Người phụ nữ ở Hà Nội có phổi đông đặc, tổn thương lỗ chỗ: BS cảnh báo nguy cơ từ căn bệnh lây qua muỗi

Ngọc Minh, Theo Đời sống và pháp luật 17:08 11/06/2024

Đau đầu, mệt mỏi kèm sốt cao người phụ nữ nhập viện điều trị. Kết quả chụp phim cho thấy phổi đông đặc, nhiều đám tổn thương.

Người phụ nữ có phổi đông đặc, tổn thương lỗ chỗ

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ 53 tuổi (ở Đan Phượng, Hà Nội) đến viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đau mỏi người.

Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện. Các triệu chứng tiến triển nặng, bệnh nhân sốt cao hơn, có lúc lên đến 39 độ, kèm theo đó là tình trạng tiểu cầu giảm và đau bụng nhiều ở vùng thượng vị.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám và điều trị với chẩn đoán sốt xuất huyết ngày thứ 7, có tình trạng bội nhiễm.

Kết quả chụp cắt lớp phổi cho thấy các đám đông đặc rải rác, có nhiều ổ áp xe ở trong phổi. Kết quả cấy máu cho thấy có vi khuẩn tụ cầu vàng kháng Meticillin (tụ cầu kháng thuốc). Sau thời gian điều trị tại khoa Cấp cứu, sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định, bệnh nhân không cần thở oxy và đã giảm sốt.

Th.S BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong quá trình mắc sốt xuất huyết, cơ thể bệnh nhân bị suy giảm sức đề kháng, bạch cầu giảm xuống thấp nên dễ dẫn đến nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng máu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Người phụ nữ ở Hà Nội có phổi đông đặc, tổn thương lỗ chỗ: BS cảnh báo nguy cơ từ căn bệnh lây qua muỗi - Ảnh 1.

Bệnh nhân đã cắt sốt, không phải thở oxy (Ảnh bác sĩ cung cấp).

Ngoài ra, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cần chú ý đến các biến chứng tiềm ẩn vào ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 6 của bệnh.

Một số biến chứng như thoát huyết tương, giảm tiểu cầu, hoặc xuất huyết có thể xảy ra và đe dọa tính mạng của người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cần được thăm khám, đánh giá, chẩn đoán bệnh sớm, ngay từ những ngày đầu và cần được theo dõi sát sao vào ngày thứ 4 và thứ 6.

BS Trần Văn Bắc lưu ý, các bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue thể nặng và các bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện sốt trên 5 ngày có nguy cơ bị đồng nhiễm vi khuẩn cao hơn.

Bệnh nhân có thể bị đồng nhiễm vi khuẩn tụ cầu. Nhiều chủng trong số chúng là tụ cầu kháng thuốc (kháng kháng sinh Meticillin), gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.

Người cao tuổi và người mắc nhiều bệnh nền khi mắc sốt xuất huyết cần phải đặc biệt cẩn trọng. Nếu mắc sốt xuất huyết Dengue, nhóm đối tượng này cần được chẩn đoán sớm để có có kế hoạch theo dõi nguy cơ đồng nhiễm vi khuẩn, từ đó can thiệp điều trị kịp thời.

"Đồng nhiễm vi khuẩn là một biến chứng tương đối hiếm gặp nhưng nghiêm trọng trong các trường hợp nhiễm sốt xuất huyết Dengue. Có tới 44% số ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết Dengue có đồng nhiễm vi khuẩn", bác sĩ Bắc cảnh báo.

Sốt xuất huyết gia tăng khi vào hè

Theo Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus.

Bệnh xảy ra ở hầu hết các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở các khu vực miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, ở cả thành thị và nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào mùa sốt xuất huyết, do đó, bác sĩ Bắc khuyến cáo người dân nếu có triệu chứng sốt cao đột ngột thì nên đi khám để tìm rõ nguyên nhân. Người dân tuyệt đối không tự truyền dịch tại nhà vì có thể làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày