Nam sinh thi ĐH chỉ được 15 điểm, hiệu trưởng đọc bài thi vội phá tiền lệ, mời anh nhập học: "Đây là thiên tài của đất nước!"

Nguyệt, Theo Phụ nữ mới 11:26 15/06/2024

Sự thật lịch sử chứng minh, quyết định "phá lệ" cho cậu học trò này thi đậu đại học của vị hiệu trưởng năm nào hoàn toàn chính xác.

Chàng trai khiến ngôi trường top 1 Trung Quốc phá tiền lệ chưa từng có

Tiền Chung Thư (21/11/1910) sinh ra trong một gia đình trí thức ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ông bà, cha mẹ của Tiền Chung Thư đều có nền tảng học vấn tốt, đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp và nổi tiếng ở địa phương. Là con trai cả của gia đình nên ngay từ khi còn nhỏ Tiền Chung Thư đã nhận được nhiều kỳ vọng từ người thân, được định hướng giáo dục bài bản và nghiêm khắc.

Về phía Tiền Chung Thư, từ thuở ấu thơ, Tiền Chung Thư đã bộc lộ niềm đam mê học tập, thường xuyên nài nỉ cha mẹ kể cho nghe về những câu chuyện cổ của Trung Quốc. Khi đến tuổi đi học, kiến thức và năng lực học tập của Tiền Chung Thư nhanh chóng vượt xa bạn bè đồng trang lứa.

Lên cấp 3, năng lực học tập của Tiền Chung Thư vẫn xuất chúng nhưng giáo viên đã phát hiện điểm bất thường nơi cậu học trò này. Đó là tuy Tiền Chung Thư rất thông minh nhưng lại học lệch. Nam sinh này thường xuyên đạt điểm tối đa môn Ngữ văn và tiếng Anh nhưng lại học kém môn Toán. Ngay cả những bài Toán đơn giản nhất, Tiền Chung Thư vẫn làm sai. Nếu cứ duy trì việc học lệch, dù Tiền Chung Thư có học hành giỏi giang đến mấy thì cũng khó đậu đại học. Rất nhiều giáo viên đã khuyên Tiền Chung Thư nỗ lực học thêm môn Toán, nhưng Tiền Chung Thư thể hiện sự không hứng thú với môn học này.

Sau này khi tham gia vào kỳ thi tuyển sinh của Đại học Thanh Hoa (Đại học thuộc top 1 Trung Quốc thời điểm bấy giờ và cả hiện tại), trong giờ thi môn Toán, Tiền Chung Thư còn ngủ quên trong giờ thi. Kết quả, Tiền Chung Thư chỉ đạt 15 điểm môn Toán (điểm tối đa là 150 điểm).

Nam sinh thi ĐH chỉ được 15 điểm, hiệu trưởng đọc bài thi vội phá tiền lệ, mời anh nhập học: Đây là thiên tài của đất nước! - Ảnh 1.

Tiền Chung Thư khi còn trẻ

Khi kết quả môn Toán của Tiền Chung Thư bị tiết lộ, ai nấy đều khẳng định cậu học trò chắc chắn trượt ngôi trường này, bất chấp việc Tiền Chung Thư đạt điểm tuyệt đối ở bài thi Ngữ văn và tiếng Anh. Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, không lâu sau Tiền Chung Thư nhận được thông báo nhập học từ Đại học Thanh Hoa.

Điều gì từ cậu học trò đã khiến ngôi trường đình đám này "quay xe" bất ngờ đến vậy?

Trên thực tế, việc Tiền Chung Thư được nhận vào Đại học Thanh Hoa đã gây ra nhiều tranh cãi với hội đồng chấm thi của trường thời bấy giờ. Bởi lẽ khi điểm thi môn tiếng Anh và Ngữ văn của Tiền Chung Thư được công bố, nhiều người đều cho rằng năm nay lại có 1 thiên tài khác gia nhập ngôi trường top 1. Thế nhưng, khi điểm Toán của Tiền Chung Thư được tiết lộ, nhiều giáo viên ngỡ ngàng vì nam sinh chỉ đạt 15 điểm. Nhiều người còn nhầm tưởng công tác chấm thi môn Toán có nhầm lẫn nên đã đề nghị chấm lại bài thi Toán của Tiền Chung Thư. Tuy nhiên, kết quả là điểm Toán của Tiền Chung Thư vẫn được giữ nguyên.

Trước kết quả thi cử của Tiền Chung Thư, hội đồng chấm thi chia làm 2 phe. Một bên cho rằng Tiền Chung Thư là nhân tài và nên được nhận vào trường bồi dưỡng thêm. Một bên khác lại nhận định điểm Toán của cậu học trò quá thấp nên theo quy định của trường, Tiền Chung Thư sẽ bị đánh trượt.

Cuối cùng, cuộc tranh luận đến tai thầy hiệu trưởng trường Đại học Thanh Hoa và thu hút sự chú ý từ ông. Khi bài thi của Tiền Chung Thư được truyền đến tay Hiệu trưởng, ông nhận thấy cậu học trò này có nền tảng văn học sâu sắc, hiểu biết độc đáo về văn hoá truyền thống của Trung Quốc. Ông khẳng định Tiền Chung Thư là thiên tài hiếm có - phát hiện này khiến vị Hiệu trưởng vô cùng phấn khích, đến mức nhanh chóng "phá thông lệ" nhận cậu học trò vào trường.

Vị Hiệu trưởng còn chia sẻ với hội đồng chấm thi: "Tôi khuyên mọi người hãy vui lên. Sự phát triển của đất nước này đòi hỏi nhiều loại tài năng khác nhau và tiêu chuẩn tuyển sinh của chúng ta không nên giữ nguyên quy tắc bảo thủ và cố định". Cứ như thế, Tiền Chung Thư đã trở thành tân sinh viên của Đại học Thanh Hoa.

Nam sinh thi ĐH chỉ được 15 điểm, hiệu trưởng đọc bài thi vội phá tiền lệ, mời anh nhập học: Đây là thiên tài của đất nước! - Ảnh 2.

Tiền Chung Thư (bên trái) được nhận vào trường sau khi bài thi của anh được truyền đến tay Hiệu trưởng

Cuộc đời của thiên tài

Sự thật sau đó chứng minh tầm nhìn của vị Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa, bởi sau nhiều năm, Tiền Chung Thư trở thành nhà văn lẫy lừng của Trung Quốc.

Sau khi được nhận vào Thanh Hoa, Tiền Chung Thư nhanh chóng bộc lộ tài năng phi thường của mình. Khi còn là sinh viên năm nhất, Tiền Chung Thư đã được chọn vào tổ văn học của trường và tham gia dịch các tác phẩm văn học phương Tây. Trong quá trình tham gia dịch thuật, trình độ văn chương của Tiền Chung Thư được tất cả giáo viên công nhận và khẳng định.

Tại Đại học Thanh Hoa, Tiền Chung Thư nhận được sự đánh giá cao của nhiều học giả có tên tuổi nhưng Tiền Chung Thư sống rất khép kín và từng bị cho là kiêu ngạo. Trong quãng thời gian ở tại trường đại học, Tiền Chung Thư đã hình thành cho mình một thói quen thu thập những câu văn hay và ghi chú lại những điều quan trọng trong quá trình đọc. Cũng tại đây, Tiền Chung Thư gặp được người vợ Dương Quý Khương - một nhà viết kịch và dịch giả thành công trong tương lai. Sau này, chuyện tình đẹp và cuộc hôn nhân viên mãn của Tiền Chung Thư và vợ nhận được sự ca ngợi và ngưỡng mộ.

Nam sinh thi ĐH chỉ được 15 điểm, hiệu trưởng đọc bài thi vội phá tiền lệ, mời anh nhập học: Đây là thiên tài của đất nước! - Ảnh 3.

Chuyện tình của Tiền Chung Thư và vợ nhận được nhiều ngưỡng mộ

Trong suốt sự nghiệp văn chương của mình, Tiền Chung Thư để lại nhiều tác phẩm văn chương khẳng định tên tuổi, được đánh giá cao trong giới học thuật và tầng lớp bình dân. Tiền Chung Thư từng đảm nhiệm quyền Giám đốc của Học viên Khoa học xã hội Trung Quốc, đồng thời làm công tác nghiên cứu và diễn thuyết tại nhiều trường Đại học lớn ở Trung Quốc, Ý, Mỹ, Nhật Bản,... Năm 1998, Tiền Chung Thư trút hơi thở cuối cùng ở thành phố Bắc Kinh, để lại nhiều tiếc nuối với giới yêu thích văn chương Trung Quốc.

Nguồn: Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày