"Nhà tôi 3 đời chữa bệnh...": Từ quảng cáo sai sự thật nhiều tới mức ám ảnh trên MXH đến hệ lụy người mua thuốc không rõ nguồn gốc chữa bệnh phải ngậm trái đắng

HH, Theo Pháp luật và bạn đọc 19:30 30/03/2021

Chuyên gia nhận định, tin theo quảng cáo "nhà tôi 3 đời" chữa khỏi bệnh này bệnh kia khiến nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Đáng tiếc là câu chuyện này vẫn chưa đến hồi kết.

Quảng cáo "nhà tôi 3 đời" chữa bệnh bằng thuốc nam nhiều đến mức ám ảnh

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội tràn lan kiểu quảng cáo với mô típ "nhà tôi 3 đời" chữa sỏi thận, chữa tiểu đường, thậm chí là chữa ung thư... khỏi hoàn toàn bằng bí kíp gia truyền. Bí kíp gia truyền được quảng cáo ở đây gói gọn trong những gói thuốc nam được bọc cẩn thận, kỹ lưỡng. Nhiều loại thuốc thần kỳ này không cần uống, chỉ cần đắp, thế là bệnh tật cũng tiêu tan. Xương khớp, ung thư cũng phải "chào thua". Rất nhiều người cảm thấy khó chịu vì bị làm phiền trước những đoạn clip được cắt ghép chèn vào các video trên nền tảng MXH, thậm chí nó trở thành nỗi ám ảnh của hầu hết mọi người đến mức câu "nhà tôi 3 đời" cứ thế thành trend đi vào cuộc sống.

Nhà tôi 3 đời chữa bệnh...: Từ quảng cáo sai sự thật nhiều tới mức ám ảnh trên MXH đến hệ lụy người mua thuốc không rõ nguồn gốc chữa bệnh phải ngậm trái đắng - Ảnh 1.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội tràn lan kiểu quảng cáo với mô típ "nhà tôi 3 đời"...

Những người thường xuyên xem mạng xã hội Facebook hay ứng dụng YouTube giải trí... sẽ không còn xa lạ gì với những quảng cáo "nhà tôi 3 đời" chữa bệnh nọ kia. Thậm chí, để tạo dựng uy tín cho mình, hầu hết những quảng cáo này đều lấy danh "lương y gia truyền" và đã có không ít người vẫn tin vào lời quảng cáo đó - nhất là những người đang có bệnh và mang tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương". Họ cứ thế gọi điện để mua mà không cần biết rằng những vị "bác sĩ" quảng cáo "nhà tôi 3 đời" kia có thực sự chữa bệnh tốt đến vậy hay không, có được đào tạo bài bản, chữa bệnh chuẩn y khoa hay không.

Chia sẻ trên Facebook cá nhân, BS Ngô Đức Hùng (khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: "Trong đội nhà tôi 3 đời ấy, một ngày đẹp giời mình bỗng phát hiện có ông bác hàng xóm ở quê, vốn ngày xưa là công nhân cơ khí, nay mặc áo blouse trắng muốt với logo trường y hết sức tiên phong đạo cốt ngồi quảng cáo thuốc 3 đời chữa bệnh". Vị bác sĩ tiếp lời: "Mấy hôm nay lại rộ lên đau cả đầu, chỉ cần các cơ quan chức năng chăm chỉ đi kiểm tra chất lượng và giấy tờ tất cả các cơ sở quảng cáo này cũng ra nhiều vấn đề phết".

Nhà tôi 3 đời chữa bệnh...: Từ quảng cáo sai sự thật nhiều tới mức ám ảnh trên MXH đến hệ lụy người mua thuốc không rõ nguồn gốc chữa bệnh phải ngậm trái đắng - Ảnh 2.

BS Ngô Đức Hùng (khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ

Tin theo quảng cáo "nhà tôi 3 đời", không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận

Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ thông tin, trung bình một tháng, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc . Khi được hỏi về hành trình điều trị bệnh, đa số bệnh nhân cho biết họ nghe theo quảng cáo bán thuốc gia truyền "nhà tôi 3 đời chữa dứt điểm các bệnh tiểu đường, xương khớp, sỏi thận, giảm cân, kể cả việc sinh con trai... Toàn là những vấn đề hóc búa, không thể giải quyết ngay trong một nốt nhạc thì nay đến với "nhà tôi 3 đời", bạn sẽ được chữa khỏi tất tần tật".

Nghe quảng cáo hấp dẫn, cộng với việc đã thử qua nhiều loại thuốc chữa bệnh vẫn không khỏi, nhiều người dân bị mờ mắt, không ngần ngại mua về uống, về đắp. Thế rồi câu chuyện "lợn lành thành lợn què, lợn què thành lợn toi" diễn ra như một điều tất yếu. Do sử dụng thuốc nam theo quảng cáo, không màng đến xuất xứ, nguồn gốc của thuốc, tay nghề chữa bệnh của thầy thuốc được cấp chứng chỉ hay không, chỉ chăm chăm tin vào thầy thuốc online với những mỹ từ tự mình ca tụng, nhiều người phải nhập viện trong tình trạng men gan tăng, vàng da, vàng mắt, suy gan, suy thận và thậm chí suýt ngừng tim.

Chữa bệnh kiểu truyền miệng, tin theo quảng cáo không kiểm chứng thực sự rất nguy hiểm

Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), uống thuốc nam hay đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ, dùng chỉ vì tin theo quảng cáo không có kiểm chứng khiến nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận. Việc chữa bệnh kiểu truyền miệng như này thực sự rất nguy hiểm.

Theo chuyên gia, trong nhiều loại bệnh, thuốc đông - tây y kết hợp sẽ mang lại hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, thuốc nam phải tinh khiết, là những bài thuốc y học cổ truyền được công nhận chứ không phải dùng thuốc nam trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là tự chữa bệnh bằng những bài thuốc truyền miệng.

Nhà tôi 3 đời chữa bệnh...: Từ quảng cáo sai sự thật nhiều tới mức ám ảnh trên MXH đến hệ lụy người mua thuốc không rõ nguồn gốc chữa bệnh phải ngậm trái đắng - Ảnh 3.

"Dù điều trị Đông y hay Tây y thì người bệnh cũng cần tuân thủ đúng theo liều lượng, sự kiểm soát của bác sĩ, lương y chứ không tự ý mua về và sử dụng. Nhất là mua ở những nơi không đảm bảo uy tín, có thể gây nên tình trạng sức khỏe nguy kịch", vị lương y khẳng định.

Trong khi, ở trường hợp này, lợi dụng lòng tin của mọi người, một số người tự xưng mình là thầy thuốc, hòng chuộc lợi bản thân khiến người mua không chữa khỏi bệnh mà còn rước thêm bệnh vào người, thì lấy gì đảm bảo sức khỏe?

Do đó, chuyên gia khuyên, bệnh nhân khi quyết định sử dụng thuốc nam cũng cần có những hiểu biết nhất định, không được sử dụng theo kiểu truyền tai nhau, sử dụng bừa bãi, thiếu khoa học... Việc tự ý mua lá, rễ cây về sắc uống, đắp ngoài theo gợi ý của người quen mách bảo mà không theo chỉ định của thầy thuốc, không đến cơ sở thuốc y học cổ truyền được cấp phép… đều có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Ðể tránh tình trạng tiền mất tật mang, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh và người nhà người bệnh cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách.