Được mệnh danh là "vàng kỹ thuật số", tại sao Bitcoin vẫn cắm đầu đi xuống khi vàng vật chất đang lên đỉnh?

Nguyễn Hải, Theo Pháp luật & Bạn đọc 12:43 14/03/2022

Được kỳ vọng như nơi trú ẩn an toàn trước lạm phát và các biến động địa chính trị, nhưng giá Bitcoin vẫn đang trên đà sụt giảm trong khi vàng vật chất liên tiếp lập đỉnh mới.

Trong nhiều năm nay, các tín đồ Bitcoin đã luôn xem đồng tiền mã hóa như một loại vàng kỹ thuật số. Nghĩa là giá trị cũng như tính ẩn danh của nó có thể giúp chống chịu được các biến cố kinh tế như lạm phát phi mã, các biến cố chính trị như chiến tranh hoặc các biện pháp trừng phạt, kiểm soát tài sản.

Thật hiếm có thời điểm nào trong lịch sử thế giới khi hàng loạt biến cố như vậy lại cùng xuất hiện trong năm nay. Giá dầu và hàng hóa cơ bản tăng cao đang khiến lạm phát tại Mỹ và nhiều nền kinh tế khác trên thế giới tăng cao đột biến. Căng thẳng leo thang giữa Ukraine và Nga vẫn chưa thấy dấu hiệu sớm kết thúc. Mỹ và nhiều nước đồng minh đang giáng hàng loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và nhiều tỷ phú của nước này.

Được mệnh danh là vàng kỹ thuật số, tại sao Bitcoin vẫn cắm đầu đi xuống khi vàng vật chất đang lên đỉnh? - Ảnh 1.

Hàng loạt nhân tố đã được hội tụ trong thời điểm này và đáng nhẽ, nó là lúc Bitcoin bay cao và chứng minh vai trò vàng kỹ thuật số của mình. Nhưng thực tế lại đang nói câu chuyện khác.

Bất chấp các dự báo yếu kém về tương lai kinh tế thế giới, giá Bitcoin vẫn liên tục đi xuống. Trong tháng vừa qua, giá Bitcoin đã giảm 10%. Ether, đồng tiền số lớn thứ hai thế giới, giảm 15% trong cùng thời gian đó. Ngược lại, giá vàng vật chất đang liên tục tìm đến các đỉnh cao mới và chưa có dấu hiệu nào cho thấy, xu hướng này sẽ thay đổi trong tương lai gần.

Điều này xảy ra ngay cả khi Bitcoin vẫn đang được sử dụng

Ở Canada, một số tài xế biểu tình sau khi bị đe dọa đóng băng tài khoản ngân hàng đã được quyên góp bằng tiền số. Ukraine thậm chí còn huy động được gần 100 triệu USD bằng tiền số. Nhiều người còn cho rằng các tỷ phú Nga có thể chuyển tài sản của mình sang Bitcoin hoặc tiền số để tránh né đòn trừng phạt. Nhưng bất chấp các cơ hội trên, Bitcoin và thế giới tiền số vẫn đứng yên, giá vẫn đang trên đà giảm và khối lượng giao dịch không có nhiều thay đổi.

Thú vị hơn cả là phát biểu từ ông Alex Bornyakov, thứ trưởng Bộ chuyển đổi số của Ukraine. Ông Bornyakov và nhóm của mình đã phải làm việc ngày đêm để tiếp nhận hàng chục triệu USD quyên góp bằng Bitcoin, Ether và các loại tiền số khác đến từ khắp nơi trên thế giới và dùng chúng để mua quân trang, quân dụng.

Được mệnh danh là vàng kỹ thuật số, tại sao Bitcoin vẫn cắm đầu đi xuống khi vàng vật chất đang lên đỉnh? - Ảnh 2.

Ông thừa nhận một trong các ưu điểm đáng chú ý nhất của tiền số là khả năng huy động tiền nhanh chóng ngay cả khi hệ thống ngân hàng đang tê liệt như hiện tại. Mặc dù vậy, ông Bornyakov lại thận trọng với các tuyên bố phóng đại về tầm quan trọng của tiền số đối với Ukraine: "Tôi không nghĩ tiền số đang đóng vai trò chính. Nhưng vai trò của nó là rất cần thiết trong việc giúp đỡ quân đội của chúng tôi."

Tại sao lại như vậy?

Một khả năng có thể là tiền số vẫn quá rối rắm và khó sử dụng đối với người bình thường, đặc biệt trong thời kỳ xung đột. Ví dụ tại Ukraine, nhiều khu vực đã mất kết nối internet và ngay cả tầng lớp tinh hoa của đất nước này cũng gặp khó khăn nếu muốn chuyển đổi tài sản của mình sang tiền số.

Một khả năng khác – điều mà nhiều người hoài nghi về Bitcoin vẫn nói nhiều năm nay – tiền số quá biến động để có thể trở thành một công cụ phòng vệ chống lại các biến động về kinh tế và chính trị.

Jimmy Nguyen, chủ tịch Hiệp hội Bitcoin, một tổ chức thương mại tiền số, cho biết: "Nhiều năm qua, các cộng đồng Bitcoin và tiền số đã reo rắc một niềm tin sai lầm rằng, Bitcoin là nơi trú ẩn an toàn so với các thị trường tài chính truyền thống." (Bản thân Hiệp hội này đang quảng bá cho Bitcoin SV, một phiên bản hữu dụng hơn của đồng tiền số này).

Được mệnh danh là vàng kỹ thuật số, tại sao Bitcoin vẫn cắm đầu đi xuống khi vàng vật chất đang lên đỉnh? - Ảnh 3.

Bitcoin đã chết, ông Nguyen cho biết. Bởi vì nó chậm chạp và đắt đỏ khi xử lý các giao dịch, làm khó có thể dùng nó cho mục đích thanh toán. Và nhiều người ủng hộ Bitcoin lại lập luận rằng, giá trị của nó lại giống như một tài sản dự trữ.

Một lời giải thích khác cho sự kém hiệu quả của Bitcoin đến từ Joe Weisenthal của Bloomberg, khi ông cho rằng những sự kiện tưởng chừng như có lợi cho Bitcoin trong ngắn hạn – lạm phát, các lệnh trừng phạt và xung đột địa chính trị - lại có thể gây hại cho đồng tiền số này trong dài hạn khi nó thu hút sự chú ý của các nhà quản lý.

Hàng loạt vụ chính quyền thu giữ tiền số của giới tội phạm trong thời gian vừa qua cho thấy, Bitcoin hay các đồng tiền số khác không thực sự là thiên đường an toàn trước các cơ quan quản lý như mọi người vẫn tưởng. Do vậy, khi những biến cố trên khiến các cơ quan quản lý chú ý đến Bitcoin, giá của nó lại càng tiếp đà đi xuống.

Một lời lý giải khác đến từ Sam Bankman-Fried, CEO của sàn giao dịch tiền số FTX. Dù cho rằng, Bitcoin sẽ "hoạt động tốt hơn" trong môi trường kinh tế và chính trị kém ổn định, anh đoán rằng, sự đi xuống trong giá Bitcoin hiện nay là do các thông tin tiêu cực về tiền số thường hiện diện trên các phương tiện truyền thông.

Anh cho rằng: "Các dòng tít phần lớn mang hàm ý tiêu cực mà không liên quan đến nội dung bài viết vào tháng trước như một phản ứng đối với các tuyên bố của ngành tiền số, đây là điều tôi cho rằng mang lại tác dụng ngược chiều đáng kể."

Tham khảo: New York Times

https://genk.vn/duoc-menh-danh-la-vang-ky-thuat-so-tai-sao-bitcoin-van-cam-dau-di-xuong-khi-vang-vat-chat-dang-len-dinh-20220313225206053.chn