Gần 20 năm làm quản lý nhân sự cấp cao, trực tiếp đào đạo từng lớp nhân viên, từ thế hệ thực tập sinh tới trưởng nhóm, phó phòng và các cấp quản lý, tôi có thể khẳng định một điều: Cảm xúc cá nhân chính là “kẻ thù” lớn nhất trên hành trình thăng tiến, hoặc đơn giản hơn, là hành trình kiếm tiền.
Chúng ta nói rất nhiều đến việc trân trọng cảm xúc, cũng như những tác hại tiêu cực của việc phủ nhận cảm xúc, nhưng trong môi trường công sở, hay môi trường làm việc, quá đề cao cảm xúc cá nhân là hành vi tuyệt đối phải tránh xa.
Phần lớn chúng ta đi làm là để kiếm tiền. Trường hợp ngoại lệ là những người đi làm vì đam mê, hoàn toàn không quan tâm tới chuyện lương thưởng, tôi sẽ không đề cập ở đây, bởi đam mê là thứ rất khó nói, cũng không dễ để đo lường. Nhưng tiền lương và tiền thưởng thì khác.
Bạn đi làm, bạn đạt đủ KPI, công ty trả đủ lương cho bạn. Trong trường hợp hiệu suất công việc của bạn vượt bậc, công ty sẽ ghi nhận điều đó bằng các khoản thưởng, có thể là thưởng nóng hoặc thưởng định kỳ. Tôi gọi đó là những khoản “tiền tươi thóc thật”, và cũng là điều mà bất kỳ ai đi làm cũng muốn được nhận đúng, nhận đủ.
Tuy nhiên, với không ít người, nhận đủ lương thưởng vẫn là chưa đủ với họ.
Tôi vẫn nhớ cách đây khoảng 8 năm, khi đó, tôi vẫn còn là trưởng nhóm của một nhóm nhỏ gồm 9 người. Một buổi sáng đầu tiên, một nhân viên cấp dưới của tôi đề xuất họp riêng với tôi, cuộc họp chỉ kéo dài chưa tới 5 phút. Cô ấy xin nghỉ việc, với lý do tôi và công ty không ghi nhận sự nỗ lực cũng như những đóng góp của cô trong các dự án đang vận hành.
Lý do khiến cô nghĩ rằng bản thân không được sếp ghi nhận chỉ đơn giản là tôi không bao giờ khen cô ấy trong các cuộc họp nội bộ, hay những cuộc họp với lãnh đạo cấp cao hơn.
Và khi tôi nói với cô ấy rằng việc tôi đề xuất thưởng nóng, và công ty xét duyệt khoản thưởng đó cũng chính là một cách ngợi khen, ghi nhận những đóng góp của cô, cô vẫn không cảm thấy an lòng, vẫn khăng khăng đòi nghỉ việc. Đương nhiên, tôi cũng không “níu kéo”.
Nhưng đến tận bây giờ, sau hơn 1 thập kỷ, tôi vẫn không thể hiểu được tại sao lại có những người tự gạt đi một công việc với mức lương và chế độ đãi ngộ tốt, chỉ vì họ không nhận được những lời khen bằng lời nói? Chẳng phải như vậy là đang tự đặt mình vào thế khó hay sao?
Còn với góc nhìn của một người quản lý như tôi, tôi rất kỵ việc thường xuyên khen nhân sự, bởi điều đó dễ khiến họ có tư duy ỷ lại là phải được khen thì mới làm và mới nỗ lực.
Chúng ta là con người, chúng ta sẽ luôn có cảm xúc của riêng mình. Những hỉ nộ ái ố có thể sẽ xuất hiện thường trực trong tâm trí, đôi khi vì không ưa đồng nghiệp, đôi khi là cảm giác không ưa luôn cả sếp. Bản thân tôi cũng từng là nhân viên trước khi lên làm sếp, và tôi hoàn toàn hiểu điều đó.
Nhưng sự khác biệt giữa một nhân sự giỏi và một nhân sự khó tiến bộ, ngoài vấn đề kỹ năng chuyên môn, còn là kỹ năng quản trị cảm xúc.
Người biết tập trung vào mục tiêu kiếm tiền, và mục tiêu chung của cả nhóm, sẽ không để cảm xúc cá nhân làm ảnh hưởng tới hiệu suất cũng như chất lượng công việc. Nếu công ty không quỵt lương thưởng của bạn, sếp và đồng nghiệp không phỉ báng, xúc phạm và phủ nhận đóng góp, công sức của bạn, tôi thực tin rằng bạn không nên để những ấm ức cá nhân khiến mình mất kiểm soát. Vì sao ư? Vì bạn đang đi làm để kiếm tiền.
Thị trường việc làm vẫn đang khắc nghiệt. Bạn nên hiểu rằng mối quan hệ giữa bạn với các đồng nghiệp, với sếp, hay với công ty, thực chất là mối quan hệ lợi ích, hoàn toàn không phải mối quan hệ lãng mạn. Không ai có trách nhiệm phải quan tâm, để ý đến cảm xúc cá nhân của người khác trong môi trường công việc. Thứ cảm xúc duy nhất nên đề cao chính là sự tôn trọng và tính trách nhiệm.
Nếu bạn phải làm việc với một người luôn mang những vấn đề, rắc rối cá nhân của họ ra để yêu cầu bạn phải thông cảm cho việc họ trễ deadline, không hoàn thành công việc, bạn có sẵn sàng làm với một người như vậy hay không? Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh đó, bạn sẽ hiểu tầm quan trọng của kỹ năng quản trị cảm xúc cá nhân khi đi làm.
Người thành công thăng tiến, người kiếm được nhiều tiền từ công việc “9-to-5” chính là những người biết đặt cảm xúc cá nhân của mình sang 1 bên, để tập trung vào công việc, vào những mục tiêu cần hoàn thành. Còn những người cứ phải được động viên, được khích lệ, được dỗ dành mới làm việc, chính là những người dễ bị đào thải nhất, bất chấp kỹ năng chuyên môn của họ tốt đến đâu.
Mong rằng bạn - dù đã đi làm nhiều năm hay vẫn còn là thế hệ nhân sự “mầm non”, sẽ không rơi vào nhóm cần được dỗ dành mới làm được việc, vì không sớm thì muộn, nếu muốn tiếp tục làm việc ở môi trường công sở để kiếm tiền, bạn cũng sẽ phải từ bỏ tật xấu ấy mà thôi.