Qua khai thác thông tin từ bệnh nhân cho biết cách 1 ngày, bệnh nhân đi tiểu buổi sáng thấy nước tiểu đỏ như phẩm. Trước đó bệnh nhân không bị chấn thương, không tiểu buốt, rắt, không quan hệ tình dục, không thủ dâm, không có tiền sử sỏi đường tiết niệu.
Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tiểu máu, đã tiến hành làm các xét nghiệm, siêu âm để xác định nguyên nhân. Nhưng các xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm kết quả hoàn toàn bình thường. Khi khai thác kỹ hơn về tiền sử sử dụng thuốc và các thực phẩm có màu sậm, màu đỏ thì bệnh nhân cho biết, ngày hôm trước khi tiểu đỏ bệnh nhân có sử dụng nhiều... rượu dâu.
Lúc này các bác sĩ mới rõ nguyên nhân khiến nước tiểu của bệnh nhân có màu đỏ.
Do thực phẩm: Một số loại thực phẩm có màu sậm, đỏ có thể khiến nước tiểu chuyển sang màu đỏ (thanh long ruột đỏ, dâu, rau dền đỏ, củ cải đỏ, việt quất, quả mâm xôi…).
Do thuốc: Một số loại thuốc nhất là thuốc kháng sinh khiến nước tiểu có sự thay đổi về màu sắc có thể chuyển đỏ hoặc màu xanh tùy từng loại thuốc.
Do tập luyện thể thao quá sức: Luyện tập thể thao giúp cơ thể cường tráng, khỏe mạnh, tuy nhiên nếu luyện tập quá sức sẽ khiến hồng cầu lọt vào đường tiểu làm nước tiểu chuyển màu đỏ.
Do nhiễm trùng đường tiết niệu: Vi khuẩn xâm nhập gây viêm, phù nề đường tiết niệu, xung huyết, rò rỉ máu theo nước tiểu làm nươc tiểu chuyển màu. Ngoài ra còn có thể kèm theo các triệu chứng khác như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần.
Do sỏi đường tiết niệu: Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo.
Do bệnh ung thư: Tiểu máu có thể là triệu chứng của một số bệnh ung thư đường tiết niệu (ung thư tiền liệt tuyến, ung thư thận, niệu quản, ung thư bàng quang…).
Do rối loạn di truyền: Một số bệnh lý di truyền hồng cầu hình liềm, rối loạn di truyền của huyết sắc tố trong hồng cầu, hội chứng Alport.
Do thận bị bệnh: Viêm thận, viêm cầu thận, hội chứng thận hư, sỏi thận có thể ảnh hưởng đến màng lọc trong cầu thận của thận, dẫn tới hồng cầu thoát ra cùng với nước tiểu.
Vì vậy không phải tình trạng nước tiểu màu đỏ nào cũng có thể do tiểu ra máu gây nên. Khi thấy tình trạng này người bệnh cần bình tĩnh theo dõi triệu chứng kèm theo. Hãy đến gặp các chuyên gia về Nam học - Tiết niệu để được thăm khám, tìm hiểu rõ nguyên nhân tiểu đỏ, từ đó các Bác sĩ sẽ có những lời khuyên và các phương pháp điều trị phù hợp!