Trang tin nổi tiếng ở Singapore - The Straits Times vừa qua đăng tải một thông tin mới khiến ai cũng giật mình về thói quen uống trà sữa trân châu được giới trẻ "nghiện" từ lâu.
Trang thông tin trên trích kết quả nghiên cứu từ Momentum Works và Qlub với thống kê Đông Nam Á hiện chi 3,66 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho món uống khuấy đảo giới trẻ mang tên trà sữa trân châu. Và đứng đầu thị trường tiêu thụ món đồ uống này trong khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm trở lại đây chính là Indonesia, Thái Lan, Việt Nam. Cụ thể trà sữa trân châu đã mang về cho Indonesia mức doanh thu 1,6 tỷ USD và 749 triệu USD cho Thái Lan. Chễm chệ ở vị trí thứ 3, người Việt Nam chúng ta chi khoảng 362 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) để uống trà sữa trong một năm (theo thống kê).
Ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, bước chân ra đường, dù ở trung tâm thành phố hay quận huyện ngoại ô, từ con đường lớn đến con hẻm nhỏ, đâu đâu cũng sẽ xuất hiện các quán trà sữa, hàng cao cấp đến loại bình dân. Đáp ứng niềm đam mê dự đoán trường tồn khá lâu trong lớp trẻ, các chủ doanh nghiệp ngày nay đua nhau mở cửa hàng bán trà sữa, nhiều thương hiệu lớn bé từ nước ngoài đến trong nước ồ ạt ra đời. Có thể kể đến các thương hiệu nổi tiếng có mức giá trung bình từ 50.000Đ - 80.000/ly như Koi Thé, The Alley, Phúc Long, Gongcha, Tocotoco,... hay các cái tên có giá bình dân hơn dao động khoảng 25.000Đ - 40.000Đ/ly như Ngô Gia, Maycha, Tiger Sugar, A Ngáo, Te Amo... và hàng nghìn các tiệm trà sữa "homemade" khác.
Trà sữa chân trâu bắt nguồn từ Đài Loan từ 1980, tuy nhiên thức uống này hiện nay đã phủ sóng và phát triển mạnh mẽ khắp các nước Đông Nam Á. Với vị ngọt béo đặc trưng kết hợp cùng viên trân châu dai dai, ngọt ngọt hấp dẫn, ngày nay còn cải tiến thêm hàng trăm loại trà sữa, thay đổi mùi vị, cách pha chế, sáng tạo đa dạng loại topping... thì dễ hiểu sự chiều chuộng này chinh phục thực khách Việt đông đảo đến cỡ nào.
Ảnh: @ancungminhne._
Chị Hà Vi (25 tuổi) hiện đang là HR của một Công ty Giáo dục tại Hà Nội cho biết: "1 tuần mình uống 2 ly, nhưng cũng có khi cả tháng chỉ uống 1 ly thôi. Công ty mình thì trung bình mỗi người 3 ly/tuần. Chúng mình thường săn mã giảm giá và chỉ trả khoảng 30.000Đ/ly. Nếu 1 tháng 12 ly thì chỉ tốn tầm 360.000Đ thôi. Khoảng chi này hoàn toàn trong khả năng của chúng mình với mức lương hiện giờ."
Anh Hoài Lâm, 26 tuổi, TP.HCM
Anh Hoài Lâm nói rằng dù mình không có thói quen ăn vặt như các bạn nữ, nhưng sở thích uống trà sữa thì giống vô cùng: "Chuyện uống trà sữa vào giờ làm chắc phải gọi là văn hoá làm việc của công ty mình luôn khi mà ngày nào đến đúng khung giờ sau giấc ngủ trưa quay trở lại bàn làm việc là xoay lưng hỏi nhau: "Nay uống gì thế?". Ngày nào mình cũng cùng đồng nghiệp cả nam lẫn nữ đặt trà sữa vào 2 giờ trưa. Không uống nhất định một thương hiệu nào, chúng mình thay đổi liên tục để thử quán mới, thử loại trà sữa mới, nhưng mỗi ly trung bình không dưới 40.000Đ bao giờ."
Chị Thanh Thanh, nhân viên của một công ty ứng dụng công nghệ tại TP.HCM tiết lộ: "Mình là tín đồ của Phúc Long, ngày nào lên văn phòng cũng phải uống ít nhất 1 ly. Sau khi ăn sáng mình đã order liền 1 ly rồi, đến giờ trưa anh chị em đồng nghiệp rủ lại đặt uống cùng để tiện ngồi trò chuyện, có khi mình uống trà sữa này thay cho bữa trưa luôn. Và tầm 3 - 4 giờ chiều là khoảng thời gian buồn ngủ, không thể tập trung làm việc nhiều nhất, mình sẽ uống thêm 1 ly trà Phúc Long để tỉnh táo.
Tuy nhiên không phải ngày nào cũng uống 3 ly, có hôm mình cũng sẽ chỉ uống 1, 2 ly thôi. Nhưng uống trà sữa đã trở thành thói quen khi làm việc của mình rồi. Ngồi làm mà cạnh tay không có ly trà sữa để uống thì cứ bị buồn miệng ấy."
Nghe chia sẻ về thói quen uống trà sữa vào mỗi ngày đi làm của dân văn phòng thì chẳng có gì để bàn, chuyện nhân viên "đam mê" trà sữa mua đến 3, 4 ly một ngày vốn dĩ có thể bắt gặp ở bất kỳ công ty nào. Thế nhưng thử nhẩm lại, số lượng ly trà sữa mà một nhân viên uống trong một tháng lên đến con số gần 90 ly khiến ai cũng phải giật mình. Với những thương hiệu trà sữa cao cấp, dân văn phòng tiêu cho hoạt động ăn uống "vui miệng" phải chiếm có khi 1/3 số lương.
Sau khi biết bảng thống kê trên, chị T (hiện đang làm việc tại công ty truyền thông quận 3, TP.HCM) giật mình nói: "Không tin được trong một năm chúng ta "đút" tiền vào trà sữa nhiều tới vậy... Nhưng mà giờ nghĩ kỹ lại thì đừng nói chi ai, từ bản thân mình một ngày đã uống trung bình 2 ly, đều đặn 7 ngày bất kể đầu tuần hay cuối tuần. Bản thân mình gần như không làm việc cố định, cứ có việc là phải làm mà còn liên tục duy trì cường độ cao. Để nhanh chóng có năng lượng, buổi sáng mình sẽ mang một bình cà phê đen đến công ty, đến trưa nếu không kịp ăn mình sẽ ra tủ lạnh lấy 1 ly trà đào hoặc trà sữa để uống thay cơm. Chiều tối thường xuyên tăng ca mình cũng sẽ uống thêm một ly cho tỉnh táo.
Đây là số trà sữa dùng để uống trong một tuần của chị T. Để tiết kiệm thời gian order, chị T đặt luôn một lần, nếu đồng nghiệp có nhu cầu thì sẽ thanh toán lại cho chị T.
Chiếc tủ lạnh chẳng mấy chốc chật kín vì trà sữa...
Mình biết lối sống này không ổn một chút nào, nó không có lợi cho sức khỏe và đặc biệt là "viêm màng túi". Nhưng mình nói thật, phải tới hôm nay biết bảng thống kê này mới giật mình mà nghiệm lại. Chứ bình thường mình không nhận ra điều đó..."
Với giá tiền chi cho 1 ly trà sữa trung bình 40.000Đ - 50.000Đ, hơn cả một bữa ăn chính bình dân như dĩa cơm 30.000Đ, tô bún bò 35.000Đ. Bài toán cân đo này có nói rằng dân văn phòng đang tiêu tiền lãng phí cho một thức uống phụ.
Uyên Nhi - Biên tập sản xuất tại công ty truyền thông TP.HCM
Thế nhưng bạn Uyên Nhi hiện làm tại một công ty truyền thông ở TP.HCM bày tỏ ý kiến rằng: "Không thể làm một phép so sánh như vậy được, vì mỗi loại thức ăn , thức uống đều mang lại một giá trị riêng. Nếu bữa ăn chính cung cấp dinh dưỡng chẳng hạn, thì bữa phụ bằng trà sữa mang đến giá trị tinh thần cho mình rất nhiều. Nhưng lúc căng thẳng trong công việc, trà sữa sẽ giải toả tinh thần cho mình. Hoặc khi mình không thể tập trung hoàn thành đúng deadline, thì nhấp ngụm trà sữa lạnh khiến mình tỉnh táo hẳn."
Trong khi đó Thu Huyền (25 tuổi) làm việc tại công ty về Công nghệ thông tin tại Hà Nội nói: "Cá nhân mình thấy uống trà sữa cũng khá lãng phí, không tốt cho sức khỏe, mình chứng kiến nhiều người uống nhiều còn mắc hội chứng “nghiện”, không dứt ra được. Nếu là mình, thay vì trà sữa, mình sẽ chọn nước ép, hoặc uống cafe cũng được.
Mình thấy dân văn phòng là thành phần đóng góp lớn trong con số thống kê 8400 tỷ. Như công ty trước kia mình từng làm, thông thường, tuần đi làm 5 ngày thì 4 ngày mọi người uống trà sữa. Mà mỗi lần ấy, các anh chị lại rủ mình, nếu từ chối thì hơi ngại vì sợ khó hoà nhập với mọi người nên mình cũng bấm bình chọn loại trà hoa quả có trong menu tiệm để có chút healthy hơn."
"Một ly trà sữa uống mấy ngụm đã hết mà có giá 50.000Đ thì quá đắt. Nếu các bạn trẻ cứ tiêu xài thẳng tay như thế này thì lương mấy cũng chỉ dừng ở mức đủ sống mà thôi. Vung tiền như thế thì biết bao giờ mới tiết kiệm, có dư được. Chắc các bạn "cuồng'' trà sữa chưa gặp gánh nặng tài chính gia đình." - Chị Huyền Trang, 36 tuổi, kế toán trưởng tại Hà Nội.
Chị Thanh Thanh thú thật: "Sở thích uống trà sữa thường làm mình khốn đốn vào cuối tháng. Không chỉ ở văn phòng làm việc bị đồng nghiệp rủ rê, mà khi ra quán cà phê làm việc lần nào mình cũng gọi hẳn 2-3 ly. Phần vì ngồi lâu chỉ mua có 1 ly nước cũng ngại, phần vì ngồi một mình không có ai trò chuyện nên sẽ muốn ăn hay uống chút gì đó. Mỗi ngày tốn nhiều tiền cho thức uống này làm mình bị thâm hụt khoản tiền dành cho mua sắm quần áo, mỹ phẩm, các bữa ăn uống chất lượng cũng bị cắt dần đi..."
Nhưng theo quan điểm của Đạt (nhân viên văn phòng tại Hà Nội): "Mình không đồng ý và đôi khi khá khó chịu khi nghe ai đó nói rằng giới trẻ mới ra trường đi làm kiếm được chẳng bao nhiêu tiền mà lại "chi sang" cho trà sữa. Mình nghĩ đơn giản, dùng tiền để mang lại niềm vui cho bản thân, giải toả căng thẳng thì có gì là không tốt, hoặc vì mình quan tâm nhiều đến sức khoẻ tinh thần. Chuyện "đủ sống" là vì năng lực làm việc của mình không đủ đáp ứng nhu cầu sống của bản thân, hoặc cách phân bổ thu chi chưa phù hợp, đừng quy chụp uống trà sữa là hoang phí."
Đạt cho rằng chi tiền thường xuyên cho thức uống trà sữa không có gì là không tốt
Thương Thương (25 tuổi), nhân viên ngân hàng tại Hà Nội: "Nghe người Việt chi 8400 tỷ trong một năm cho tiền uống trà sữa, ban đầu mình hơi sốc. Nhưng sau khi tính lại, nếu chia đầu người thì cũng không phải số tiền quá lớn. Tuy nhiên, mình thấy con số này đang nói rằng một số người đang chi tiền cho một loại đồ uống không tốt cho sức khỏe hơi "quá đà". Khi uống trà sữa nhiều trong ngày mình thường bị mất ngủ. Nếu cầm trên tay số tiền 100.000Đ thay vì mua 1 ly trà sữa size lớn đầy ụ topping thì mình sẽ đi ăn ngon."
Như Mây, nhân viên ngành du lịch tại TP.HCM
Như Mây khi nghe con số 8.400 tỷ thì cho rằng đóng góp không nhỏ cho số tiền này là vì tâm lý "phong trào": "Bây giờ với Facebook, Tiktok, Instagram thì mọi thứ đều dễ gây sức ảnh hưởng. Có người thì uống trà sữa vì thật sự thích, nhưng cũng có người uống theo phong trào đám đông. Cứ quán nào "hot" thì đến, uống loại trà sữa nào thì sang chảnh cũng sẽ mua về uống rồi chụp hình. Hơn nữa những người làm nội dung về review ẩm thực, quán xá bây giờ vô cùng nhiều, mà họ ảnh hưởng đến hành vi của giới trẻ không ít."
Trong khi đó Hoàng Luân (sống tại TP.HCM) bày tỏ cá nhân bạn không hề quan tâm đến con số thống kê này:
"Con số thống kê này chỉ cho chúng ta biết nhu cầu và sở thích của người Việt đối với thức uống này thôi. Nếu mình muốn uống một loại thức uống mình thích thì cứ tự do lựa chọn, đóng góp cho doanh thu của doanh nghiệp nhiều hay ít thì sao?"
"Mình cảm thấy đừng nên quan tâm quá nhiều các vấn đề không ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân chúng ta, công việc và mối quan hệ xung quanh cũng đủ khiến chúng mình mệt mỏi rồi, cứ ăn uống thoải mái tuỳ ý một chút." - Thuỳ Trâm, nhân viên nội dung tại TP.HCM.
Hoàng Luân và Thuỳ Trâm cùng suy nghĩ rằng đừng nên để tâm quá nhiều vào con số thống kê trên, cứ chọn uống thứ mình thích là được.
Trà sữa trân châu là một "nhân vật tầm cỡ" trong môi trường văn phòng không phải mới đây. Và con số thống kê 8.400 tỷ mà người Việt chi cho nó chứng minh mặt tích cực không thể phủ nhận mà nó đáp ứng cho mọi người. Ví dụ như ngoài cảm giác giải toả căng thẳng, giúp tỉnh táo để làm việc thì còn là công cụ để gắn kết đồng nghiệp rất hữu hiệu.