Ngày có bạn trà sữa, tối về trằn trọc cả đêm "đâu biết ra sao ngày mai"

Yến Trinh, Theo Tuổi trẻ online 14:20 20/08/2022
Chia sẻ

Khi gặp trục trặc trong cuộc sống, bạn trẻ thường khỏa lấp bằng những giây phút ngồi bên ly trà sữa hay la cà phố xá.

Ngày có bạn trà sữa, tối về trằn trọc cả đêm đâu biết ra sao ngày mai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Okoa

Một số bạn tâm sự rằng dù vẫn ra ngoài ăn uống, cười nói tưng bừng, đêm về họ đối diện chứng mất ngủ, đầu óc luôn rối bời vì suy nghĩ quá nhiều chuyện, lại chẳng giải quyết được vấn đề nào.

"Lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi"

Mỹ Linh (33 tuổi, sống tại TP.HCM) kể rằng cô từng trải qua cảm giác không còn thấy thiết tha với chuyện gì từ khi việc làm ăn gặp khó.

"Nhiều lúc tôi muốn đi đâu thật xa một thời gian, hoặc có những ý nghĩ dại dột. Tôi cũng biết cách đối phó với những việc đó, nhưng tôi không làm được", Linh chia sẻ.

Thời điểm đất lên giá, Linh cho biết cô kiếm trăm triệu trong vài tuần là bình thường. Cô hùn hạp đặt cọc đất ở Đồng Nai, Lâm Đồng rồi "lướt" kiếm lời.

Linh nói: "Lúc đó đầu óc tôi thoải mái, dù bận rộn tối ngày. Tôi thấy vui vì mình phụ giúp được gia đình. Rồi thị trường chững lại, mất cọc vài đợt, nợ nần, tôi không có tiền để gửi về nên thấy mình vô dụng".

Có những ngày Linh muốn buông xuôi, bởi trở lại công việc văn phòng không giúp cô trang trải được nhiều. Buồn chán, một tuần 4-5 buổi tối cô ở ngoài đường, khi ngồi trà sữa, lúc lang thang một mình, cũng có khi làm vài chai bia "sương sương".

"Tôi có kể cho bạn bè nghe, không kể về khoản nợ vì sợ mọi người đánh giá. Mọi người cũng chia sẻ, khuyên tôi đừng rầu rĩ quá. Tôi cảm động vì được quan tâm, nhưng trong lòng lại càng cảm thấy vô dụng, không biết tiếp theo mình sẽ làm gì", Linh nói.

Ngày có bạn trà sữa, tối về trằn trọc cả đêm đâu biết ra sao ngày mai - Ảnh 2.

Đi uống trà sữa, gặp gỡ bạn bè… phần nào giúp bạn trẻ có thêm niềm vui trong cuộc sống - Ảnh minh hoạ: YẾN TRINH

Sau đó, vì không muốn mọi người lo lắng, hơn nữa gặp nhau thường chỉ cắm cúi vào điện thoại nên Linh ít khi nhắc đến chuyện của mình. Bạn bè vốn đã quen nói chuyện bông đùa nên Linh cũng thấy khó trải lòng về những khó khăn thật sự của mình.

Cô nói: "Chỉ có mình mới biết cảm giác của mình, bởi nhìn bên ngoài mọi người sẽ nghĩ rằng chuyện chẳng có gì to tát. Hơn nữa mình không nên trở thành gánh nặng của mọi người khi cứ kể mãi về những thất bại".

Mất ngủ, lướt mạng tìm quên

Có lẽ nỗi ám ảnh nhất của bạn trẻ mỗi khi chơi vơi là chứng mất ngủ. Đêm hôm khuya khoắt, nhắn tin cũng chưa chắc ai trả lời, nên họ lướt mạng để giữ cho tâm trí bận rộn.

Mỹ Linh kể, sau những lúc gặp gỡ bạn bè vui vẻ, đêm về cô cứ trằn trọc tới 3-4h sáng, nghĩ về tình cảnh của mình, nhiều lần khóc sưng mắt, trách bản thân quá vội vàng. Cô cố tình cất điện thoại trong hộc bàn, nhưng ngủ không được lại lấy ra.

Cô lướt Facebook, xem lại hình ảnh trên trang cá nhân, rồi lướt sang TikTok với những video nối nhau mà cô cũng chẳng nhớ nội dung là gì. Cô vào cả những hội nhóm bóc phốt, đọc bình luận của thiên hạ quanh những chuyện không hề liên quan tới mình.

Đọc chán, Linh lại mở kho ảnh trên điện thoại xem. Tới lúc tay mỏi, cô buông điện thoại thiếp đi 1-2 tiếng và thức dậy trong trạng thái đầu óc lơ mơ.

Tương tự, Thủy Tiên (28 tuổi), sau khi mất việc tại một công ty gắn bó từ khi ra trường, cho biết hiện cô đang uống thuốc đông y trị mất ngủ. Dù vẫn xuất hiện trên mạng xã hội với những hình ảnh tươi tắn, nhưng những nỗi niềm ở nơi làm việc cũ cộng thêm những ngày tháng "ở không" khiến cô rất dễ căng thẳng.

Thủy Tiên tiết lộ thêm chuyện mình không tìm được tiếng nói chung với người yêu. Bạn trai cho rằng mất việc là chuyện nhỏ, "thiếu gì việc mới đang chờ", khiến cô nghĩ rằng mình đang chịu đựng một mình.

Cô nói rằng bản thân nhận thức được những gì gặp phải không phải chuyện gì quá to tát, nhưng sự thất vọng về môi trường làm việc, thiếu sự chia sẻ từ người yêu… khiến cô cảm thấy tinh thần đi xuống.

Cần rút ra bài học cho mình

Theo thạc sĩ Lê Anh Tú - giảng viên khoa quan hệ công chúng - truyền thông Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), khi gặp vấn đề trong chuyện khởi nghiệp, trong công việc, cuộc sống, việc tâm sự với bạn bè, người thân cũng là một cách để bạn trẻ giải tỏa căng thẳng.

Tuy nhiên sau những giờ phút này, bạn trẻ cần rút ra bài học, kinh nghiệm.

Riêng chuyện khởi nghiệp, theo một số nghiên cứu, quá trình này không phải ai cũng có thể thành công ngay lần đầu, thậm chí đến lần thứ 5 mới thành công.

"Ai cũng thường có tâm trạng chán nản, mệt mỏi khi sự cố xảy ra. Nhưng nếu thất bại, va vấp lần đầu mà nản chí, bạn trẻ sẽ không tiến tới thành công. Nên có suy nghĩ lạc quan, tích cực, có thời gian tĩnh lặng cho riêng mình hoặc đọc các loại sách bổ ích", anh Tú nói.

Hoặc trong giai đoạn này, bạn trẻ có thể chiêm nghiệm xem mình còn thiếu những kỹ năng, kiến thức nào… để lên kế hoạch học hỏi thêm; tìm lời khuyên phù hợp từ những người mình tin tưởng để không rơi vào trạng thái bế tắc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày