Nhiều người cho rằng chỉ hút thuốc, ngửi khói thuốc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm nặng, rất độc hại mới bị ung thư phổi. Tuy nhiên, thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi ở Đài Loan (Trung Quốc) không hút thuốc, hiếm khi uống rượu, thậm chí còn chăm chỉ tập thể dục nhưng cuối cùng cả hai đều mắc ung thư phổi.
Theo lời bà Wu kể, bà bị tức ngực đã khá lâu nhưng thường nghĩ là do tuổi tác và hệ hô hấp của mình vốn kém, hồi nhỏ đã hay ốm vặt. Cho tới 3 năm trước, bà bị ho dai dẳng suốt hai tháng không khỏi. Đi khám thì phát hiện có khối u ác tính 0,3 cm trong phổi trái. Đồng thời cả hai bên phổi có nhiều nốt, tổn thương tiền ung thư.
Ảnh minh họa
Sau khi biết bà và chồng cùng điều hành một quán ăn đã gần 20 năm, bác sĩ liền yêu cầu người chồng tới kiểm tra. Thật trớ trêu, chồng bà Wu cũng mắc ung thư phổi và thậm chí còn ở giai đoạn gần cuối. Bởi vì thường ngày ông dùng rất nhiều thuốc bổ, lại ít khi than vãn, chủ quan với sức khỏe nên không chia sẻ với ai cũng không đi khám. Sau khoảng 2 năm phát hiện bệnh, ông đã qua đời còn bà Wu hiện tại vẫn đang chống chọi từng ngày trong bệnh viện.
Có 3 nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư quái ác của vợ chồng bà Wu. Chúng đều là những thói quen phổ biến, nhiều người tưởng rằng vô hại khi ở trong bếp như:
Để dầu ăn sôi tới bốc khói mới nấu
Nhiều người chờ dầu ăn sôi bốc khói hoặc nấu ở nhiệt độ rất cao để món ăn nhanh chín, giòn ngon hơn. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa lồng ngực Chu Bách Khiêm (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, khi dầu bốc khói, nó tạo ra aldehyde và hydrocarbon thơm đa vòng – các chất gây ung thư mạnh. Khói dầu dễ hít vào phổi, gây tổn thương tế bào, viêm nhiễm mãn tính và tăng nguy cơ ung thư phổi. Thói quen này đặc biệt nguy hiểm khi bếp kín, ít thông gió.
Ảnh minh họa
Không bật máy hút mùi hoặc tắt ngay sau khi nấu
Nhiều người bỏ qua máy hút mùi hoặc tắt ngay khi vừa xong để tiết kiệm điện, nhưng khói dầu và bụi siêu mịn sẽ tích tụ trong không khí. Theo bác sĩ Chu, những hạt này nhỏ tới mức có thể xâm nhập sâu vào phế nang trong phổi, gây kích ứng, viêm nhiễm kéo dài và làm tổn thương DNA tế bào. Cần bật máy hút mùi khi bắt đầu nấu và giữ thêm 5-10 phút sau khi tắt bếp để loại bỏ hoàn toàn khói dầu.
Không vệ sinh kỹ nồi chảo, nhất là khi chuyển món
Chuyển món ngay trên cùng nồi chảo mà không rửa sạch khiến dầu mỡ thừa bị đốt cháy nhiều lần, tạo ra acrolein và PAHs các chất gây đột biến tế bào và ung thư phổi là điều bác sĩ Chu cảnh báo. Cặn thức ăn cháy khét khi bị đốt lại sẽ phát tán khói độc hại, dễ dàng xâm nhập vào phổi khi hít phải. Đặc biệt, nồi chảo chống dính cũ, bong tróc còn thải ra hóa chất độc khi bị đun nóng nhiều lần.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Chu cũng nhấn mạnh, hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố gây bệnh khác. Có thể kể đến như: khói dầu khi nấu ăn, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với hóa chất độc hại từ sản phẩm tẩy rửa, phơi nhiễm phóng xạ tự nhiên, di truyền, nhiễm trùng phổi mạn tính…
Nguồn và ảnh: Topick, ETtoday