Người đàn ông mắc tiểu đường 30 năm bật mí 5 bí quyết để lượng đường luôn ổn định

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ Việt Nam 00:00 14/07/2024
Chia sẻ

Tiểu đường là bệnh mạn tính không thể chữa dứt điểm nên để sống chung với nó một cách thoải mái, an toàn cần lưu ý nhiều điều.

Ông Vương (Giang Tô, Trung Quốc) năm nay ngoài 60 tuổi nhưng đã có 30 năm sống chung với bệnh tiểu đường tuýp 2. Rất nhiều người xung quanh không hề hay biết ông bị tiểu đường lâu năm vì quan sát bên ngoài lúc nào ông cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹn và lạc quan. Thâm chí, bác sĩ cũng phải ngạc nhiên hết lần này đến lần khác bởi khả năng kiểm soát lượng đường trong máu và tình trạng sức khỏe tổng thể của ông.

Ông Vương cho biết, mình cũng từng khổ sở vì tiểu đường trong vài năm. Sau đó, cùng với sự tư vấn từ bác sĩ, ông đã tự đúc kết ra rất nhiều bí quyết để “chung sống hòa bình” với căn bệnh này. Trong đó, có 5 nguyên tắc quan trọng nhất được ông kiên trì thực hiện suốt ngần ấy năm:

1. Chế độ ăn kiêng carbohydrate nhất quán

Theo ông Vương, chế độ ăn uống của người mắc bệnh tiểu đường khác biệt rất nhiều với người bình thường. Không phải bất cứ chế độ ăn nào được cho là lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng cũng phù hợp với bệnh nhân tiểu đường. Trong đó, ông đặc biệt chú trọng việc kiểm soát lượng carbohydrate (carb) nạp vào. Các nhóm chất thuộc chứa carb có thể kể đến như: tinh bột, đường và chất xơ.

Người đàn ông mắc tiểu đường 30 năm bật mí 5 bí quyết để lượng đường luôn ổn định - Ảnh 1.

Kiểm soát lượng calo, đặc biệt là carbohydrate rất quan trọng với bệnh nhân tiểu đường (Ảnh minh họa)

Cụ thể, dù phải kiểm soát lượng carb nhưng ông tuyệt đối không bỏ bữa, ăn đủ 3 bữa 1 ngày và thực hiện chế độ ăn kiêng carb nhất quán. Ông đặt mục tiêu ăn cùng một lượng carb cho mỗi bữa ăn và ăn nó đều đặn vào các khung giờ lặp lại hàng ngày.

Ông nói thêm, lượng carb cần mỗi ngày được xác định dựa trên cân nặng, mức độ hoạt động, nhu cầu calo và cách cơ thể phản ứng với nó. Ví dụ như với ông, sẽ ăn khoảng 45g carb mỗi bữa chính, 15g carb cho bữa nhẹ, kết hợp protein và chất béo lành mạnh để làm chậm hấp thu đường vào máu. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ để phù hợp với từng trường hợp.

2. Tự nấu ăn với thực đơn đa dạng mỗi ngày

Như đã nói, ông Vương cho rằng chế độ ăn khi tiểu đường sẽ có nhiều lưu ý, nên việc tự nấu ăn giúp ông kiểm soát tốt hơn. Nhờ việc tự nấu ăn hàng ngày, ông có thể chủ động điều chỉnh lượng đường, muối, dầu mỡ… và tránh xa những món ăn không tốt cho bản thân. Các món ông ăn chủ yếu là luộc, hấp, hầm. Ông cũng điều chỉnh lượng calo nạp vào thông qua việc chỉ nấu vừa đủ trong mỗi bữa.

Đặc biệt, thói quen tự nấu ăn giúp ông Vương lựa chọn những thực phẩm có lợi cho quá trình kiểm soát đường huyết mà vẫn tạo ra thực đơn đa dạng mỗi ngày. Mỗi buổi sáng, ông sẽ đi bộ ra chợ hoặc siêu thị gần nhà để chọn thực phẩm tươi ngon. Điều này cộng với quá trình tự nấu nướng được ông cho là hoạt động giúp kiểm soát cân nặng, nâng cao sức đề kháng và góp phần kiểm soát đường huyết tốt hơn.

