Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết?

Duy Vu; Design: Đức Minh, Theo Helino 07:00 29/12/2018

Câu chuyện về những "nạn nhân gián tiếp" của thảm kịch liên tục xảy đến với Indonesia trong năm 2018, về những người chủ nhân phải sống tiếp với một vết sẹo trong lòng, hay về những bà mẹ vẫn đang dằn vặt lương tâm sẽ cho ta thấy một khía cạnh rất khác của nỗi đau: Để sống với sự mất mát quả không phải điều dễ dàng.

Một Indonesia rất khác...

Mới ngày nào khi Indonesia còn được nhắc đến dưới cái tên "Người khổng lồ ngủ yên" – với những bãi biển Palu xanh biếc màu ngọc bích, những cao ốc Jakarta hiện đại đẹp đến nao lòng, những thung lũng Baliem hoang sơ ẩn chứa sự kì vĩ của thiên nhiên. Nhưng giờ đây, khi tìm kiếm "quốc gia vạn đảo" trên thanh công cụ Google, kết quả hiện ra sẽ cho ta thấy một Indonesia rất khác so với mường tượng ban đầu: Một Indonesia của tang thương và sự chết chóc.

Chỉ mới đây thôi, vào ngày 28/9/2018, trận động đất 7,5 độ richter đã giáng xuống hòn đảo Palu xinh đẹp, hình thành nên đợt sóng thần cao 6 mét làm hàng nghìn người thiệt mạng và vô vàn những người khác mất tích. Chưa dừng lại ở đó, hai trận động đất kéo theo sau chỉ trong vòng 4 ngày ngắn ngủi đã chính thức đẩy con số thương vong lên hơn 2,000 người.

Và rồi đến cái ngày 29/10 định mệnh ấy, chiếc JT-610 của hãng Lion Air đâm sầm xuống biển ngoài khơi Jakarta, mang theo toàn bộ 189 hành khách cùng phi hành đoàn xuống dưới mặt biển dậy sóng.

Tua chậm đến 9 giờ 30 phút tối thứ Bảy (ngày 22/12), ngay trước thềm Giáng sinh năm 2018, người dân ở eo biển Sunda lại bất ngờ hứng chịu thêm một đợt sóng thần cuốn phăng đi tất cả nhà cửa, xe cộ và con người nơi đây. Và rồi, gần 300 công dân Indonesia đã lại thiệt mạng vì một thảm họa chẳng thể lường trước, bỗng nhiên ập xuống nơi họ vẫn gọi là "nhà".

Dẫu biết công tác cứu hộ đã được triển khai gần như ngay lập tức, những gói cứu trợ lên đến hàng tỷ đô đã được gửi đến các gia đình nạn nhân nhằm xoa dịu phần nào nỗi mất mát quá lớn này; song con số thương vong vẫn không thể nào suy chuyển. Người thân của toàn bộ 2086 người thiệt mạng trong trận động đất, người thân của 189 nạn nhân trên chuyến bay khi đó, hay thân quyến của hơn 280 con người mất đi trong cơn sóng thần sẽ phải sống tiếp với một vết thương luôn rỉ máu trong lòng, một vết thương mà sẽ cần một sức mạnh rất, rất lớn mới có thể chịu đựng được...

Nỗi đau trong tim người ở lại

Vẫn còn nhớ như in buổi sáng thứ 6 ngày hôm đó, cái ngày mà con trai anh Martin Kebo nằm trong số 80 em học sinh bị chôn vùi dưới đống đổ nát của một nhà thờ khi trận động đất kéo qua - để lại không gì khác ngoài một bãi hoang phế và thấp thoáng đâu đó bóng dáng của những người làm cha, làm mẹ đang ngày đêm bới đất tìm xác con như Martin.

Năm ngày sau khi thảm kịch xảy đến, đội cứu hộ mới chỉ tìm được thi thể của 35 trong tổng số 80 em - trong đó không có con trai anh. Vậy là dưới lớp bùn đất nhão nhoét đang dần đặc quánh lại, Martin miệt mài tìm con cứ đều đặn 12 tiếng mỗi ngày; trong tâm trạng xáo trộn của người cha khi đó, nào có nghĩ đến điều gì khác ngoài việc được đoàn tụ với con trai một lần sau cuối?

Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 1.

Và sau gần một tháng rưỡi kể từ khi con trai anh Martin Kebo thiệt mạng trong trận động đất, một hôn lễ kì lạ đã được cử hành giữa hai con người cùng tới từ mảnh đất Indonesia xinh đẹp; duy chỉ có điều chú rể đã không kịp góp mặt trong cái ngày hạnh phúc nhất của đời mình.

Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 2.

Một hôn lễ kì lạ đã được cử hành - hôn lễ chỉ có cô dâu mặc váy cưới trắng tinh khôi...

Trước lúc bước chân lên khoang hành khách của chuyến bay mang nhãn hiệu JT610, anh Rio Nanda Pratama, một bác sĩ 26 tuổi, đã nói đùa với hôn thê của mình – cô Intan Syari - rằng: "Nếu anh không về kịp đám cưới vào ngày 11 tháng 11, em hãy cứ khoác lên mình bộ váy cưới lộng lẫy mà anh đã chọn, trang điểm đẹp nhất có thể rồi gửi cho anh một bức ảnh cầm bó hoa hồng trắng. Vậy đã là quá đủ rồi, nhỉ?". Chẳng ai ngờ được rằng câu bông đùa ấy lại là di nguyện cuối cùng của Rio gửi tặng cho người vợ sắp cưới - trước lúc máy bay của hãng Lion Air đâm sầm xuống biển ngoài khơi Jakarta. Khóc ngất trước tin chồng mình đã ra đi mãi mãi, vậy mà vào đúng ngày 11/11, cô dâu Intan vẫn đủ mạnh mẽ để tổ chức một lễ cưới vắng bóng chú rể, một lễ cưới mà anh Rio sẽ tự hào biết mấy khi thấy vợ mình vẫn xinh đẹp và thật rạng rỡ làm sao…

Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 3.

Quả thực, Rio sẽ hạnh phúc biết mấy khi thấy vợ mình vẫn thật xinh đẹp trong ngày cưới.

Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 4.

Cơn sóng thần cuốn trôi cả ban nhạc Seventeen đang biểu diễn trên sân khấu.

Bi kịch vẫn chưa dừng lại ở đó,vào thời điểm muộn màng lúc cuối năm 2018, một dòng trạng thái đẫm nước mắt bỗng xuất hiện trên trang mạng Instagram. Dòng trạng thái ấy là của Riefian Fajarsyah, giọng hát chính ban nhạc rock Seventeen - đã trình diễn trên sân khấu tại Tanjung Lesung đúng lúc thảm họa diễn ra. Cơn sóng thần bất ngờ ập đến, trong tích tắc đã khiến hai thành viên của nhóm thiệt mạng. Đến cả Dylan - vợ của chàng ca sĩ trẻ - cũng đã qua đời trong cơn sóng dữ.

"Hôm nay là sinh nhật của em, hãy về nhà sớm nhé, Dylan yêu quý" - Những lời nhắn nhủ đi kèm với bức ảnh hai vợ chồng trao nhau nụ hôn thắm thiết, được chàng ca sĩ đăng tải trước khi sự việc xảy đến, còn cho thấy một hiện thực xót xa hơn gấp vạn: Cả hai vẫn đang chờ để được đón một sinh nhật ấm áp trong vòng tay người thương, một Giáng sinh an lành kết thúc năm 2018 ngập tràn hạnh phúc...

Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 5.

Thế nhưng, 2018 đã là một năm chẳng hề dễ dàng, không riêng gì với quốc gia vạn đảo Indonesia, mà còn với cả thế giới với biết bao biến động, biết bao những thảm họa lũ lượt kéo đến, để rồi bỏ lại đó những con tim vỡ vụn vì mất đi ngay cả những người thân yêu nhất - những điều giá trị nhất của đời người.

Những con vật lạc chủ trong biển lửa

Rạng sáng thứ 5, ngày 8 tháng 11.

Một ngọn lửa bắt đầu bùng lên phía bìa rừng quốc gia Plumas, Đông Bắc thành phố Sacramento, bang California, Mỹ. Độ ẩm thấp, gió nóng, cộng thêm với những cánh rừng khô hạn đã khiến lửa lan ra với tốc độ khủng khiếp. Lực lượng cứu hỏa đã gần như bất lực trước ngọn lửa dữ nuốt chửng cả thị trần Paradise, thuộc hạt Butte trong nháy mắt.

Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 6.

Trong chưa đầy một tuần sau đó, hai ngọn lửa khác lại tiếp tục bùng lên ở hai địa điểm khác nhau trên cùng bang California, thiêu trụi hàng chục nghìn héc-ta rừng, hàng nghìn ngôi nhà và công trình xây dựng. Hơn ba trăm nghìn người đã phải sơ tán khẩn cấp khỏi đám cháy. Trong số đó, có những người phải để lại vật nuôi giữa biển lửa mịt mù khói bụi.

Đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, những dân cư tại tiểu bang California đã đành phải bỏ lại những con chó, con mèo cả đời gắn bó để đổi lấy mạng sống mình trong một tích tắc quyết định vội vã. Danh sách nạn nhân đâu chỉ dừng lại ở con số 85 con người yểu mệnh qua đời trong ngọn lửa dữ, mà còn là hàng trăm, hàng nghìn người bạn trung thành nhất của dân cư California. Dẫu biết rằng đây là những quyết định buộc phải được đưa ra trong cơn bĩ cực; thế nhưng, khi ngọn lửa tàn ác quét qua, chủ nhân của những con mèo cháy xém lông, của những chú chó bị bỏng mắt dẫn đến cái chết đau đớn, chắc sẽ còn phải ám ảnh mãi với những quyết định của mình...

Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 7.
Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 8.
Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 9.
Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 10.

Những bà mẹ mất con sau nạn đói ở Yemen: Để sống với một vết thương lòng quả là điều khó khăn biết mấy

Đôi lúc, lời nói lại truyền tải nhiều hơn những gì chiếc máy ảnh có thể làm được. Nhưng lần này, chân dung cô bé Amal Hussain gầy trơ xương được đăng tải trên tờ New York Times đã cho thấy một khía cạnh hoàn toàn khác mà không giấy mực nào có thể lột tả hết - đó là sự vô vọng đến tột cùng của một người mẹ Yemen.

Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 11.

Thật trớ trêu làm sao khi "Amal" trong tiếng Ả Rập còn có nghĩa là "hi vọng" – trùng với tên của một cô bé 7 tuổi, qua đời trong một trại tị nạn cách viện nhi chỉ vỏn vẹn có 4 dặm. Em bị suy dinh dưỡng trầm trọng, lâm vào tình trạng ốm yếu đến kiệt quệ chỉ vài tuần trước đó, nhưng tất cả những gì mẹ em có thể làm được là đưa Amal về nhà chăm sóc, đơn giản vì bà đã khánh kiệt. Nhìn con mình hao mòn về thể xác qua từng ngày, từng giờ, thường xuyên nôn mửa và bị tiêu chảy khiến cho con tim của người mẹ Yemen vỡ vụn. 

Khi Amal Hussain mất, hàng ngàn những lá thư chia buồn từ khắp nơi trên thế giới đã được gửi tới gia đình em. Nhưng ít ai biết rằng, đã quá lâu rồi mẹ của Amal cũng không có lấy một bữa ăn tử tế...

Yemen là quốc gia đang bị dày xéo bởi làn mưa bom bão đạn tới từ một cuộc chiến tranh vô cùng thảm khốc. Giá lương thực tăng cao đã khiến 1,8 triệu trẻ em nước này lâm vào tình cảnh bị suy dinh dưỡng trầm trọng - trong đó có Amal. 

1,8 triệu đứa trẻ - là gần 1,8 triệu bà mẹ chăm con trong một nỗ lực gần như là vô vọng để cứu lấy sinh linh bé bỏng mà mình đã mang nặng đẻ đau. Nhìn thấy con mình được sinh ra - rồi mất đi trong khi bản thân chẳng thể làm gì khác, hẳn phải là một nỗi đau khủng khiếp biết mấy. Những thiên thần bé bỏng qua đời để đến một kiếp người khác, một kiếp người không còn lầm than lạc lối, nhưng để lại phía sau lại là những người mẹ suốt đời phải dằn vặt lương tâm.

Từ những thảm kịch diễn ra xuyên suốt năm 2018: Tột cùng của khổ đau đâu phải là cái chết? - Ảnh 12.

Đôi khi, những bức ảnh thật tàn khốc biết mấy…

Ta đã nói quá nhiều về những người ra đi oan uổng, đã gửi đủ lời vĩnh biệt tới những số phận mong manh ấy; nhưng khi cơn cuồng phong bão táp đi qua, những dư âm cay đắng vượt trên cả nỗi đau thể xác sẽ vẫn còn đọng lại mãi trong tâm hồn người ở lại – những gia đình, những nhân thân của người xấu số. Và đôi khi, cái chết không phải là thứ đau đớn nhất, mà để sống với vết thương lòng như vậy mới là điều thực sự khó khăn. Thử hỏi thứ sức mạnh phi thường nào có thể giúp họ tiếp tục cuộc sống thường nhật của mình, khi xung quanh mọi sự yêu thương và hi vọng dường như đã vụt tắt? Thử hỏi thứ sức mạnh phi thường nào có thể giúp cho đôi tay của người cha Martin Kebo ngừng việc đào đất; giúp cho cô gái Intan hay chàng ca sĩ Riefian quên đi người bạn đời của mình? Thử hỏi thứ sức mạnh phi thường nào có thể giúp cho những chủ nhân trong cơn hỏa hoạn ngày ấy tiếp tục cuộc sống thường nhật của mình, khi trong thân tâm vẫn biết, và hiểu rằng người bạn mà mình hết mực yêu thương đã không kịp chạy thoát khỏi đám cháy; giúp cho người mẹ của bé Amal Hussain thôi dằn vặt về cái chết thương tâm của cô con gái bé bỏng? Câu trả lời là không thể. Sẽ không có thứ sức mạnh nào đủ lớn để thực hiện được điều đó.

Tạm kết

Muốn biết về sự tàn khốc của các cuộc chiến tranh, xin hãy hỏi những người mẹ thương binh liệt sỹ. Muốn biết về nỗi đau của người ra đi, xin hãy hỏi người ở lại.

Mỗi câu chuyện nói trên là một tấn bi kịch riêng, không hoàn toàn trùng khớp với nhau; song đều sở hữu một điểm chung rất lớn - là những mẩu tàn dư có sức phá hủy khủng khiếp về mặt cảm xúc mà không con số nào có thể thống kê nổi. Mỗi câu chuyện, là một mảnh đời bất hạnh khác nhau, một sự đổ vỡ và nát vụn khác trên thế giới bao la rộng lớn này; và họ vẫn đang sống một cuộc sống cách xa nhau cả ngàn cây số. Nhưng thứ đã kết nối tất cả bọn họ - những người mất đi gia đình, thân quyến - lại với nhau, là một nỗi đớn đau chung mà chỉ người trong cuộc mới có thể thấu hiểu và cảm nhận rõ rệt nhất. 

Quả thực, 2018 - ngoài những niềm vui, những xúc cảm hạnh phúc xuyên suốt một năm đầy biến động - vẫn còn đó những mất mát tang thương mà giới hạn câu từ của bài viết vẫn không thể nào liệt kê hết được. Đối diện với những đớn đau chung này của toàn nhân loại, ta chỉ còn biết cầu mong vào một năm mới - năm 2019 - với đầy ắp sức sống tiềm tàng chớm nở và những niềm hi vọng. Cầu mong rằng, sau cơn mưa, bầu trời lại có thể sáng rõ...