Nếu Hà Nội là nhà thì hồ Tây là tri kỉ: Tuổi trẻ vui buồn, ai cũng để lại bao nhiêu kỷ niệm của mình ở nơi này

Bài viết: Minh Đức, Ảnh: Quý Nguyễn, Thiết kế: Jordy, Theo Tổ Quốc 00:04 19/07/2020
Chia sẻ

Vui cũng ra hồ Tây, buồn cũng chạy xe quanh hồ Tây, chia tay khóc lóc cũng ngồi tức tưởi bên mấy bậc thềm sát mép hồ, lần đầu hẹn hò cũng trong một chiều oi ả nhưng hoàng hôn rực rỡ, đứng đó tần ngần nhìn hồ, nhìn trời rồi nhìn nhau. Hồ Tây, nói thật đi, bạn đừng bảo chưa từng có kỷ niệm gì chứ?

Hồ Tây với Hà Nội là một phần lịch sử.

Còn với người trẻ Hà Nội, là gì được?

Là một phần tuổi trẻ, một bầu trời, khoảng không gian đầy kỷ niệm. Ai ở Hà Nội mà không ra hồ Tây, đi qua thương nhớ nào chẳng trút bầu một chút tương tư quyến luyến xuống mặt hồ. Với người trẻ, hồ Tây như một "soulmate" có cảm xúc, để vui buồn giận hờn gì cũng san sẻ cho nhau.

Nếu Hà Nội là nhà thì hồ Tây là tri kỉ: Tuổi trẻ vui buồn, ai cũng để lại bao nhiêu kỷ niệm của mình ở nơi này - Ảnh 1.
Nếu Hà Nội là nhà thì hồ Tây là tri kỉ: Tuổi trẻ vui buồn, ai cũng để lại bao nhiêu kỷ niệm của mình ở nơi này - Ảnh 2.

Hồ Tây, hỏi thử bất cứ cô cậu nào ở Hà Nội, từ cấp ba đến ngoài 30 đi, thể nào cũng có cả một đống chuyện cho bạn nghe. Từ chuyện tình yêu…

“Khi em thích một ai đó, em sẽ đưa người ta đi trọn một vòng hồ Tây. Kiểu em sẽ không nói trước, nhưng nếu người ta thấy đi hết một vòng chắc là sẽ hiểu ngay ấy mà. Có những khoảng hồ Tây thường bị người ta bỏ quên, đi tắt, hoặc tiện đường rồi về nhà luôn. Chúng ta hay bỏ quên phố Từ Hoa hay khu bán đảo nhỏ gần đường Yên Phụ. Có những con đường ven hồ Tây vốn chẳng có gì đặc biệt nhưng lại luôn được dành cho người đặc biệt, vì nó sẽ khép lại một vòng tròn hoàn chỉnh. Em nghĩ như vậy giống như một mối tình đã trọn vẹn”.

Nếu Hà Nội là nhà thì hồ Tây là tri kỉ: Tuổi trẻ vui buồn, ai cũng để lại bao nhiêu kỷ niệm của mình ở nơi này - Ảnh 3.

Hồ Tây là vậy, chiều nghiêng nắng những mối tình nghiêng vai; vì anh kia lỡ ngoái lại nhìn xem chị kia đang cười khúc khích, vì em gái ôm bạn trai thật chặt, nghiêng đầu tựa lên vai mơ màng. Người ta yêu thành phố vì một cái hồ, thực ra là vì cái hồ đó có quá nhiều kỷ niệm, từ những buổi sớm bình minh tới những chiều bảng lảng nắng êm. Thích nhất là những ngày cuối thu, đầu đông. Cái lạnh chớm gió heo may ấy không làm người ta co ro vì lạnh nhưng cũng khiến họ có cớ để ôm nhau chặt hơn, để luồn vào áo khoác của người đằng trước, để thỉnh thoảng lại nói “lạnh thì ngồi xích lại gần anh cho ấm”. Ôi một câu nói đơn giản như vậy cũng phải chờ đến mùa, dốc hết can đảm ra mới nói được chứ đâu phải dễ gì đâu.

Có quá nhiều cử chỉ tình tứ để lại bên hồ Tây, có khi ngọt ngào như của tụi nhỏ mới bắt đầu biết nắm tay, có khi dịu dàng êm đềm. Có khi cùng dựa vào lan can, cả hai nhìn về phía mặt hồ, bỏ lại dòng xe vẫn đang ồn ã phía sau. Đôi lúc họ chỉ ngồi bên nhau, vô tình khẽ dựa vào vai một cái. Thỉnh thoảng tôi thấy cả những cặp đôi đã bước qua U40 tấp xe ô tô vào lề đường rồi lôi ra đủ thứ, nào là ghế picnic, loa, đồ ăn vặt. Họ ngồi nhìn ngắm hồ Tây trong tiếng nhạc trữ tình, một bài hát rất Hà Nội. Chiều đến, nếu có đi gần tới phủ Tây Hồ, thử dừng lại bãi cỏ bên đường Quảng Khánh, chắc chắn bạn sẽ thấy như thế nào là “love in the air”. Nhìn cậu trai đang cố chụp ảnh cho cô gái thơ thơ của mình kìa, ánh mắt ấy có tình quá không? Lấp sau ống lens rồi mà vẫn thấy chất chứa bao nhiêu cảm xúc, “rồi có bao nhiêu bộ ảnh hồ Tây cũng là dành cho cậu, bao giờ cậu là của tớ?”. Đằng kia nữa, họ nói chuyện với chú chó mà cũng thấy trìu mến, thỉnh thoảng quay sang nhìn nhau khi hai bàn tay khẽ chạm trên lưng chú Corgi nhỏ.

Nếu Hà Nội là nhà thì hồ Tây là tri kỉ: Tuổi trẻ vui buồn, ai cũng để lại bao nhiêu kỷ niệm của mình ở nơi này - Ảnh 4.

“Ngày cô ấy đi du học, xa khỏi Hà Nội, em đã dậy thật sớm và đèo cô ấy đi ngắm bình minh hồ Tây. Bọn em chẳng nói với nhau câu nào, mọi thứ cứ tuần tự như thói quen suốt 2 năm qua. Chỉ là hôm nay, em mua tặng cô ấy một bó hoa lúc vòng qua đường Thanh Niên.

Chúng em có thể sẽ quên nhau, nếu thời gian xa cách là vài năm. Nhưng kỷ niệm bên hồ Tây, dù sau này cô ấy có trở lại hay không, có còn yêu em hay không cũng chẳng thể quên được. Em chắc chắn!”

Nếu Hà Nội là nhà thì hồ Tây là tri kỉ: Tuổi trẻ vui buồn, ai cũng để lại bao nhiêu kỷ niệm của mình ở nơi này - Ảnh 5.

Nhưng nói rồi, người ta đâu chỉ đi hồ Tây lúc vui và hạnh phúc. Đám trẻ ở Hà Nội kỳ ghê, vui có một chỗ mà buồn cũng chỉ có một chỗ. Hồ Tây phải chia vui những lúc hạnh phúc nhưng cũng phải dỗ dành cả lúc buồn. Âu cũng là điều dễ hiểu, ai bảo bầu trời lúc hoàng hôn cứ vàng vọt, đứng trước mênh mông dòng nước người ta thấy lòng buồn tênh.

Nếu Hà Nội là nhà thì hồ Tây là tri kỉ: Tuổi trẻ vui buồn, ai cũng để lại bao nhiêu kỷ niệm của mình ở nơi này - Ảnh 6.

Lần đó biết tin trượt học bổng, con nhỏ bạn thân kêu tôi dẫn đến chỗ nào đó yên tĩnh. Đắn đo một lúc, hai đứa lại đèo nhau lên hồ Tây dù nhà cách hồ Tây đến 14 cây số. Lên đến nơi cũng là lúc trời chiều chuyển sắc. Hai đứa cứ ngồi lặng thinh, chẳng ai nói với nhau câu gì. Tôi nhìn sang thấy người con nhỏ rung lên bần bật, thương lắm mà chẳng biết làm gì. Chỉ khẽ thở dài, mong trời nổi một cơn gió mát làm mềm má bạn tôi, để nước mắt rơi nhanh rồi cũng lại ráo hoảnh. Những lúc như vậy, trách hồ Tây buồn hay vì người buồn mà nhìn cảnh vật cũng thấy quạnh quẽ?

Nhưng rồi cũng lại là nhỏ đó, vào một buổi chiều cuối năm - đúng 30 Tết, rủ tôi lên hồ Tây để “ngắm hoàng hôn lần cuối” trước khi nó sẽ đi du học sau Tết. Lần này không có nước mắt, không có hoàng hôn mùa hè đỏ ối. Chúng tôi có bia, có tiếng nhạc xập xình, nhưng sao cũng thấy buồn quá?

Nếu Hà Nội là nhà thì hồ Tây là tri kỉ: Tuổi trẻ vui buồn, ai cũng để lại bao nhiêu kỷ niệm của mình ở nơi này - Ảnh 7.

Hồ Tây trong cuộc đời chúng ta thường gắn với một người nào đó - người yêu cũ, người bạn thân thiết, một người bạn từ xa chẳng thân nhưng lỡ yêu hồ Tây và lúc nào cũng nằng nặc đòi chở đi mỗi khi tới Hà Nội. Rồi một trong số họ đi xa, hồ Tây cũng chỉ còn “một nửa”, như thơ Hàn Mặc Tử trầm ngâm: “Người đi một nửa hồn tôi mất…” Hồn tôi mất một nửa, nửa còn lại hồ Tây chịu, vậy là ra được nỗi buồn trọn vẹn.

Chạy xe quanh hồ Tây mỗi chiều hay buổi tối sẽ thấy nhiều bạn lái xe một mình. Có những người chạy mải miết, hết vòng cũng chẳng dừng lại, có những người lái xe từ từ, đôi mắt thỉnh thoảng ngoái về phía hồ - một ánh mắt xa xăm chứa đựng bao nhiêu điều chưa nói. Họ đều có tâm trạng cả. Buồn tình, buồn vì bố mẹ mắng, buồn vì kết quả học tập không được như ý muốn, buồn vì thấy cuộc đời vô vị không có tương lai cũng ra hồ Tây. Ở giữa những trống rỗng và chênh vênh của tuổi trẻ, họ không biết gửi gắm nỗi niềm cho ai.

Đành kể câu chuyện buồn bã cho một cái hồ.

Nếu Hà Nội là nhà thì hồ Tây là tri kỉ: Tuổi trẻ vui buồn, ai cũng để lại bao nhiêu kỷ niệm của mình ở nơi này - Ảnh 8.

Mùa hè hồ Tây vút lên cao những thanh âm cuộc sống. “Mọi con đường đều dẫn tới hồ Tây” - thật vậy, có góc nào của hồ Tây mà không có bóng người? Hồ Tây đâu phải lúc nào cũng san sẻ niềm vui và tiếng cười nói của mấy cô cậu học sinh đạp xe đùa vui trên đường về, hay nỗi buồn của những kẻ thất tình chọn nơi đây để nói lời chia tay. Có cả những tâm tư không biết là buồn hay vui, có cả những ngày thấy lòng nhẹ bẫng, chỉ muốn thấy thứ gì đó mênh mông như dòng sông cảm xúc. Có lúc thấy giận dữ, nhớ mong, tức giận… người ta cũng chọn hồ Tây.

Nếu Hà Nội là nhà thì hồ Tây là tri kỉ: Tuổi trẻ vui buồn, ai cũng để lại bao nhiêu kỷ niệm của mình ở nơi này - Ảnh 9.

Với nhiều người, hồ Tây đã trở thành một phần của cuộc sống muôn màu, một thói quen có từ rất lâu mà không bao giờ cũ kĩ. Bao nhiêu tấm ảnh ra đời bên hồ Tây rồi, liệu bạn còn đếm được? Bao nhiêu vòng xe đã đi qua hồ Tây, rất lâu rồi người ta cũng quên đếm. Những lần chạy bộ, những lần đạp xe, những buổi picnic hay ngồi làm vài lon bia… ngần ấy kỷ niệm chắc cũng không ai ghi chép hết trong cuộc đời. Hồ Tây như một chốn để đi về, một phần gần gũi của Hà Nội. Tôi không biết tại sao người ta cứ chọn những tòa nhà cao tầng làm mốc không gian để biết rằng mình đã về tới thành phố, về tới “nhà”. Nếu Hà Nội là nhà, chắc chắn tôi phải dạo qua hồ Tây trước, phải thăm người tri kỷ cũ rồi mới dám nói rằng cái chạm tay của tôi với Hà Nội đã trọn vẹn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày