Ngày đầu xác thực sinh trắc học: App lỗi, nhiều người chuyển tiền bất thành

Ngọc Mai, Theo Tiền phong 20:08 01/07/2024

Ngày đầu tiên áp dụng quy định bắt buộc xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng/lần trở lên, nhiều khách hàng không thể thực hiện các thao tác chuyển tiền vì app (ứng dụng) ngân hàng báo lỗi. Nhiều người phải trực tiếp ra quầy giao dịch nhờ hỗ trợ.

Kể từ ngày hôm nay (1/7), khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking. Theo đó, giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc chuyển nhiều lần với tổng số tiền trên 20 triệu đồng/ngày bắt buộc phải thực hiện bằng xác thực khuôn mặt.

Anh Nguyễn Đức (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dù điện thoại anh đã cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng Vietcombank. Tuy nhiên, sáng nay, anh Đức không thể chuyển khoản số tiền 35 triệu đồng do khi thực hiện đến thao tác quét khuôn mặt là app báo lỗi.

“Do cần phải chuyển số tiền gấp nên tôi phải ra quầy giao dịch để nhờ hỗ trợ”, anh Đức nói.

Ngày đầu xác thực sinh trắc học: App lỗi, nhiều người chuyển tiền bất thành - Ảnh 1.

Nhiều khách hàng của Ngân hàng Vietcombank sáng 1/7 gặp lỗi không chuyển được tiền khi quét sinh trắc học.

Chị Minh Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trong sáng nay chị cũng gặp trục trặc khi chuyển tiền trên app của ngân hàng Eximbank.

“Dù đã cập nhật sinh trắc học từ tuần trước nhưng sáng nay kể cả tôi ấn nhiều lần nhưng không thể chuyển 15 triệu đồng do hệ thống báo lỗi”, chị Tâm cho hay.

Một số khách hàng của các ngân hàng khác như VPBank, Techcombank, VIB…cũng phản ánh ứng dụng ngân hàng chậm, ảnh hưởng tới khâu thanh toán, trải nghiệm. Nhiều khách hàng trong sáng nay muốn chuyển tiền phải ra trực tiếp quầy giao dịch các ngân hàng.

Ngoài ra, đến thời điểm này, nhiều khách hàng của các ngân hàng cũng cho biết không thể tự cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng.

Chị Minh Ngọc (Long Biên, Hà Nội) cho biết, suốt một tuần qua, chị không thể cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng BIDV. "Tôi làm theo từng bước hướng dẫn nhưng đều báo lỗi . Tôi đợi qua thời gian này các quầy giao dịch bớt đông sẽ ra trực tiếp cài lại", chị Ngọc nói.

Các ngân hàng cho biết, có thể thời gian đầu còn trục trặc nhưng xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng và tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày là cần thiết để hạn chế tối đa tình trạng tài khoản không chính chủ, lừa đảo , gian lận.

Không chỉ tại quầy, tổng đài 24/7 của các ngân hàng cũng hoạt động hết công suất trong những ngày qua khi khách hàng liên tục yêu cầu hỗ trợ. Thời gian vừa qua, các ngân hàng đẩy mạnh việc thu thập sinh trắc học cho khách hàng. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã thông báo làm việc xuyên Thứ 7, Chủ Nhật để thu thập sinh trắc học tại quầy giao dịch.

Theo các ngân hàng, để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo, khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng khác. Các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật hoặc bất kỳ thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc qua đường link.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - lưu ý, khách hàng cũng cần phân biệt là yêu cầu xác thực sinh trắc học áp dụng với giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên để kiểm soát rủi ro.

Còn đối với thanh toán, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho phép thanh toán đến 100 triệu đồng/ngày mà không cần phải xác thực sinh trắc học như thanh toán tiền điện, nước, phí giao thông...

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước , khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch. Số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng.

Bên cạnh đó theo thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu căn cước công dân gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày