Làm việc trong ngân hàng là niềm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ. Bởi họ cho rằng, đây là công việc có tính ổn định cao, lương thưởng hấp dẫn và cơ hội phát triển rộng mở sau này. Nhưng đương nhiên, điều kiện để vào làm việc tại các ngân hàng cũng không hề đơn giản. Nhân sự được yêu cầu phải có trình độ cao cũng như sự tỉ mỉ, năng động và được tuyển chọn một cách kỹ càng.
Đáng chú ý, nhiều người còn tỏ ra hoang mang khi thời gian trước từng xuất hiện thông tin một vài ngân hàng chỉ ưu tiên tuyển sinh viên các trường top, hay đặc cách vào vòng phỏng vấn với sinh viên một số trường (kèm với một số điều kiện ràng buộc khác).
Một ngân hàng có tiếng đặc cách sinh viên một số trường top vào vòng phỏng vấn
Trong thông báo tuyển dụng của một ngân hàng khác còn liệt kê một số trường đại học được coi là "tiêu chuẩn tuyển dụng"
Có hay không việc ưu tiên sinh viên trường top trong tuyển dụng tại các ngân hàng?
Mới đây, trong chương trình "Hội chợ việc làm - Cầu nối nhân lực 2023" do Học viện Ngân hàng tổ chức hôm 13/5, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số giám đốc tuyển dụng của các ngân hàng để làm sáng tỏ vấn đề này.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Tuyển dụng và Quản trị nhân sự, Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGbank) chia sẻ, trung bình một năm, PGbank sẽ tuyển dụng 300 - 400 nhân sự, bao gồm cả tuyển mới và thay thế. Trong đó, giao dịch viên, nhân viên tư vấn tài chính cá nhân và một số công việc hỗ trợ tại hội sở... là những vị trị mà ngân hàng tuyển các bạn sinh viên mới ra trường hoặc sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chưa có kinh nghiệm về ngân hàng, chiếm khoảng 20-30%.
Nổi bật trong số những nhân sự được tuyển mới đó, sẽ có những bạn sinh viên của các trường đại học lọt vào "mắt xanh" tuyển dụng của chị Hằng nói riêng và ngân hàng nói chung.
"Trong các trường đại học ở Hà Nội, mình đánh giá cao các bạn sinh viên tốt nghiệp từ các trường như: Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân... Bởi lẽ, các bạn sinh viên này có nền tảng tư duy tốt, chuyên môn thành thạo, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm tốt, khả năng học hỏi thêm bên ngoài và bắt nhịp xu hướng nhanh nhạy. Khi được nhận vào làm việc, các bạn sẽ có khả năng học hỏi và thích nghi với công việc rất nhanh", chị Hằng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Tuyển dụng và Quản trị nhân sự, Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGbank)
Tương tự, chị Đặng Thị Huyền - Giám đốc nhân sự của Ngân hàng Quân đội Việt Nam (MB) chia sẻ, MB đang hoạt động theo mô hình tập đoàn, hiện đang có 16.000 nhân sự làm việc trên toàn tập đoàn và nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng linh hoạt và được sử dụng chung trong ngân hàng. Mỗi năm, MB tuyển dụng khoảng 2.000 - 3.000 sinh viên. Những lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự nhiều nhất hiện nay tại MB có thể kể đến như: Quan hệ khách hàng, các nhóm việc mới trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ và dữ liệu.
Dù không nêu rõ cụ thể những sinh viên tốt nghiệp các trường được ưu tiên tuyển dụng, nhưng theo chia sẻ của chị Huyền, ngân hàng MB luôn lựa chọn các bạn sinh viên có kết quả cao trong học tập, năng nổ tham gia hoạt động ngoại khóa các trường đại học top đầu.
Chị Đặng Thị Huyền - Giám đốc nhân sự của Ngân hàng Quân đội Việt Nam (MB)
Ở một diễn biến khác, khi chia sẻ về những mặt hạn chế về nhân sự hiện nay, chị Hằng bày tỏ: "Lượng cung nhân lực khá nhiều nhưng số lượng nhân sự được đào tạo bài bản, có chuyên môn thì lại khá hiếm. Còn đối với các bạn sinh viên, các bạn có ưu điểm là độ thích nghi nhanh nhưng chưa có định hướng rõ ràng trong công việc. Ngoài ra, các bạn có hơi thiếu sự kiên nhẫn, chỉ cần gặp đôi chút khó khăn là lại giao động. Mình nghĩ nếu khắc phục được những điểm đấy là các bạn tương đối hoàn thiện".
Đồng quan điểm, chị Huyền chia sẻ: "Các bạn sinh viên hiện tại đang khá năng động và chủ động trong việc tìm hiểu các vị trí tuyển dụng. Nhưng khi đi làm, chúng tôi thường phải bồi dưỡng thêm cho các bạn khả năng vận dụng linh hoạt các kiến thức vào thực tiễn đã được học của các bạn. Đấy là điểm cần khắc phục. Chúng tôi đặt kỳ vọng khi hợp tác với các trường đại học để trang bị thêm những kiến thức đó cho các bạn sinh viên từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường".
Về cơ bản, sinh viên học trường danh tiếng sẽ có nhiều lợi thế, nhưng cũng vì thế mà các bạn phải đối diện với nhiều áp lực hơn. Việc học trường top không thể đánh giá được bạn là con người thế nào. Quan trọng hơn cả là trong quá trình học tập, bạn phải chủ động học hỏi, phát triển toàn diện bản thân. Đây mới là điều kiện tiên quyết để giúp bạn lọt vào "mắt xanh" của nhà tuyển dụng. Bởi lẽ, nếu bạn đã giỏi thì ở đâu bạn cũng có thể trở nên nổi bật được.