3. Ngủ sớm và dậy sớm vào khoảng thời gian cố định

Bên cạnh chế độ ăn uống, ông Vương cho rằng giấc ngủ có vai trò quyết định với sức khỏe, nhất là với bệnh nhân tiểu đường. Trong khi ngủ, cơ thể sản sinh ra các hormone điều chỉnh quá trình chuyển hóa glucose và kiểm soát insulin.

Người đàn ông mắc tiểu đường 30 năm bật mí 5 bí quyết để lượng đường luôn ổn định - Ảnh 2.

Ngủ sớm dậy sớm tốt cho tất cả mọi người, không riêng gì bệnh nhân tiểu đường (Ảnh minh họa)

Ông tập trung vào việc ngủ sớm, dậy sớm và đều đặn trong khoảng thời gian cố định hàng ngày. Điều này không chỉ giúp tăng cường chuyển hóa, nâng cao miễn dịch mà còn thiết lập đồng hồ sinh học trong cơ thể để điều hòa lượng đường glucose trong máu cải thiện. Thói quen ngủ đều đặn cũng có thể giúp giảm căng thẳng và thư giãn - yếu tố ổn định lượng đường quan trọng.

Ông Vương chia sẻ thêm, ngủ sớm dậy sớm cũng giúp ông đảm bảo ngủ đủ giấc. Thường là 7 - 8 tiếng mỗi đêm. Trước đây ông mắc chứng ngưng thở khi ngủ (ngủ ngáy) và sau khi điều trị, nó đã góp phần rất lớn vào công cuộc đấu tranh với bệnh tiểu đường của ông. Do các rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ có liên quan đến tình trạng kháng insulin và không dung nạp đường glucose.

4. Tập thể dục nhịp điệu đều đặn

Theo chia sẻ của ông Vương, ông không thích chơi thể thao hoặc vận động mạnh từ khi còn trẻ. Nhưng bởi vì bệnh tiểu đường của mình, ông bắt đầu bơi 1 tiếng, tập tạ 30 phút, tập thể dục nhịp điệu 30 phút và chạy bộ 60 phút 5 ngày mỗi tuần trong suốt 4 năm. Sau đó, vì công việc bận rộn và lập gia đình, ngày càng có tuổi nên ông không thể duy trì cường độ tập luyện này. Tuy nhiên, ông vẫn luôn đi bộ nhanh hoặc chạy bộ 30 phút mỗi ngày, tập thể dục nhịp điệu 30 - 60 phút, duy trì ít nhất 4 ngày mỗi tuần cho đến tận hiện tại.

Bởi vì ông hiểu rằng thói quen vận động giúp kiểm soát cân nặng - yếu tố rất quan trọng với người tiểu đường tuýp 2. Đồng thời khiến cơ thể nhạy cảm hơn với insulin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nó cũng giúp ông giảm được mỡ trong gan và tụy, mỡ máu cũng như kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tổn thương thần kinh. Đây đều là những yếu tố quan trọng để phòng biến chứng tiểu đường.

Người đàn ông mắc tiểu đường 30 năm bật mí 5 bí quyết để lượng đường luôn ổn định - Ảnh 3.

Vận động vừa phải nhưng đều đặn rất có ích cho kiểm soát đường huyết, ngăn biến chứng tiểu đường (Ảnh minh họa)

5. Uống thuốc và thăm khám đúng hướng dẫn

Ông Vương cho biết mình có thói quen tự đo đường huyết 3 - 5 ngày 1 lần, thường là vào buổi sáng trước khi ăn. Ông cũng không bao giờ trễ hẹn lịch thăm khám định kỳ với bác sĩ của mình. Dù lượng đường luôn ổn định nhưng luôn đảm bảo kiểm tra HbA1C (Hemoglobin A1C) hai lần một năm. Ông cũng khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, nhất là các chỉ số có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng hoặc biến chứng tiểu đường như huyết áp, mỡ máu…

Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng bệnh tiểu đường không thể chữa dứt điểm nên dùng thuốc là điều tối quan trọng. Nếu tự ý dừng thuốc vì bất cứ lý do gì, có thể dẫn đến một số biến chứng sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Nguồn và ảnh: QQ, Health 2.0

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày