Junko Iizuka nhớ rất rõ cái ngày mà bà được đưa tới bệnh viện khi còn là một thiếu niên và bị buộc phải triệt sản, theo một chương trình của chính phủ Nhật Bản. Sau một ca phẫu thuật, bà thức dậy trên giường viện với 1 vết sẹo mổ dọc bụng.
Giờ đây đã bước qua tuổi 70, bà Junko là một trong hàng nghìn người dân tại Nhật Bản, không kể nam nữ, bị ép phải triệt sản - một đạo luật tồn tại mãi đến năm 1996, được áp dụng lên những người được cho là có những khiếm khuyết trí tuệ.
Sau ca mổ, bà Junko được đưa trở về nhà. Người phụ nữ này chỉ nhận ra điều gì đã xảy ra sau khi nghe được cuộc nói chuyện giữa bố mẹ rằng bà lúc đó đã bị triệt sản.
"Đó là khi nỗi đau dai dẳng của tôi bắt đầu", Junko trả lời với phóng viên.
Luật Ưu sinh của Nhật Bản ra đời vào năm 1949 và kéo dài tới năm 1996.
Theo bộ y tế Nhật Bản đưa ra, có khoảng 16,500 người đã bị ép phải triệt sản theo điều luật Ưu sinh ra đời từ năm 1949. Theo một số nguồn tin khác cho hay, con số này có thể lên tới 25,000 người. Luật pháp cho phép các bác sĩ triệt sản những người có khiếm khuyết về mặt trí tuệ để "ngăn chặn một thế hệ con cháu chất lượng kém".
Có khoảng 8,500 người tự nguyện triệt sản, theo các cơ quan chức năng cho biết. Tuy nhiên, các luật sư nói rằng những trường hợp như vậy cũng gần như bị ép buộc bởi áp lực cá nhân.
Như trường hợp của bà Junko, trước đó người phụ nữ này chưa bao giờ được chẩn đoán một cách chính thức là có bệnh.
"Khi tôi dọn đến Tokyo làm việc, tôi đến bệnh viện gặp bác sĩ và hỏi là có cách nào để tôi có thể có con trở lại không".
"Nhưng không còn cách nào cả", bà nghẹn ngào.
Câu chuyện vi phạm nhân quyền
Ở độ tuổi tầm 20, Junko đã phải từ chối nhiều lời cầu hôn vì cô biết mình đã bị triệt sản. Dù cuối cùng, bà vẫn kết hôn và nhận nuôi một cậu con trai.
"Tôi vẫn ghen tị với bạn bè mình khi tôi thấy họ được các cháu tới thăm", bà nói.
Trong suốt 2 thập kỷ, bà đã tìm cách khiếu nại lên chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, lần nào bà cũng nhận được câu trả lời giống nhau: Lúc đó mọi thứ là hợp pháp, và chẳng có lời xin lỗi hay đền bù nào được đưa ra.
Michiko Stao - một người có em chồng cũng bị triệt sản khi còn là thiếu niên, cũng nhận được những câu trả lời tương tự khi vận động hành lang.
Michiko biết được câu chuyện của Yumi khi cô kết hôn với anh trai của Yumi, cách đây phải tầm 40 năm.
"Lúc đó tôi mới 19, cô ấy 18. Khi tôi được nghe câu chuyện ấy lần đầu từ mẹ chồng, tôi cảm thấy buồn cho cả hai".
Nỗi đau của những người phụ nữ bị triệt sản tại Nhật Bản vẫn còn tới tận bây giờ.
"Tôi không thể hỏi tại sao, nhưng tôi đoán đằng sau đó là câu chuyện buồn. Suốt nhiều năm, tôi cứ tự hỏi tại sao cô ấy lại bị triệt sản từ năm 15 tuổi".
Được biết, Yumi gặp vấn đề với việc học sau một ca hôn mê khi phẫu thuật hồi còn nhỏ. Đấy không phải do bẩm sinh mà là sự cố do phẫu thuật. Dù vậy, Yumi vẫn bị đem đi triệt sản.
Với sự giúp đỡ của Michiko, giờ đây Yumi và nhiều người đang nỗ lực tìm lại công lý, yêu cầu chính phủ phải xin lỗi và bồi thường cho tổn thất về tinh thần và vật chất mà họ phải trải qua. Số tiền mà họ yêu cầu chính phủ phải bồi thường là 11 triệu yen (tương đương với hơn 2 tỷ đồng). Tuy nhiên, bộ trưởng bộ y tế Katsunobu Kato cho biết họ vẫn đang điều tra và xem xét các vụ kiện trên.
Những năm tháng đau đớn
"Người khuyết tật vẫn bị coi thường, xa lánh trong xã hội. Đó là lý do vì sao lại từng có chính sách như vậy", Michiko cho biết. Michiko nhớ lại câu chuyện về 19 người bị sát hại tại một trung tâm khuyết tật vào hồi năm ngoái tại Tokyo. Kẻ giết người cho biết, lý do hắn hạ sát những người khuyết tật là muốn "đem đến một thế giới tốt hơn".
"Chúng ta cần thay đổi những suy nghĩ như vậy", Michiko nói.
"Người khuyết tật cũng là những người đáng được tôn trọng".
Những người bị triệt sản đòi lại công bằng sau hàng chục năm bị quên lãng.
Câu chuyện của bà Yumi hay bà Junko không phải những trường hợp duy nhất, mặc dù họ đều đã bước qua tuổi xế chiều. Một người đàn ông tầm 70 tuổi cũng là nạn nhân của Bộ luật Ưu sinh này nghĩ: "Có phải đây là điều đã xảy ra với tôi".
"Tôi đã chịu đựng nỗi đau này nhiều năm", ông cho biết. Khi còn trẻ, ông cũng bị đem đi triệt sản. Đến khi lấy vợ, ông cũng không dám tiết lộ câu chuyện cho đến khi vợ ông qua đời vào năm 2013.
"Tôi thấy đau đớn khi vợ mình ôm con người khác. Tôi đã giữ nỗi đau này suốt nhiều năm ròng. Hãy trả lại cuộc sống cho tôi".
Vào tháng 3, các nhà lập pháp cam kết sẽ bồi thường cho những người bị ảnh hưởng từ Luật Ưu sinh với kế hoạch đưa ra dự luật về vấn đề này trong năm tới. Tuy nhiên, quá trình này đang diễn ra quá chậm chạp.
"Tôi chẳng còn sống được bao lâu", bà Iizuka nói với các nhà lập pháp hồi tháng 3. Người phụ nữ này mắc bệnh ung thư vú.
"Mọi người đang già đi. Làm ơn hãy đẩy nhanh tiến trình".
(Nguồn: AFP, Reuters, Japan Times)