1. Khoai tây bị héo, mọc mầm
Nhiều người có thói quen tích trữ khoai tây trong thời gian dài. Tuy nhiên, khoai tây khi bị héo chứa lượng lớn chất độc solanine - một loại glyco-alkaloid) có vị đắng và có thể trở nên độc hại cho cơ thể.
Ngoài ra, khi chúng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài có thể làm tăng tốc độ sản xuất solanine và xuất hiện ở nhiều bộ phận của cây khoai tây, bao gồm lá, củ, mầm.
Khoai tây vốn chứa hàm lượng solanine nhất định nhưng không gây hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, khi khoai tây mọc mầm, hàm lượng độc tố sẽ tăng lên đáng kể, khi đó có thể dẫn đến nôn mửa và tiêu chảy, nghiêm trọng còn dẫn đến tê liệt hô hấp, thậm chí là tan huyết.
Nhiều người có thói quen tiết kiệm thường chỉ cắt bỏ phần mọc mầm và ăn nhưng chúng ta không thể biết vào thời điểm ấy, solanine đã lan đến vị trí nào của khoai tây. Chính vì vậy, không nên ăn khoai tây mọc mầm.
2. Giá đỗ có dấu hiệu ngâm hoá chất
Nên chọn những loại giá đỗ có rễ dài
Giá đỗ là một loại thực phẩm quen thuộc với người Việt và khá dễ trồng tuy nhiên, nhiều người vì lợi nhuận nên vẫn sử dụng các loại hoá chất giúp giá đỗ nhanh phát triển cũng như có vẻ ngoài bắt mắt.
Chính vì vậy, khi chọn giá đỗ nên tránh loại có điểm sau:
- Cọng giá đỗ tròn và có màu trắng: Do giá đỗ được làm từ hạt đỗ nên nếu nảy mầm tự nhiên thường sẽ có màu trắng nhẹ hoặc ngả vàng chứ không có màu trắng bóng như khi dùng hoá chất. Cùng với đó, khi sử dụng các hoá chất đẩy nhanh quá trình mọc của giá đỗ như 6-Benzylaminopurine hay Acid Gibberellins, sẽ kích thích phân chia tế bào, giãn tế bào theo chiều dọc... từ đó làm cho cọng giá đỗ mập hơn.
- Rễ ngắn: Giá đỗ sạch và an toàn mất khoảng 3 ngày vào mùa hè và khoảng 5 ngày vào mùa lạnh để sinh trưởng. Chính vì vậy, rễ của giá đỗ trồng tự nhiên sẽ có nhiều rễ và rễ dài. Ngược lại, giá đỗ ngâm hoá chất do sinh trưởng trong khoảng thời gian rất ngắn nên rễ sẽ ít phát triển và sậm màu dưới thân.
- Cọng dài bất thường: Giá đỗ thường có chiều dài khoảng 5 - 6 cm. Tuy nhiên, đối với những loại giá đỗ có cọng dài hơn một cách bất thường, chúng ta phải đặc biệt lưu ý bởi chỉ có giá đỗ tẩm thuốc mới có khả năng sinh trưởng vượt trội. Bên cạnh đó theo các nghiên cứu thì giá càng dài, lượng protein và dinh dưỡng càng ít.
- Dai, ít nước: Giá đỗ nảy mầm tự nhiên thường cứng, ăn giòn, nhiều nước. Còn giá đỗ đã bị phun thuốc dù thân dài nhưng lại xốp mềm, chất bên trong rỗng ruột, khi ăn dai và ít nước. Cùng với đó, giá đỗ được ủ tự nhiên sẽ mang theo mùi thơm tự nhiên của đậu. Trong trường hợp giá đỗ được phun chất hoá học sẽ có mùi lạ, hơi hăng và khá khó chịu.
3. Rau củ cắt miếng sẵn không rõ nguồn gốc
Nhiều người thường thích mua các khay rau củ đã được chế biến và cắt sẵn bởi sự tiện lợi tại những cơ sở buôn bán không rõ nguồn gốc, chất lượng. Tuy nhiên, ta khó có có thể xác định, liệu những phần rau củ cắt sẵn này có tươi hay là những loại đã bị thối một phần và cắt bỏ phần hỏng.
Không chỉ vậy, chúng ta cũng không thể đảm bảo trong quá trình cắt gọt, người bán có đảm bảo vệ sinh trong chế biến như đeo găng tay hay sử dụng dao sạch, bảo quản đúng cách tránh vi khuẩn có hại cho sức khoẻ hay không. Cùng với đó, các loại rau củ và cả trái cây khi tiếp xúc với không khí có thể tạo điều kiện có lợi cho vi khuẩn phát triển, giảm dưỡng chất có bên trong.