Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt!

JC, Theo Helino 17:43 11/02/2019
Chia sẻ

Thay vì nâng tầm nền điện ảnh nước nhà bằng những tác phẩm chất lượng, các NSX phim Việt lại đang tập trung sa đà vào những câu chuyện "drama" hậu trường “đấu tố” để kích thích sự tò mò của khán giả, kéo họ ra rạp xem “rác phẩm”.

Mới những ngày đầu xuân, điện ảnh Việt đã chứng kiến cuộc chiến không mấy đẹp đẽ giữa hai bộ phim Cua Lại Vợ BầuTrạng Quỳnh. Vốn dĩ chuyện scandal của nghệ sĩ ở showbiz Việt chẳng có gì mới, nhưng chuyện cạnh tranh ở quy mô lớn hơn liên quan đến các ekip truyền thông phim, đội thủy quân đông đảo không rõ lai lịch và xấu xí vào dịp đầu năm như thế này, thì đây là lần đầu tiên công chúng chứng kiến.

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 1.

Chuyện một diễn viên cùng xuất hiện trên màn ảnh rộng ở hai bộ phim với tuyến nhân vật quan trọng trong phim như trường hợp của Trấn Thành Cua Lại Vợ Bầu và Trạng Quỳnh là vô tiền khoáng hậu.

Từ đầu xuân Kỷ Hợi, một thuật ngữ mơ hồ nhưng xấu xí với phần đông khán giả Việt như thủy quân (nhóm người chuyên đi công kích có chủ đích và được trả tiền trên mạng xã hội) cũng phổ biến hơn. Tự khi nào, thay vì cống hiến cho khán giả một bộ phim chất lượng, NSX lại tập trung quyết dùng diễn viên làm lá bài truyền thông để "drama" hoá những câu chuyện hậu trường, biến mạng xã hội thành một sân khấu khác của chiêu trò, hòng lôi kéo khán giả ra rạp.

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 2.

Không phải phim Việt nào cũng may mắn có một kịch bản "chỉn chu", vậy bên kịch bản "drama" truyền thông thường phải xuất sắc để gánh cho doanh thu bộ phim.

Đầu tư phim kiểu "đi tắt" chưa chắc đã bền!

Có một sự thật nghe có vẻ nghịch lí là các NSX phim Việt thường xuyên "chê" Việt Nam thiếu nguồn biên kịch giỏi, diễn viên ca thán không có kịch bản hay, chẳng có môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đổ lỗi hoàn cảnh đã đành, một vài nhà làm phim còn chỉ trích cả thói quen xem phim của khán giả, rồi kêu gọi "người Việt cần phải xem phim Việt", phải "giải cứu phim Việt". Liệu đã bao giờ các NSX tự hỏi vì sao đã là năm 2019 rồi, vẫn còn nhiều công chúng có thành kiến với phim Việt hay không?

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 3.

Phần đông khán giả nghe cụm "phim Việt" vẫn chưa thôi hãi hùng chứ đừng nói tới bỏ định kiến.

Có lẽ đối với không ít những người làm phim, thay vì thốt ra hai tiếng: "Tôi sai" thì việc nói ra hai chữ: "Lỗi tại…" vẫn dễ dàng hơn. Công chúng thì vẫn luôn tự hỏi tại sao ngoài miệng luôn ca thán rằng thiếu kịch bản hay, diễn viên không đủ giỏi để diễn tầm cỡ "method acting" nhưng kịch bản truyền thông và "drama" bên lề lại đa dạng phong phú đến mức ai cũng "trầm trồ". Liệu có đáng để đánh đổi hay không nếu dùng nhiêu đó thời gian và công sức, đầu tư mạnh tay vào chất lượng kịch bản, bỏ thời gian casting diễn viên kĩ càng, cùng họ bỏ thời gian ra để đầu tư cho bộ phim và cho nhân vật thay vì "chạy seeding" khuấy đảo mạng xã hội.

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 4.

Ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại không thiếu những bộ phim được làm theo quy trình chỉn chu như vậy, chỉ tiếc là số lượng tác phẩm dùng truyền thông và "drama" nhiều hơn số đó gấp vô số lần mà thôi.

Đầu tư giá "rẻ" lại mong thu lợi "khủng", người ta gọi đấy là lừa đảo!

Nghệ thuật là thứ rất khó định giá, nhưng riêng ở mảng phim ảnh thương mại thì mọi thứ đều có thể quy ra tiền. Việt Nam không phải là một nền điện ảnh đủ mạnh để các NSX mạnh dạn đầu tư con số trăm triệu đô để làm một bộ phim, nhưng thường các NSX lại thích hình dung ra bức tranh "làm phim giá rẻ thu lợi nhuận trăm tỷ". Thế nên hằng năm, có hàng chục bộ phim thị trường với thể loại rom-com (tình cảm – hài) được công chiếu, với hi vọng sớm được gia nhập Câu Lạc Bộ "trăm tỷ", thu lợi khổng lồ cho NSX bằng một tác phẩm nửa vời.

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 5.

Trạng Quỳnh có một ý tưởng hay, nhưng việc thiếu nhạy cảm với thời cuộc của người làm biên kịch và kệch cỡm khai thác lịch sử đã tạo nên tranh cãi lớn trong cộng đồng mọt phim.

Đời chẳng ai dám đánh thuế cho ước mơ, nhưng rõ ràng chuyện "moi tiền" của công chúng bây giờ là không dễ, thế nên đã một năm trôi qua kể từ Siêu Sao Siêu Ngố, chưa bộ phim Việt nào ghi thêm tên mình vào hàng ngũ đại gia trăm tỷ cho đến ngày 11/2, NSX Cua Lại Vợ Bầu công bố, bộ phim chính thức vượt mặt Siêu Sao Siêu Ngố, ghi tên mình vào CLB "đại gia trăm tỷ" của làng phim việt. Nói vậy mới thấy khán giả bây giờ, không phải cứ thấy cái gì "rẻ" là sẽ mua.

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 6.

Chỉn chu như Tháng Năm Rực Rỡ - bộ phim vừa đoạt giải WeChoice Award 2018 ở hạng mục phim điện ảnh cũng không thể ghi tên mình vào CLB "đại gia trăm tỷ" của làng phim Việt.

Còn nhớ vào năm 2016, làng phim Việt bất ngờ đối diện với một scandal mà theo "đả nữ" Ngô Thanh Vân không khác gì trên trời rơi xuống khi một đơn vị đang sở hữu cụm rạp lớn nhất tại Việt Nam từ chối công chiếu Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể. Một chiến dịch PR, marketing bài bản sau đó được lên kế hoạch vô cùng chỉn chu, từ việc công chúng "ném đá" đơn vị phát hành cho đến "Người Việt ủng hộ phim Việt". Ai nấy cũng từng cho rằng Tấm Cám là một tác phẩm thuần Việt, cần được ủng hộ cho đến khi họ ra rạp mới "ngã ngửa" bởi chất lượng của bộ phim không như lời quảng cáo.

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 7.

Không được chiếu ở cụm rạp lớn nhất Việt Nam, Ngô Thanh Vân đã khuấy động phong trào "ủng hộ phim Việt", tạo nên làn sóng kéo nhau ra rạp ủng hộ mạnh mẽ, cho đến khi xem bộ phim khán giả ai nấy đều "ngã ngửa" bởi chất lượng trung bình của Tấm Cám.

Khi chất lượng bộ phim đi vào bế tắc, thứ NSX đánh vào sẽ là truyền thông, mà cụ thể là đánh vào ngách hẹp với công thức: "Phim A chính thức xô đổ kỉ lục phòng vé của Phim B". Bản tính công chúng thì tò mò, thấy đâu "náo nhiệt" thì xúm tụm lại mà xem, vậy nên chiêu tung doanh thu phim này từng khá hữu dụng, khiến cho không ít khán giả dính "cú lừa" ngọt ngào mà chẳng biết phân bua cùng ai. Mà bạn thấy đấy, chẳng ai đánh thuế cho việc "bơm vá" cả, cách PR này vừa rẻ lại vừa thuyết phục, vậy nên cũng có vài bộ phim ăn may nhờ công thức "kinh tế" này mà móc ví công chúng trót lọt.

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 8.

Công bố doanh thu "khủng" cũng là một cách kéo khán giả ra rạp khi đánh vào hiệu ứng tò mò đám đông của người Việt.

Thời đại cách mạng 4.0 thì "drama" cũng tân tiến hơn!

Ngoài việc bắt sóng trào lưu remake đang làm mưa làm gió trên toàn Châu Á, điện ảnh Việt ở dòng phim thương mại vẫn loay hoay tìm kiếm đề tài, vắt cạn chất xám để cho ra đời những tác phẩm tình cảm hài rũ rích và nhàm chán, thỉnh thoảng mới có những tác phẩm đổi vị chất lượng hiếm có khó tìm. Tuy nhiên, đầu tư cho nội dung bộ phim thì lỗi thời là vậy, nhưng cập nhật những phương án truyền thông "đen" ở nước bạn thì rất mau – "thuỷ quân" là một ví dụ.

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 9.

Cả hai đại diện của Cua Lại Vợ Bầu, Trạng Quỳnh là Thanh Thuý và Trấn Thành đều đăng đàn công khai chỉ trích nạn "thuỷ quân".

Bên cạnh thói quen truyền miệng nhau như trước đây, với người xem phim kĩ tính thời nay còn thường xuyên lên mạng đọc review, đánh giá phim trên website đặt vé của nhà phát hành, bình luận trên mạng xã hội Facebook và các trang chuyên biệt về phim. Chính nhờ vậy mà những bộ phim "kèn cựa" nhau như Trạng Quỳnh hay Cua Lại Vợ Bầu ở mùa phim Tết 2019 vừa rồi, khán giả mới được chứng kiến một phen "drama dài tập" của hai ekip.

Làm phim, chứ đừng làm trò!

Như vậy thay vì tập trung cho chất lượng nội dung của bộ phim, mang đến cho người xem một trải nghiệm tệ hại khi đang ở rạp, hành vi như vậy không khác gì đầu độc khán giả từ từ. Nếu ai cũng áp dụng công thức: "phim dở + truyền thông mạnh = doanh thu khủng" thì chẳng bao lâu nữa, khán giả sẽ thực sự quay lưng lại như chính cách mà dòng phim mỳ ăn liền từng lên đỉnh cao và thoái trào vào giữa thập niên 1990.

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 10.

Cái chết của dòng phim mỳ ăn liền cách đây 2 thập kỉ chính là lời cảnh tỉnh cho các NSX nếu không muốn phim ngoại "nuốt chửng" phim Việt trong thời gian sắp tới

Làm ơn sản xuất phim chất lượng trước đã!

Năm 2019 rồi, đừng dùng drama như công thức kiếm lời cho phim Việt! - Ảnh 11.

Chưa kể với những dịch vụ xem phim trực tuyến như Netflix đang ngày một lớn mạnh, nếu không thay đổi tư duy "ăn xổi" như hiện tại, không sớm thì muộn các nhà làm phim "ăn liền" sẽ sớm bị thị trường "ăn lại" mà thôi.

Với sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh thế giới, các cụm rạp được gia tăng nhanh như hiện tại đòi hỏi các nhà làm phim Việt phải nhanh chóng cải thiện chất lượng sản phẩm nếu không muốn miếng bánh thị phần bị các cơn lũ bom tấn siêu anh hùng nước ngoài nuốt chửng. Nếu không, khi chạm ngưỡng vỡ lòng tin, đừng mong nơi khán giả tấm lòng sắc son bất chấp mọi điều mà vẫn ủng hộ phim Việt trước những scandal như vụ Kiều Minh Tuấn - Cát Phượng - An Nguy, hay gần đây nhất là Cua Lại Vợ Bầu - Trạng Quỳnh vừa qua. Nếu cứ "bổn cũ soạn lại", việc điện ảnh Việt Nam thua thiệt trước những bộ phim bom tấn thế giới ngay chính sân nhà của mình là điều hiển nhiên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày