Trong một bài đăng mới đây trên Twitter, một nhà sưu tập NFT với tên tài khoản là Dino Dealer đã chia sẻ một câu chuyện "dở khóc dở cười".
Cụ thể, anh này đã bán một NFT Etherrock với giá 444 wei thay vì 444 ETH (xấp xỉ 1 triệu USD). Khi "khớp lệnh" và nhận ra sai lầm của mình, anh này mới bàng hoàng nhận ra số tiền mình nhận về thậm chí còn chưa bằng 1 cent (tương đương 0,01 USD), không đủ để trả phí giao dịch.
Chia sẻ của Dino Dealer trên Twitter
Được biết, wei là đơn vị cơ sở của Ethereum (ETH), đồng coin nền tảng của mạng cùng tên. Giá trị của 1 ETH bằng 1 tỷ tỷ wei (1.000.000.000.000.000.000 wei). Đơn vị này tương tự với satoshi trên mạng Bitcoin.
Cho những bạn chưa biết, Etherrock là một trong những dự án NFT đời đầu được xây dựng trên blockchain Ethereum. Nghe có vẻ "ngớ ngẩn" nhưng những NFT này là hình ảnh mô phỏng một… cục đá. Vì tổng cung Etherrock chỉ có 100 NFT, giá trị của bộ sưu tập "đá cuội" này đã gia tăng một cách chóng mặt, bên cạnh các dự án NFT đời đầu khác như Curio Cards và CryptoPunks.
Vào ngày 22/8/2021, Justin Sun, nhà sáng lập của TRON đã bỏ ra 500.000 USD để mua một bức ảnh JPG của dự án này. Sau đó, anh này còn vui mừng thêm chèn thêm "cặp mắt la-ze" cho viên đá và đăng lên Twitter để "khoe" với bàn dân thiên hạ.
Cục đá với cặp mắt phát sáng của "ông hoàng thị phi" Justin Sun
Chỉ ngay hôm sau, một hòn đá ảo khác, nhưng màu nâu đã được chốt đơn với mức giá lên đến 400 ETH, tương đương với 1,3 triệu USD tại thời điểm đó.Đây chính là thời khắc đánh dấu bước chuyển mình từ thứ vô dụng đến lố bịch sang loại tài sản mà ai ai cũng săn đón của thứ được gọi là NFT.
Một cục đá khác nhưng màu nâu có giá bán gấp đôi của đá bên trên, vào khoảng 400 ETH (khoảng 1,3 triệu USD)
Quay trở lại với Dino Dealer, anh chàng "kém may mắn" này đã tự mình thổi bay toàn bộ tài sản ròng trị giá xấp xỉ 1 triệu USD của mình trong vòng chưa đầy 1 giây. Sau khi lệnh bán Etherrock của anh này xuất hiện trên thị trường, các bot NFT được thiết lập sẵn đã nhanh chóng "chốt đơn".
Các nhà giao dịch và sưu tập NFT thường thiết lập các con bot để theo dõi diễn biến thị trường trên các nền tảng OpenSea hay LookRare. Chúng sẽ quét liên tục trên các chợ NFT nói trên và mua vào bất kỳ tác phẩm nào có giá "thấp bất thường" để thu về lợi nhuận. Hầu hết trong số giao dịch kiểu này xuất phát từ lỗi kỹ thuật hoặc sự nhầm lẫn "trời ơi đất hỡi" tương tự như Dino Dealer.
Mặc dù mất gần 1 triệu USD, Dino vẫn khẳng định mình không bỏ cuộc. Anh còn tweet một dòng trạng thái khác khẳng định sẽ cố gắng lấy lại tài sản của mình bằng cách gửi tin nhắn cho chủ sở hữu NFT Etherrock hiện tại.
Ngay lập tức, trang Etherscan của anh tràn ngập những bình luận đề nghị "hoàn lại tiền" thông qua qua địa chỉ email và số điện thoại. Tuy nhiên, đây hầu hết là những hacker với dã tâm "thôn tính" luôn phần tài sản còn lại của anh này bằng cách tấn công theo phương thức phishing (tấn công giả mạo), một dạng hack dữ liệu vô cùng phổ biến trong thời gian trở lại đây. Như vậy, trong trường hợp xấu nhất, chủ nhân hiện tại của NFT hình "cục đá" kể trên sẽ không hoàn trả lại tài sản như mong muốn của Dino và anh chàng này chắc chắn sẽ nhận lại cho mình một bài học nhớ đời.