"Trước đây lúc nào Amal cũng tươi cười."
Đó là những gì mà bà Mariam Ali, mẹ của Amal Hussain - 7 tuổi, người Yemen nói về con gái mình.
Thế nhưng, nụ cười của Amal đâu mất rồi?
Tất cả những gì người ta biết về Amal chỉ là đôi mắt buồn đến vô tận, cơ thể gầy guộc, co ro đầy ruồi nhặng trong tấm ảnh mà nhiếp ảnh gia Tyler Hicks của tờ The New York Times đem đến cho thế giới.
Đến với cuộc đời này, được đặt cho cái tên mang sự hy vọng (Amal trong tiếng Ả Rập nghĩa là hy vọng). Thế nhưng chẳng mấy lâu sau, cô bé lại ra đi trong sự vô vọng ở trại tị nạn cách bệnh viện 4 dặm.
Thật không may, trước khi nhận được sự quan tâm đến từ toàn cầu, Amal đã phải chịu thua trước số phận, kết thúc cuộc sống khổ đau ở cái tuổi quá sớm.
Amal tươi cười không có ở Yemen đang rách bươm tơi tả vì cuộc chiến tranh vô nhân tính. Và không chỉ Amal, hàng triệu trẻ em khác ở Yemen cũng chẳng thể nở được nụ cười. Một lần nữa, tình trạng khủng hoảng đáng báo động của một quốc gia không được truyền tải qua thông tin báo chí, hay các hội thảo diễn đàn, mà qua cái chết của một em bé. Dường như theo một cách nào đó, truyền thông đang không có sức mạnh thực hiện chức năng bằng các ý kiến nghị luận, động thái từ người lớn nữa. Cho đến khi các thiên thần nhỏ của chúng ta phải chết đi đau đớn, chúng ta mới biết thế giới đang loạn như thế nào.
Sẽ còn bao nhiêu những Amal khác phải ra đi để đổi lại một vài động thái trợ giúp đến từ thế giới, khi mà trong các số liệu gần đây, nạn đói kinh hoàng - hậu quả của nội chiến đã và đang đặt 1.8 triệu trẻ em Yemen vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính. Chưa kể, 8 triệu người khác đang phải phụ thuộc vào viện trợ lương thực mỗi ngày; và rất nhanh chóng thôi con số này sẽ tăng lên đến 14 triệu, bằng một nửa dân số tại đây.
Hình ảnh của Amal tượng trưng cho hàng chục triệu em bé khác trên mảnh đất Yemen đầy bạo loạn đang tuyệt vọng chết mòn vì sự ích kỷ của người lớn. Những cuộc chiến tranh, dù vì bất cứ mục đích gì đều là vô nghĩa và phi nhân tính, nhất là khi những sinh mạng như Amal vì chúng mà bị bỏ rơi, bị lãng quên để rồi còn chưa kịp hiểu được thế giới xung quanh đã vội vã ra đi trong tức tưởi.
"Không có chút thịt nào, chỉ trơ toàn xương với xương" là những gì mà bác sĩ Mekkia Mahdi mô tả về Amal, về các em bé hiện vẫn đang thoi thóp trong trại tị nạn cùng nơi mà Amal từng điều trị nhưng không thành. Trước khi vĩnh viễn ra đi, Amal được chuyển đến đây để điều trị. Các bác sĩ cho cô bé ăn 2 tiếng mỗi lần, nhưng Amal cứ thường xuyên nôn mửa và tiêu chảy không ngừng.
Sự trừng phạt kinh tế mà Saudi Arabia áp dụng lên Yemen nhằm khống chế phiến quân Houthi đã đẩy giá thành thực phẩm lên mức đến một mẩu bánh mỳ nhỏ đã cũ người dân cũng chẳng có tiền để mua. Đói kém diễn ra khắp mọi nơi vì người dân chẳng có khả năng làm ra kinh tế, những đứa trẻ cứ thế héo dần héo mòn. Rồi cho tới lúc chúng phải nhập viện, được ăn uống nhờ thực phẩm viện trợ thì cơ thể đã không thể tiếp nhận được thức ăn nữa. "Đến chết mới được ăn" mới là tình cảnh mà người dân Yemen đang phải hứng chịu, một nghịch cảnh trớ trêu đến nỗi số phận cũng phải lắc đầu.
