Những ngày cuối tháng Tư, khi tiếng ve bắt đầu râm ran báo hiệu mùa thi đang đến gần, là lúc hàng ngàn học sinh lớp 9 cùng gia đình họ bước vào giai đoạn căng thẳng nhất trong năm học.
Mới đây, trong một hội nhóm có hơn 300.000 nghìn thành viên, một phụ huynh tại Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện tại gia đình mình khiến các phụ huynh khác không khỏi đồng cảm.
Cụ thể, phụ huynh này cho biết, con mình đang bị căng thẳng tâm lý quá mức. Con vốn có học lực khá, bố mẹ không tạo áp lực, chỉ cần con đỗ trường top 2 là được nhưng con tự đặt mục tiêu phải đỗ trường top đầu. Gần đây, con hay mất ngủ vì sợ thi trượt.
"Thấy con vậy, em cũng bảo không sao, thi đâu con thích là được. Trượt trường công thì ta học trường tư. Nhưng con lại khóc, chỉ muốn học trường top thôi. Giải thích nhiều lần nhưng con vẫn bảo vệ ý kiến phải đỗ trường top đầu", phụ huynh này chia sẻ thêm.
Con của chị tự tạo áp lực cho mình đến mức mai thi học kỳ nhưng hôm nay vẫn ngồi học đến 12h đêm, mọi lần là học tới 3h sáng. Khi mẹ khuyên đi ngủ thì con nói nếu không ôn thì mai không thi được.
Nhìn con như vậy, phụ huynh này không giấu được nỗi lo và chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội, mong các phụ huynh có thể đưa ra lời khuyên hữu ích.
Chia sẻ của phụ huynh
Theo chia sẻ mới nhất của phụ huynh này, hiện em học sinh đã chịu nghe lời bố mẹ, hạ nguyện vọng xuống. Tâm lý và tinh thần vì vậy cũng thoải mái hơn, tuy nhiên con vẫn học khuya vì muốn được đỗ điểm cao.
Thực chất, không ít em khi bước vào các kỳ thi quan trọng cũng có tâm lý giống như con của phụ huynh này. Những học sinh như vậy được gọi là "chịu áp lực ngược chiều" – tức là không chỉ bị áp lực từ cha mẹ hoặc thầy cô, mà còn từ chính nội tâm mong cầu thành tích.
Các em thường có xu hướng cầu toàn, sợ thất bại, sợ làm người khác thất vọng. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, áp lực đó sẽ phát triển thành căng thẳng, lo âu, hoặc thậm chí trầm cảm học đường.
Trong bối cảnh hiện nay, mỗi kỳ thi không chỉ là một cột mốc học tập, mà còn là thử thách tâm lý lớn đối với cả học sinh và phụ huynh. Để giúp con vượt qua giai đoạn này một cách lành mạnh và hiệu quả, các chuyên gia giáo dục và tâm lý học đường đưa ra một số lời khuyên thiết thực như sau:
Giá trị của con không nằm trong tên trường hay điểm số. Cha mẹ cần giúp con hiểu rằng thất bại là một phần tất yếu của hành trình trưởng thành, rằng một cánh cửa khép lại có thể dẫn đến một cơ hội khác tốt hơn, phù hợp hơn. Dạy con biết "chấp nhận" là một kỹ năng quan trọng, không kém gì kiến thức sách vở.
Phụ huynh nên tránh so sánh con mình với người khác hoặc lấy kỳ vọng của bản thân áp lên con. Thay vì hỏi "hôm nay được mấy điểm?", hãy hỏi "con cảm thấy hôm nay học có vui không?". Điều đó giúp con thấy cha mẹ là người đồng hành, không phải người đánh giá.
Ảnh minh hoạ
Một giấc ngủ đủ và sâu từ 10h tối đến 6h sáng sẽ tốt hơn nhiều so với việc học miệt mài đến 3h sáng. Giấc ngủ không chỉ giúp tái tạo năng lượng mà còn là lúc não bộ củng cố trí nhớ. Cha mẹ cần thuyết phục con bằng kiến thức khoa học, không chỉ bằng cảm tính.
Thay vì ôn luyện dàn trải và thiếu chiến lược, hãy cùng con phân bổ thời gian học – nghỉ – thư giãn hợp lý. Học có trọng tâm, biết ưu tiên kiến thức theo cấu trúc đề thi. Việc này giúp con cảm thấy chủ động và tự tin hơn, giảm cảm giác "ngập lụt" trong bài vở.
Nếu tình trạng stress, mất ngủ, ăn uống kém… kéo dài, hãy mạnh dạn đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý học đường. Đó không phải là biểu hiện yếu đuối mà là cách thông minh để bảo vệ sức khỏe tinh thần cho con.
Thi vào lớp 10, cũng như mọi kỳ thi trong đời, rồi sẽ qua. Nhưng cảm xúc, ký ức và những gì đọng lại trong tâm hồn con trẻ sẽ theo chúng suốt chặng đường sau này. Hãy để mùa thi không chỉ là cuộc đua điểm số, mà là một dịp để cha mẹ và con cái gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, cùng vượt qua khó khăn và lớn lên trong yêu thương.