Ở tuổi 58, ông Lý luôn cho rằng mình còn rất khỏe mạnh nhưng lại bất ngờ nhận được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Càng trớ trêu hơn khi nguyên nhân đến từ 3 món ăn lúc nào cũng có sẵn trong tủ lạnh nhà ông. Đó là: các loại hạt để lâu, cơm và rau xanh đã nấu chín để qua đêm.
Ảnh minh họa
Theo lời ông kể, ông muốn tiết kiệm cả thực phẩm, thời gian và công sức nên thường nấu nhiều thức ăn rồi cất trong tủ lạnh, khi nào cần sẽ hâm lại. Ông cũng không bao giờ bỏ đi đồ ăn thừa, trừ khi nó hỏng tới không thể ăn được nữa.
Bác sĩ của ông Lý giải thích, rau xanh chứa nitrit cao. Khi bảo quản trong tủ lạnh, nitrit tiếp tục sinh ra và tích tụ, có thể biến đổi thành nitrosamine - chất gây ung thư dạ dày nếu ăn thường xuyên. Còn các thực phẩm giàu tinh bột (gạo, mì, bánh bao)
để lâu trong tủ lạnh khiến tinh bột bị lão hóa, mất mùi vị, khó tiêu hóa và nhiễm khuẩn gây hại dạ dày. Nếu bị mốc, chúng cũng có thể sản sinh aflatoxin gây ung thư và nhiều vấn đề tiêu hóa khác.
Loại chất gây ung thư này cũng có trong những loại hạt mà ông Lý để hết tháng này qua tháng khác trong tủ lạnh. Ông muốn chăm sóc sức khỏe nên thường mua các loại hạt như lạc, hạt điều, óc chó, hạnh nhân… để ăn vặt buổi tối. Tuy nhiên, mỗi lần ông chỉ dám ăn một chút, để quá lâu trong tủ khiến chúng bị nấm mốc. Khi thấy như vậy ông vẫn tiếc rẻ, không chịu bỏ đi.
Trải qua vài năm ăn uống như vậy, sức khỏe của ông Lý bị “bào mòn” lúc nào không hay. Kể từ năm ngoái, ông thỉnh thoảng bị đi ngoài phân đen và đau bụng âm ỉ nhưng chủ quan bỏ qua. Tháng trước, phân của ông có màu đen suốt một tuần kèm đau bụng dữ dội mới đi khám. Kết quả, khối u dạ dày đã di căn tới các cơ quan xung quanh và tiên lượng rất xấu. Ông hối hận vì kiểu tiết kiệm và sự chủ quan của mình nhưng đã muộn.
Giống như ông Lý, nhiều người tin rằng tủ lạnh là "nơi an toàn" để bảo quản thực phẩm, đặc biệt là tủ đông có thể giữ đồ ăn trong một hoặc hai năm. Nhưng thực tế, tủ lạnh chỉ ức chế sự phát triển của vi khuẩn chứ không tiêu diệt hoàn toàn. Một số loại vi khuẩn nguy hiểm vẫn phát triển mạnh mẽ ngay cả trong điều kiện lạnh. Trong đó có 4 loại vi khuẩn phổ biến nhưng rất nguy hiểm, được mệnh danh là “sát thủ” trong tủ lạnh như:
Listeria
Listeria monocytogenes có thể phát triển ở 0 - 4°C và sống sót tới 1 năm ở -20°C, thường tồn tại trong thực phẩm chế biến sẵn, sữa chưa tiệt trùng và thịt nguội. Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người già và người suy giảm miễn dịch dễ bị nhiễm.
Vi khuẩn này gây bệnh listeriosis, có thể dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc nhiễm trùng nặng như viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Triệu chứng phổ biến gồm sốt, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy và nhức đầu.
Salmonella
Salmonella thường có trong trứng, thịt gia cầm, thịt lợn và sữa chưa tiệt trùng. Khi ra khỏi môi trường lạnh, vi khuẩn phát triển rất nhanh và dễ lây lan khi nhiễm khuẩn chéo trong chế biến thực phẩm.
Nhiễm khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm với triệu chứng sốt, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy, thường kéo dài 4 - 7 ngày. Trường hợp nặng có thể gây mất nước nghiêm trọng và nhiễm trùng huyết.
Ảnh minh họa
Shigella
Shigella thường có trong trái cây, rau củ nhiễm phân người hoặc nước bẩn. Chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng có thể gây bệnh, dễ lây lan qua thực phẩm hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm.
Vi khuẩn này gây bệnh lỵ trực khuẩn với triệu chứng tiêu chảy có máu, đau bụng, sốt và buồn nôn. Trường hợp nặng có thể dẫn đến mất nước hoặc tổn thương thận nếu không được điều trị kịp thời.
Yersinia
Yersinia enterocolitica sống được trong môi trường lạnh và thường có trong thịt lợn sống, sữa chưa tiệt trùng. Vi khuẩn này phát triển mạnh trong tủ lạnh nếu thực phẩm bảo quản lâu ngày.
Nhiễm khuẩn Yersinia gây viêm dạ dày ruột cấp với triệu chứng đau bụng dữ dội, tiêu chảy, sốt và buồn nôn. Trẻ em dễ bị ảnh hưởng nhất, đôi khi gây viêm khớp phản ứng hoặc nhiễm trùng huyết.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor