Nghiên cứu mới phát hiện vi nhựa có thể "len lỏi" vào rau theo cách thức không ngờ

Mộc Miên, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 21:09 12/04/2025
Chia sẻ

Nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Nature vào ngày 9/4 đã chỉ ra cách vi nhựa “len lỏi” vào cây cối và rau.

Nghiên cứu trên được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Trường Khoa học và Kỹ thuật môi trường – Đại học Nam Khai (Trung Quốc), Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Môi trường Sinh thái thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Đại học Đông Bắc (Trung Quốc) và Viện Khoa học Nông nghiệp và Lâm nghiệp Bắc Kinh.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra lá cây có thể hấp thụ các hạt vi nhựa trong không khí. Đây được xem là con đường trực tiếp để các chất ô nhiễm như vi nhựa xâm nhập vào chuỗi thức ăn và cơ thể con người.

Thông qua phân tích khối phổ (một kỹ thuật phân tích được sử dụng để đo tỷ lệ khối lượng trên điện tích của các ion), các nhà nghiên cứu phát hiện sự hiện diện rộng rãi của các hạt vi nhựa polyme polyethylene terephthalate (PET) và hạt vi nhựa polystyrene (PS) trong các mẫu lá cây ở nhiều môi trường khác nhau. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng lá sinh trưởng càng lâu ở trong môi trường có mức độ ô nhiễm không khí càng nặng thì nồng độ hạt vi nhựa PET và PS trong lá càng cao.

Nghiên cứu mới phát hiện vi nhựa có thể "len lỏi" vào rau theo cách thức không ngờ- Ảnh 1.

Vi nhựa có thể xâm nhập vào trong lá cây. (Ảnh minh họa)

Vi nhựa "len lỏi" vào rau và lá ngô

"Chúng tôi đã tìm thấy một lượng hạt vi nhựa PET và PS trong lá của các cây sống ở gần các nhà máy sản xuất polyester và bãi rác. Đáng lo ngại hơn là các hạt vi nhựa cũng xuất hiện trong lá của các loại rau trồng ngoài cánh đồng”, tiến sĩ Li Ye tại Đại học Nam Khai - một trong những tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Ngoài ra, các mô phỏng trong phòng thí nghiệm cũng xác nhận thêm rằng lá ngô có thể hấp thụ vi nhựa qua khí khổng (hay còn gọi là lỗ thở, là một loại tế bào quan trọng của thực vật), sau đó các hạt vi nhựa tiếp tục được vận chuyển đến mô mạch (mô thực vật chuyên biệt giúp vận chuyển nước, khoáng chất đi đến các bộ phận trên cây) và cuối cùng vi nhựa sẽ tích tụ ở các lông tơ trên bề mặt lá.

Nghiên cứu mới phát hiện vi nhựa có thể "len lỏi" vào rau theo cách thức không ngờ- Ảnh 2.

Các hạt vi nhựa cũng xuất hiện trong lá của các loại rau trồng ngoài cánh đồng. (Ảnh minh họa)

Trong khi các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng vi nhựa từ đất có thể xâm nhập vào thực vật qua hệ thống rễ cây nhưng khả năng vận chuyển vi nhựa từ rễ lên các phần trên của cây còn hạn chế thì nghiên cứu mới này nhấn mạnh vi nhựa trong không khí có thể là mối đe dọa sinh thái cấp bách hơn.

Nghiên cứu mới cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa. Bởi lẽ thực vật đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thực ăn, việc vi nhựa tích tụ trong lá cây đồng nghĩa với việc chúng có thể dễ dàng đi vào hệ sinh thái và cơ thể con người.

Giáo sư Wang Lei, làm việc tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật Môi trường thuộc Đại học Nam Khai - đồng tác giả của nghiên cứu - nhận định: “Hiện nay, thế giới ngày càng quan tâm đến tình trạng ô nhiễm vi nhựa và nano nhựa, đặc biệt là khi tác hại của chúng đối với sinh vật đã được ghi nhận”.

Giáo sư Wang cho biết vi nhựa xâm nhập vào lá cây tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe do đó chúng ta cần phải nghiên cứu chuyên sâu và nhanh chóng về vấn đề này.

 (Theo Xinhua News)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày