Nghẹt mũi là tình trạng mũi bị tắc nghẽn gây khó thở và buộc người bệnh phải thở bằng miệng. Nếu chỉ nhìn qua thì dường như hiện tượng này không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nghẹt mũi đôi lúc lại ngầm nhắc nhở sức khỏe của bạn đang có vấn đề. Dưới đây là những vấn đề sức khỏe gây ra tình trạng nghẹt mũi kéo dài mà chúng ta không nên bỏ qua.
Nghẹt mũi là một trong những biểu hiện phổ biến của chứng dị ứng. Có rất nhiều tác nhân dẫn đến chứng bệnh này bao gồm bụi bẩn, lông thú cưng, nấm mốc, vi trùng, vi khuẩn, phấn hoa… trôi nổi trong không khí hoặc bám vào các vật dụng xung quanh bạn mà mắt thường khó nhìn thấy được. Khi bạn bị dị ứng, mũi sẽ sinh ra phản xạ tự nhiên là ngứa ngáy, hắt hơi và tiết dịch nhầy. Dịch nhầy này chính là nguyên nhân khiến bạn bị nghẹt mũi kéo dài.
Vào mùa hè, khi nằm ngủ trong phòng có nhiệt độ điều hòa quá thấp, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ cao mắc chứng cảm lạnh. Cảm lạnh thường đi kèm với các dấu hiệu như đau đầu, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi… Mặc dù không phải là một chứng bệnh quá nguy hiểm nhưng nghẹt mũi do cảm lạnh ít nhiều cũng sẽ gây khó chịu và bất tiện trong quá trình sinh hoạt cũng như nghỉ ngơi hằng ngày của bạn. Do vậy, bạn hãy cố gắng chỉ sử dụng điều hòa khi cần thiết và điều chỉnh nhiệt độ hợp lý vào khoảng 24 - 25 độ C.
Nghẹt mũi có thể là hệ quả của bệnh viêm xoang mãn tính hoặc cấp tính. Viêm xoang là hiện tượng viêm hoặc nhiễm trùng các xoang cánh mũi. Các tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn, virus và một số chất dễ gây dị ứng đối với những người có phần mũi nhạy cảm. Khi bạn bị viêm xoang, các vùng xoang bị tổn thương sẽ tiết các dịch nhầy gây tắc nghẽn lỗ mũi, cản trở hoạt động hít vào thở ra hằng ngày của chúng ta.
Nghẹt mũi kéo dài đôi khi là dấu hiệu của bệnh Polyp mũi. Polyp mũi thực chất là hiện tượng trong khoang mũi mọc ra một hay nhiều cục thịt thừa. Sở dĩ chứng bệnh này gây ngạt mũi là vì các cục thịt mọc không đúng chỗ thường dẫn tới tình trạng máu lưu thông kém trong các mạch máu mũi, từ đó khiến các mao mạch máu bị sưng lên khiến việc thở bằng mũi trở nên khó khăn. Trong trường hợp này, người bệnh buộc bạn phải thở bằng miệng và đây cũng là lý do nhiều người ngáy khi ngủ.
Nghe có vẻ không liên quan lắm nhưng sự thực là nhiều khi, chứng nghẹt mũi là hệ quả của stress kéo dài. Căng thẳng kéo dài có thể gây ra những thay đổi về nồng độ hormone trong cơ thể, gián tiếp khiến các mạch máu trong mũi phình to hơn, chèn ép mũi và gây khó thở. Do đó, nếu không muốn bị chứng nghẹt mũi khó chịu ghé thăm, bạn hãy học cách kiểm soát stress bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý hơn.
Nguồn: Health