên, khách chỉ có thể order ly size "khủng" này đối với những loại đồ uống cơ bản như cà phê đen đá hoặc các loại trà (thường chỉ chứa chất lỏng). Bạn không thể yêu cầu nhân viên làm cho mình một cốc Latte hay Frappuccino khổng lồ được.
Trên thực tế, chúng tôi thường không thể đuổi bất kỳ ai ra khỏi cửa hàng nếu họ không order đồ ăn, thức uống, và cũng chẳng có quy định cụ thể nào liên quan đến vấn đề này. Điều đó nhằm tạo cảm giác Starbucks chính là "ngôi nhà thứ 2" của bạn. Tuy vậy, nếu cư xử thô lỗ và kém lịch sự, bạn vẫn sẽ bị mời ra khỏi cửa hàng liền đấy!
Đôi lúc, khách hàng sẽ gặp những trải nghiệm không vừa ý tại cửa hàng của chúng tôi, như đồ uống dở, thái độ phục vụ kém. Trong những trường hợp này, nhân viên được phép phát thẻ đồ uống miễn phí cho khách, tương ứng với mức giá 5 USD do công ty cấp cho. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào chúng tôi chứ không hề có quy định cụ thể.
Điều này thực sự khiến tôi thất vọng khi mới bắt đầu làm việc tại Starbucks. Nếu nhân viên pha chế nhận được cùng lúc 2 đơn hàng: 1 uống tại chỗ, 1 đặt online, họ phải luôn ưu tiên cái số 2 hơn. Vì vậy lúc nào tôi cũng nói rõ điều này với những vị khách ghé cửa hàng mua cà phê mang đi xem họ có tiện chờ đợi hay không. Nếu không, tôi luôn khuyên họ đặt online và chờ giao tới chỗ làm việc cho tiện.
Nhiều người không biết rằng hầu hết các loại nguyên liệu dùng để pha chế thức uống tại Starbucks đều có mã vạch riêng, và chúng tôi hoàn toàn được phép bán nó cho khách. Có nghĩa là nếu yêu thích vị vani, caramel hay mâm xôi từ cửa hàng, bạn có thể hỏi nhân viên mua riêng để về nhà tự sáng tạo pha chế theo ý muốn. Tuy nhiên, với một số nguyên liệu chỉ xuất hiện theo mùa và số lượng hạn chế, các nhân viên không được bán lẻ cho khách.
Là một barista, bạn phải có trách nhiệm hiểu rõ lượng đường, đá hay các nguyên liệu góp phần tạo thành ly đồ uống thơm ngon nhất. Tất cả các món trong menu đều có công thức riêng và không hề dễ nhớ, dễ làm tí nào. Khoảng thời gian khi mới vào nghề, tôi không được phép bước vào quầy pha chế cho đến khi thuộc hết mọi công thức cụ thể, phải rất khó khăn mới tiếp thu được hết. Tuy vậy, các đàn anh, đàn chị có kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ những "tân binh" mới như chúng tôi.
Nguồn: Insider, Wikipedia