Người kém cỏi có thói quen chứng minh bản thân thông qua so sánh với người khác: Chấp nhận bình phàm, bớt ảo tưởng sức mạnh mới không lo tụt hậu

Như Nguyễn, Theo Doanh nghiệp & tiếp thị 08:17 15/01/2021

Thời còn đi học, cái gọi là khoảng cách, chỉ cần dùng điểm số để phân định nhưng sau khi đi làm, chúng ta sẽ phải đối mặt với những "khoảng cách" nào?

H., sinh viên tốt nghiệp chính quy, làm việc cho một công ty thương mại điện tử, mỗi lần bị bạn bè hỏi về đãi ngộ, H. đều không vui. H. khi xưa vì một tiêu chuẩn duy nhất đó là "công ty lớn" mà gia nhập công ty, cơ hội để rèn luyện quả thực nhiều nhưng lương tăng lại không nhiều. "Có những bạn học giờ có mức lương gấp đôi tôi, tôi giờ không dám khoe khoang công ty mình tốt tới đâu nữa".

L., đi du học nước ngoài vừa trở về nước, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, cô ở lại nước ngoài thực tập, công việc khá thuận lợi, mang theo sự tự tin đi về nước, nhưng không ngờ 2020 lại là một năm đầy thăng trầm. Cô làm việc cho một công ty truyền thông mới thành lập, luôn nỗ lực và nghiêm túc với mỗi một dự án, khách hàng phản hồi không tồi, nhưng cấp trên lại không hề trọng dụng cô. L. cảm thấy rất hoang mang, cô tủi thân, trong khi người khác đã trèo được nửa đỉnh núi thì bản thân vẫn "đang lăn lội trong đầm lầy phía dưới".

T., làm việc đã được gần 4 năm, theo như miêu tả của cô thì mỗi một cuộc tụ tập họp lớp đều như một "triển lãm Versailles thu nhỏ". "Những cô bạn kết hôn rồi sẽ không ngừng thao thao bất tuyệt xem chồng mình 'cao phú soái' tới đâu, những cô bạn đã có con rồi sẽ luôn bàn luận về việc chọn cho con trường mẫu giáo cao cấp nào", T. nói đùa, kiểu "ế" bền vững như cô nghe mấy cô bạn kể chuyện mà cứ như "đàn gảy tai trâu", thấy mình chắc sang sống ở một hành tinh khác là hợp lý.

Bạn, người đã tốt nghiệp được 3, 4 năm, liệu có phiền não, có để ý khoảng cách giữa mình và người khác đang ngày một trở nên rộng hơn? Nếu bị cái "khoảng cách" này làm phiền, vậy nên làm sao để có thể điều chỉnh được tâm lý?

Người kém cỏi có thói quen chứng minh bản thân thông qua so sánh với người khác: Chấp nhận bình phàm, bớt ảo tưởng sức mạnh mới không lo tụt hậu - Ảnh 1.

Những đứa trẻ thiếu tự tin, tự nhận thức bản thân không đủ, có thói quen chứng minh bản thân thông qua so sánh

"Trước khi lên đại học, ba mẹ nói với tôi rằng sau khi tốt nghiệp đại học, người ta sẽ chỉ chơi với những người giống mình. Nếu những phương diện như sự nghiệp hay quan hệ xã giao quá khác biệt, vậy thì sẽ rất khó để chơi với nhau. Khi nhìn thấy những người bạn của ba mẹ, tôi quả thực cũng có cảm giác như vậy", H. nói. Có lẽ bởi vì kiểu giáo dục có thiên hướng "chủ nghĩa anh hùng" của gia đình nên ngay từ khi còn đi học cô đã rất mạnh mẽ, bất kể kì thi nào tụt khỏi 3 thứ hạng đầu của lớp, cô sẽ buồn bã suốt 2, 3 ngày, sợ bị người khác đá ra phía sau.

H. nói, cái ánh hào quang của một học sinh giỏi suốt bao nhiêu năm liền vẫn theo cô tới tận khi lên đại học. "Thi được số điểm đáng mơ ước, lấy được học bổng, được mọi người xung quanh ngưỡng mộ, thực ra có thể khích lệ bạn lần sau nỗ lực thi tốt hơn. Kiểu thang đánh giá bằng thành tích như này rất dễ khiến con người ta 'mê mẩn', bạn sẽ cảm thấy mục tiêu của mình vô cùng rõ ràng, vô cùng đơn thuần".

Mùa tìm việc sau khi tốt nghiệp, yêu cầu của H. đối với các offer công việc cho mình rất giống với ba mẹ: công ty lớn, thương hiệu nổi, nở mày nở mặt. "Tôi thấy rằng đây là tâm lý rất bình thường, rất tự nhiên đối với một sinh viên mới tốt nghiệp. Công ty lớn làm việc có tổ chức, hệ thống, tích lũy lâu năm, là nơi tập trung của nhiều sinh viên ưu tú".

Tiếp đó, làm việc được 3 năm, H. phát hiện ra, cô dần dần mất đi ánh hào quang trong suốt những năm tháng đi học của mình. Các chỉ số đánh giá dành cho những người trẻ ở nơi làm việc không còn giống như các chỉ số trong các kỳ thi hồi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đơn cử như việc một dự án nào đó không phải là chuyện để một cá nhân nào đó làm anh hùng duy nhất, mà phải học cách hợp tác nhóm; các chỉ số tâm lý như khả năng chịu áp lực… cũng rất cao và H. lại cảm thấy mình rất tệ ở điểm này.

Gần đây, việc khiến cô ấy muộn phiền chính là, thỉnh thoảng gặp bạn học cũ, nói về lương tháng với đãi ngộ, cô thấy lương tháng bây giờ hơi kiểu "khó nói". Trải qua vài lần so sánh, H. không ngần ngại tổng kết: "So với bọn họ, tôi quả thực kém quá xa, có phải lựa chọn năm đó của tôi là sai rồi không?".

"Cùng với sự gia tăng của tuổi tác, vì những vai diễn mà chúng ta phải đóng trở nên nhiều hơn, yêu cầu nhiều hơn, những thứ có thể so sánh cũng trở nên nhiều hơn. 'Cảm giác về khoảng cách', sự so sánh giữa các cá nhân nảy sinh ra là chuyện bình thường và việc điều chỉnh cho tốt tâm thái của mình cũng vô cùng quan trọng", Lin Xin, nhà hoạch định nghề nghiệp toàn cầu (GCDF) chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ China Youth Daily.

"Giáo dục và trải nghiệm chúng ta trải qua khi còn nhỏ đã góp phần hình thành nên thói quen tâm lý của mỗi người. Nếu một người ngay từ nhỏ đã biết được rằng cái gì cầm được, cái gì nên buông, rằng con người có thể không hoàn hảo, những người như vậy sẽ dễ dàng điều chỉnh tâm thái của mình hơn. Ngược lại, nếu suốt tuổi thơ, thứ xoay quanh họ chỉ là cạnh tranh và so sánh, họ sẽ rất khó có thể thích ứng", Lin Xin phân tích. Người trẻ có thói quen "nhận thức bản thân thông qua so sánh" thường là người thiếu tự tin hoặc nhận thức về bản thân không đủ, "họ không rõ mình là ai, chỉ khi thông qua so sánh, họ mới nhìn thấy được mình".

"Hiện tượng này xảy ra phần lớn là do môi trường giáo dục và cả môi trường gia đình hình thành. Bắt buộc phải thông qua so sánh để thấy mình tồn tại, để thấy được giá trị của mình".

Lin Xin chỉ ra, kiểu "so sánh" này thường là kiểu so sánh mù quáng, người khác có gì mình phải so sánh cái đó. "Họ thường không có mục tiêu quá rõ ràng trong cả sự nghiệp và cuộc sống, bởi lẽ nếu đã có định hướng cho mình rồi, biết mình phải đi đâu rồi, sẽ không cần thiết phải đi so sánh với người khác nữa".

Người kém cỏi có thói quen chứng minh bản thân thông qua so sánh với người khác: Chấp nhận bình phàm, bớt ảo tưởng sức mạnh mới không lo tụt hậu - Ảnh 2.

Sự so sánh đem lại sự dịu dàng và trưởng thành mới là tích cực, năng cho bản thân nhiều ám thị tích cực hơn một chút

"Hiện tại tôi không còn quá chủ động đi hỏi những vấn đề như lương tháng hay phát triển sự nghiệp của người khác nữa, cũng không vì bạn học có cuộc sống hôn nhân viên mãn ở thành phố lớn mà tự ti". T., người so sánh buổi tụ tập họp lớp như một triển lãm Versailles thu nhỏ cho biết, hiện tại cô ấy đã điều chỉnh tâm thái về chế độ vui vẻ, tích cực, nhưng khoảng hai, ba năm trước, cô ấy cũng từng bị mắc kẹt trong những suy nghĩ như kiểu "mình thật bất tài", "vì sao bạn bè khác lại viên mãn như vậy"…

T. nói, sau khi tốt nghiệp, lần đầu tiên cảm thấy thất vọng vô cùng tới từ một dự án mà cô làm sau 2 năm đi làm. "Quá trình hoàn thành dự án đó khiến tôi bị sốc. Những người khác trong nhóm dù chỉ làm việc lâu hơn tôi một năm nhưng lại có trình độ kỹ năng cao hơn rất nhiều! Khi đó, khả năng của tôi không thể theo kịp nhịp độ của mọi người. Tôi có một cảm giác đặc biệt lớn về khoảng cách và tôi bắt đầu lo lắng không biết mình có thể tồn tại được ở công ty đến bao giờ!".

Sau khi nảy sinh ra cảm giác về khoảng cách, T. khổ não suốt nửa tháng trời, cuối cùng nhờ bạn bè cho lời khuyên, cô tìm sự giúp đỡ từ cấp trên trực tiếp của mình. "Sau khi phân tích cho tôi, sếp thấy chuyện này không có gì nghiêm trọng, chẳng qua là tôi hơi sơ hở về chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện bổ sung thêm là được! Cứ như vậy, tôi nhanh chóng đuổi đi được những 'hung thần' khiến tôi phiền lòng".

"Tôi muốn nói với các bạn trẻ mới tốt nghiệp một câu rằng: Khoảng cách, sự khác biệt luôn luôn tồn tại, nhưng thay vì chỉ biết ngồi đó than vãn vì sao mình lại không bằng người khác, chi bằng nghĩ cách làm sao để bổ sung và rèn luyện những phương diện mà mình còn thiếu sót", T. nói.

Ngoài ra, trong cuộc sống, T. cũng không còn vì "tiến trình của người khác nhanh hơn mình" mà thấy tự ti. "Hiện tại tôi đã học được cách tự tìm niềm vui cho mình, không thấy rằng mình bắt buộc phải giống người khác, về mặt tình cảm, về chuyện kết hôn, vui là được, duyên chưa đến thì mình cứ từ từ. Tôi cũng học được cách học tập thái độ sống tích cực từ người khác".

Theo Lin Xin, với một người như T., "sự so sánh" có thể đem lại cho một người sự ấm áp và trưởng thành từ nội tâm bên trong, kiểu "so sánh" này ngược lại rất tích cực.

Lin Xin cho rằng, nếu sự so sánh không thể trở thành động lực khích lệ một người tiến lên mà khiến con người ta cảm thấy tự ti, khiến ta trốn tránh, thậm chí hình thành nên những tổn thương trong tâm lý, vậy thì sự so sánh ấy không có ý nghĩa gì cả.

"Chẳng hạn, khi bạn trông thấy ai đó vô cùng hiểu chuyện và bao dung, bạn sẽ nghĩ có phải mình đã quá ích kỷ, không để ý tới cảm nhận của người khác. Kiểu so sánh khiến bạn tự suy ngẫm lại mình theo hướng tích cực này sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân, tâm trở nên dịu dàng hơn", Lin Xin nói.

Ngoài ra, theo sự quan sát của Lin Xin, rất nhiều người có thói quen định nghĩa mình là kẻ thất bại, mỗi ngày đều treo chữ "loser" lên miệng, lúc nào cũng nói sự nghiệp, tình cảm, cuộc sống của mình không ra đâu vào với đâu, lâu dần rất dễ trở thành một ám thị tâm lý tiêu cực.

"Tâm lý học có một bài huấn luyện mang tên 'định nghĩa tích cực' để 'sửa lại' những mô tả tiêu cực với một vài chuyện nào đó.

Ví dụ, hôm nay không hoàn thành được nhiệm vụ mà sếp giao, đây là một mô tả tiêu cực, có đem ám thị tiêu cực. Vậy thì chúng ta có thể sửa nó theo hướng định nghĩa tích cực rằng: vì kinh nghiệm không đủ, nhiệm vụ lãnh đạo giao hôm nay không cho ra được kết quả như dự kiến, nhưng nó giúp tôi tích lũy được kinh nghiệm, lần sau nếu gặp phải tình huống tương tự, tin rằng tôi nhất định sẽ khác. Kiểu suy nghĩ như này có tác dụng khích lệ mỗi người", Lin Xin nói.

Người kém cỏi có thói quen chứng minh bản thân thông qua so sánh với người khác: Chấp nhận bình phàm, bớt ảo tưởng sức mạnh mới không lo tụt hậu - Ảnh 3.

Chấp nhận sự bình phàm, đừng quá ảo tưởng theo đuổi chủ nghĩa anh hùng hoàn mỹ

Thường xuyên ca thán công ty không trọng dụng mình, cứ bị "kèm" không thể thăng chức… tuy hay than vãn như vậy nhưng L. cũng thừa nhận rằng, khách quan mà nói, tình hình của cô ở nơi làm việc cũng không tính là tệ. "Gần đây có nói chuyện với cô bạn đang du học nước ngoài, cô ấy bảo rằng tôi đang quá theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo ở nơi làm việc, nói tôi quá hấp tấp, ảo tưởng nhiều, luôn cho rằng vừa ra đi làm một cái là phải nên được cái gì đó lớn lao thì mới được".

Bạn của L. phân tích cho cô ấy hiểu, mặc dù những người trẻ tuổi được thăng chức trong bộ phận đều "có nghiệp vụ tương đương" theo quan điểm của L., nhưng những người đó đến công ty thực tập từ rất sớm, bất kể là mức độ quen thuộc môi trường bên trong, sự hòa hợp của các mối quan hệ giữa các cá nhân và mức độ học hỏi trong môi trường nghề nghiệp đều cao hơn L. rất nhiều. L. không nên mong đợi ngay lập tức được nâng cấp thông quan và nhanh chóng đạt được thành tích đỉnh cao chỉ trong vòng 1,2 năm ngắn ngủi như vậy.

Chuyên gia chỉ ra rằng, một vài bạn trẻ luôn có cảm giác lo âu về "sự khác biệt", "khoảng cách" giữa mình và các bạn đồng trang lứa hoặc người khác, điều này xuất phát từ nhận thức sai lệch đối với sự bình phàm và quá trình tích lũy.

Lin Xin phân tích rằng cái gọi là "phép màu thành công" hay những "hình mẫu hoàn hảo" mà dư luận Internet hiện nay ủng hộ và trong một số bộ phim truyền hình điện ảnh có thể gây hiểu lầm cho giới trẻ ở một mức độ nào đó. "Yêu cầu một người trẻ nào đó giỏi về mọi mặt là điều rất viển vông, nó sẽ làm tăng áp lực khiến họ so bì mọi thứ, rất mệt mỏi".

"Trên thực tế, phần lớn mọi người sinh ra đều là những người bình thường, tuy nhiên thế hệ thanh niên này có yêu cầu cao hơn về cá nhân hóa và giá trị bản thân, họ đều hy vọng rằng họ có thể đạt được thành tựu đỉnh cao một cách nhanh chóng. Tôi cũng đã nghe rất nhiều người trẻ nói rằng họ muốn nhanh chóng được tự do tài chính, rồi sau đó đi làm việc mà mình yêu thích".

Lin Xin cho rằng, chúng ta không nên trốn tránh một cuộc sống bình phàm thông thường, hãy học cách chấp nhận rằng mình chỉ là một người bình thường, sẵn sàng đối mặt với một cuộc sống bình thường, không được siêu việt hay bay bổng như những mơ mộng viển vông hồi bé. "Sinh mệnh chính là một quá trình như vậy, bạn dày vò nó, suy cho cùng, cũng chỉ là đang dày vò chính mình, khiến chính mình bị tổn thương, hoặc là tự mình phá vỡ đi cái trạng thái đáng lẽ ra là rất bình thường".

Người kém cỏi có thói quen chứng minh bản thân thông qua so sánh với người khác: Chấp nhận bình phàm, bớt ảo tưởng sức mạnh mới không lo tụt hậu - Ảnh 4.

"Người trẻ ai cũng đều trải qua giai đoạn như này: có lý tưởng, hoài bão, hi vọng mình sống hơn người khác. Nhưng càng trưởng thành, càng cần phải hiểu rằng: rất nhiều sự thu hoạch thực ra đều được tôi luyện từ trong sự bình thường mà ra, cũng giống như một nghệ nhân vậy, chậm và chú tâm thì mới cho ra được một tác phẩm nghệ thuật tinh tế và tỉ mỉ", Lin Xin nói.

Rất nhiều người thành công, thực ra cũng đều luôn trong trạng thái lặp đi lặp lại những công việc mà trong mắt người khác nó có thể là vô cùng nhàm chán. Họ rèn luyện bản thân từ trong sự bình thường, cuối cùng đạt được những thành tựu phi thường.

Vì vậy, khi theo đuổi nhu cầu, đồng thời bạn cũng cần phải chấp nhận rằng mình chỉ là một người bình thường. Bình thường chứ không tầm thường, luôn trong trạng thái sẵn sàng, dần dần tìm kiếm mục tiêu, sau nhiều năm tích lũy, rồi bạn sẽ đạt được điều mà mình hằng mong ước.