Virus HPV (Human Papillomavirus) có hơn 100 chủng khác nhau. Trong đó, có ít nhất 14 chủng được xếp vào nhóm nguy cơ cao vì liên quan trực tiếp đến các loại ung thư như ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm đạo, dương vật và ung thư vùng miệng - họng. Đặc biệt, nhiễm HPV thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến người mắc dễ chủ quan và âm thầm lây lan cho người khác.
Tính đến nay, tiêm vắc xin HPV vẫn là cách chủ động và hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh do virus HPV gây ra. Tùy theo loại vắc xin, khả năng bảo vệ có thể đạt đến:
- Khoảng 90% trường hợp ung thư cổ tử cung nếu tiêm đúng độ tuổi và đủ liều.
- 90% trường hợp mụn cóc sinh dục nếu dùng loại vắc xin có chứa kháng nguyên HPV 6 và 11.
- Ngoài ra, vắc xin còn giúp giảm nguy cơ ung thư hậu môn, âm đạo, âm hộ, dương vật và ung thư vùng miệng họng liên quan đến các chủng HPV nguy cơ cao.
Ảnh minh họa
Hiện có 3 loại vắc xin HPV được sử dụng phổ biến:
- HPV2: bảo vệ 2 chủng (HPV 16, 18), chủ yếu phòng ung thư cổ tử cung.
- HPV4: bảo vệ 4 chủng (HPV 6, 11, 16, 18), phòng ung thư và mụn cóc sinh dục.
- HPV9: bảo vệ 9 chủng (HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58), mở rộng phạm vi phòng bệnh ung thư.
Vắc xin đạt hiệu quả tối đa khi tiêm trước khi có quan hệ tình dục, thường trong độ tuổi từ 9-14 tuổi, nhưng vẫn có lợi cho người tiêm đến 45 tuổi nếu chưa từng nhiễm hết các chủng HPV có trong vắc xin.
Dù vắc xin HPV là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, bạn vẫn nên kết hợp thêm các cách sau để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm virus:
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su đúng cách trong suốt quá trình quan hệ có thể giảm nguy cơ lây truyền HPV. Tuy nhiên, vì HPV có thể tồn tại ở vùng da không được che phủ, bao cao su không bảo vệ tuyệt đối.
- Hạn chế số lượng bạn tình, chung thủy một vợ một chồng: Giảm nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm virus HPV, kể cả khi người đó không có triệu chứng rõ ràng.
Ảnh minh họa
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác: HPV có thể tồn tại một thời gian ngắn ngoài cơ thể. Những vật dụng như khăn tắm, đồ lót, dao cạo… nếu bị dính dịch tiết chứa virus, hoàn toàn có thể trở thành nguồn lây truyền gián tiếp.
- Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách: Vệ sinh sạch sẽ trước và sau quan hệ, thay đồ lót hàng ngày và tránh mặc đồ ẩm ướt giúp ngăn ngừa vi khuẩn và virus phát triển, giảm nguy cơ viêm nhiễm tạo điều kiện cho HPV xâm nhập.
- Tầm soát định kỳ: Phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm Pap smear và/hoặc HPV test theo khuyến nghị của bác sĩ, kể cả khi đã tiêm vắc xin. Tầm soát giúp phát hiện sớm những bất thường trước khi tiến triển thành ung thư.
- Tăng cường miễn dịch: Một hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể đào thải virus HPV nếu nhiễm phải. Nên ăn uống đủ chất, ngủ đủ, giảm stress và tập thể dục đều đặn.
Nên nhớ, HPV không chỉ lây qua đường tình dục mà còn có thể lây qua tiếp xúc da - niêm mạc trực tiếp hoặc gián tiếp nếu vệ sinh không đúng cách. Vì vậy, chủ động tiêm vắc xin kết hợp lối sống lành mạnh và vệ sinh cá nhân cẩn thận là cách bảo vệ tốt nhất khỏi virus này.