Ngày 13/11 - một ngày sau khi Lý Tử Thất tung 2 video mới nhất [chủ đề chế tác sơn mài và làm phòng thay đồ giữa rừng] sau 3 năm vắng bóng trên mạng xã hội - 'Tiên nữ đồng quê' khiến cư dân mạng xứ Trung 'dậy sóng lo lắng' với hình ảnh gương mặt băng trắng.
Trả lời phỏng vấn trước truyền thông Trung Quốc, Lý Tử Thất cho biết đó là do 'tai nạn nghề nghiệp' trong lúc cô học làm sơn mài và quay video có thời lượng 14 phút này.
"Đây là quá trình sáng tạo khiến tôi vừa đau đớn vừa hạnh phúc. Sau lần đầu tiên tiếp xúc với nhựa sơn mài, tôi không tránh khỏi bị dị ứng: Những vết sưng tấy, mụn mọc lên khắp mặt và tay chân. Các vết mụn nổi lên khiến khắp người gây ngứa ngáy, khó chịu, mất ngủ. Có lần cả đoàn phải đến bệnh viện để tiêm thuốc chống dị ứng" - Lý Tử Thất chia sẻ với truyền thông.
Thời báo Tế Nam trích nguyên văn thông tin của Xưởng thủ công sơn mài Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), cho biết: Nhiều năm trước, một cơ duyên tuyệt vời đã đưa Lý Tử Thất đến Xưởng sơn mài Thành Đô rồi hai bên cùng nhau đến thăm Lão sư Doãn Lợi Bình - một người kế thừa Di sản tiêu biểu quốc gia - để tìm hiểu nghệ thuật sơn mài đích thực vốn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia quý báu này, với các kỹ thuật cực kỳ khó như chạm khắc và trang trí.
"Cái khó của sơn mài là không nhiều người có thể chịu đựng được. Để đến với nghệ thuật sơn mài 8.000 năm tuổi của Trung Hoa, yêu thích thôi chưa đủ. Người ta phải có niềm đam mê đặc biệt với "Điêu Sơn Ẩn Hoa" (khắc hoa ẩn trong sơn mài), phải thực sự thấm đẫm tinh hoa văn hóa (quốc túy) truyền thống Trung Hoa đa tầng nhưng trầm lắng và vô cùng ấm áp này.
Một số người thường phải mất 3 năm mới có thể bắt đầu với nghệ thuật sơn mài. Có người phải mất 1 thập kỷ để lĩnh hội tất cả những tinh hoa của nghệ thuật sơn mài và hiểu được "cái hồn" không thể lột tả bằng lời sau mỗi tác phẩm kỳ công có được.
Lần đầu tiên gặp Lý Tử Thất, tôi đã nghĩ cô ấy sẽ bỏ cuộc. Không ngờ rằng cô ấy lại thể hiện sự kiên trì đáng kinh ngạc trong quá trình học tập sơn mài. Nguồn năng lượng từ sự lạc quan và tận tâm của cô ấy cuối cùng cũng thu được quả ngọt. Tôi thực sự rất cảm động" - Lão sư Doãn Lợi Bình chia sẻ.
MSN thông tin, Lý Tử Thất đã lấy Nghệ thuật sơn mài Trung Hoa tuổi đời 8.000 năm để làm chủ đề cho video 14 phút nhưng mất nửa năm mới hoàn thành này và thể hiện một cách sinh động tính thẩm mỹ cùng sự khéo léo độc đáo của đồ sơn mài Trung Hoa.
Khi giới thiệu video nghệ thuật sơn mài mới ra mắt của mình, Lý Tử Thất cho biết, cô đặt tên cho tác phẩm sơn mài có những bông hoa ẩn khắc trên cánh tủ của bà ngoại cô này là "Purple Air from the East" (tạm dịch: Tử Khí Đông Lai).
Sức hấp dẫn của Lý Tử Thất bắt nguồn từ cách miêu tả đầy chất thơ về cuộc sống nông thôn, đặc trưng cho văn hóa và thẩm mỹ của xứ Trung. Cuộc sống nông thôn chậm rãi, giống như truyện cổ tích, kỹ thuật nấu ăn truyền thống và các hoạt động văn hóa của cô đã thu hút được lượng lớn người theo dõi cả trong và ngoài nước.
Năm 2020, Lý Tử Thất đã lập Kỷ lục Guinness Thế giới về việc có nhiều người đăng ký nhất trên kênh YouTube tiếng Trung, với tổng số 11,4 triệu người theo dõi tại thời điểm đó. Con số này hiện đã vượt quá 20 triệu, CGTN thông tin.
Dữ liệu tại Bách khoa toàn thư Baidu cho biết, cây sơn mài Trung Quốc (danh pháp khoa học: Toxicodendron vernicifluum) mọc ở các khu vực phía Nam từ nam Cam Túc đến Sơn Đông. Đây là những vùng có nhiệt độ ẩm và môi trường rất thích hợp cho cây sơn mài phát triển. Nhìn rộng ra, cây sơn mài phân bố chủ yếu ở khu vực miền Đông và miền Trung châu Á, tại các quốc gia khác như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Myanmar...
Nhựa sơn mài Trung Quốc là một loại sơn lỏng tự nhiên nguyên chất, màu trắng đục, được thu hoạch từ cây sơn mài bằng cách cắt thân cây. Loại sơn lỏng này có đặc điểm là dần dần chuyển sang màu nâu khi tiếp xúc với không khí và khô dần đi rồi cứng lại trong khoảng 4 giờ.
“Trắng như tuyết, đỏ như máu, đen như sắt” là câu nói người Trung Hoa vẫn dùng để chỉ quá trình nhưa sơn mài tự nhiên từ trạng thái lỏng đến oxy hóa và khô; màu từ nhạt đến đậm, cuối cùng tạo thành màng sơn bền chắc.
Các chuyên gia hóa học phân tích: Là chất tạo màng chính của sơn mài, cấu trúc phân tử của urushiol chứa hydrocarbon thơm và chuỗi bên béo, dài. Do đó, urushiol có đặc tính kép là thơm và béo cùng các tính chất vật lý và hóa học rất tuyệt vời.
Màng sơn mài có vô số đặc điểm nổi trội, ưu việt như cứng, sáng bóng, có độ bền độc đáo, chống ăn mòn, chống mài mòn, chịu nhiệt, chống dầu, chống nước, kháng axit, kháng dung môi và đặc biệt là cách nhiệt và cách điện tốt, do đó giá trị kinh tế của nhựa sơn mài rất cao.
Đồng thời, nó được sử dụng rộng rãi trong việc phủ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất, thiết bị, máy móc nông nghiệp cũng như có mặt trong các hóa chất, trong ngành dệt may và các ngành công nghiệp khác.
Thành phần hóa học chính của nhựa sơn mài là urushiol. Dung dịch nhựa sơn mài được cắt từ cây sơn mài bao gồm: Urushiol, nitơ, chất lỏng và một lượng nhỏ axit dễ bay hơi, trong đó gần 80% là urushiol. Các enzyme trong các chất chứa nitơ của sơn mài có thể thúc đẩy quá trình oxy hóa urushiol, tạo ra vị chua nhẹ độc đáo của sơn mài.
Tuy nhiên, đặc điểm đáng chú trọng nhất là Urushiol trong sơn mài rất độc và có thể gây dị ứng cho con người. [Đổi lại, hàm lượng urushiol càng nhiều thì chất lượng sơn mài càng tốt].
Nhựa sơn mài có thể gây dị ứng ở các mức độ khác nhau. Lý do tại sao nhựa sơn mài gây dị ứng cho người vẫn chưa được biết rõ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự xuất hiện của urushiol và các chất dễ bay hơi khác nhau trong nhựa sơn mài.
Những con đường chính mà chất gây dị ứng trong nhựa sơn mài xâm nhập vào cơ thể con người là qua da, niêm mạc và hô hấp. Vì vậy, dị ứng và lở loét có thể xảy ra (tùy cấp độ nặng nhẹ) không chỉ bằng con đường tiếp xúc trực tiếp với da/niêm mạc mà còn thông qua việc hít phải.
Tuy gây sưng tấy, ngứa ngáy, lở loét nhưng chỉ cần can thiệp y tế sớm thì việc điều trị dị ứng từ nhựa sơn mài dễ dàng và không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Tham khảo: Thời báo Tế Nam, QQ, Bách khoa toàn thư Baidu, CGTN