ThS.BS Lưu Thị Minh Diệp, Trung tâm Tiêu hóa Gan mật (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, gan nhiễm mỡ đang trở thành một trong những bệnh lý phổ biến khi lối sống thiếu vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh ngày càng gia tăng.
Kiểu ăn khiến gan “ngập mỡ”
Bác sĩ Diệp cho hay nguyên nhân chính của gan nhiễm mỡ liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý. Trong đó, việc ăn quá nhiều các thực phẩm nhiều đường, chất béo, bia rượu ở người Việt dễ gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ.
Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh do mỡ thừa trong cơ thể có thể khiến mỡ tích tụ ở gan. Chế độ ăn thiếu tiết chế cộng thêm lối sống thiếu vận động sẽ làm giảm khả năng đốt cháy mỡ trong cơ thể, khiến gan dễ bị “lấp đầy” mỡ, chuyên gia cảnh báo.
Theo bác sĩ Diệp, một số nguyên khác gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ là do bệnh lý, ví dụ như đái tháo đường, tăng huyết áp.
Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Dấu hiệu gan nhiễm mỡ
Bác sĩ Diệp cho hay gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong gan tích tụ quá mức (trên 5% trọng lượng gan) gây ảnh hưởng đến chức năng của gan.
Người bị gan nhiễm mỡ hầu như không có biểu hiện rõ ràng, khiến người bệnh khó nhận biết. Khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Mệt mỏi, khó chịu.
- Ngứa da, nổi mày đay, dị ứng.
- Đau hoặc cảm giác tức nặng ở vùng bụng phải.
- Chán ăn, buồn nôn, sụt cân không rõ lý do.
- Tiến triển xơ gan: sẽ có triệu chứng vàng da, chảy máu cam, chảy máu chân răng...
Gan nhiễm mỡ tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng, có thể dẫn đến ung thư gan mà không trải qua giai đoạn xơ gan. Ngoài ung thư gan, theo các nghiên cứu, gan nhiễm mỡ còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng gấp 20 lần.
Phòng ngừa gan nhiễm mỡ
Bác sĩ Diệp cho hay gan nhiễm mỡ là một bệnh lý có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Để bảo vệ sức khỏe gan, mỗi người chúng ta cần chú trọng vào việc duy trì lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống hợp lý và thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên.
- Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm chứa chất xơ, hạn chế đường, dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn.
- Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Việc đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc yoga có thể giúp kiểm soát cân nặng và giảm mỡ trong cơ thể.
- Giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
- Nếu bạn có các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp cao, cần kiểm soát tốt bệnh lý này để ngăn ngừa biến chứng gan nhiễm mỡ.
- Nên khám sức khoẻ định kỳ.
“Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào liên quan đến gan, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được tư vấn và khám xét kỹ lưỡng. Một khi bệnh được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều”, bác sĩ Diệp nhắn nhủ.