Thực tế, bi kịch tại Yemen được thế giới chú ý đến cách đây chỉ không lâu. Khoảng đầu tháng 10, người ta bắt đầu rộ lên khi biết đến thông tin nhà báo Jamal Khasoggi mất tích sau khi vào Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ để hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn với người bản địa. Dấu hỏi đặt ra về tung tích của nhà báo người Ả Rập ngày càng nhiều, và nhanh chóng sau đó, Jamal Khasoggi được xác nhận là đã bị ám sát. Đến lúc này, nhiều người mới "biết" về tình hình chiến tranh của Saudi Arabia.
Nhưng họ không để ý đến việc trẻ em nước này mới đang là những nạn nhân chính. Hàng triệu đứa bé xác xơ chỉ còn da quấn lấy xương nằm chờ chết không được chú ý bằng một nhà báo bị sát hại. Cho đến khi biểu tượng Amal phải chết.
Người lớn mất việc làm do chiến tranh, đồng Riyal mất giá thảm hại, giá cả hàng hoá tăng gấp ít nhất 2 lần làm cho việc duy trì sự sống trở nên thật bất khả thi. Mọi tầng lớp từ tri thức đến nông dân đều rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế đến mức cạn kiệt. Khắp nơi là tiếng than thở xin vay mượn tiền nong để trang trải cuộc sống. Hãy hình dung, kinh tế Yemen bây giờ nghèo nàn tới nỗi một người cha còn phải chạy đôn chạy đáo đi vay 16 USD để đưa con trai còn lại của mình tới bệnh viện, sau khi một bé 4 tuổi đã chết vì suy dinh dưỡng cấp.
"Tất cả những quốc gia đang đánh chiến lẫn nhau tại đấu trường Yemen. Thế nhưng chúng tôi cảm thấy rằng họ đang chống lại người nghèo mới đúng", Hajaji, người cha của hai đứa trẻ xấu số trên than vãn.
Cuộc chiến ở Yemen tới đây được miêu tả không còn là sự giằng co quân sự nữa. Nó thực sự đã trở thành cuộc chiến chống lại trẻ em, chống lại nhân đạo, và chính thức trở thành một nấc mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu.
Amal Hussain, hay Aylan Kurdi - cậu bé chết trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 3 năm đều là nạn nhân của những cuộc chiến phi lý. Và sứ mệnh của các em dường như quá lớn so với cái tuổi chỉ mới chập chững biết nói như Aylan, đang háo hức với thế giới xung quanh như Amal. Đó là sứ mệnh hy sinh mạng sống của bản thân để giành lấy sự quan tâm tạm thời của dư luận thế giới đối với thảm kịch mà quê hương các em đang gánh chịu.
Và chỉ khi nào chúng ta - những người lớn - thực sự muốn chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự hẹp hòi vị kỷ, những nỗ lực giằng co vô nghĩa mà có thể đàm phán bình tĩnh cân nhắc trên mặt trận ngoại giao, có lẽ các thiên thần nhỏ này mới thôi phải mang sứ mệnh gánh vác bi kịch của cả dân tộc mình.
Chúng ta từng thấy một bức ảnh Aylan Kurdin tươi cười khi còn sống, nhưng chẳng có lấy một bức ảnh Amal thực sự nở nụ cười tươi như mẹ cô bé từng miêu tả. Vậy nụ cười ấy đã ở đâu mất rồi, chỉ cuộc chiến kia mới trả lời được.
"Trái tim tôi vụn vỡ. Tôi lo cho những đứa con còn lại lắm", bà Mariam Ali lo lắng cho các con của mình, hiện đang sống tại Yemen - quốc gia gánh vác tổng cộng 18.000 cuộc không kích nhắm vào thường dân trong 3 năm qua, giết chết 10.000 người và đẩy hàng chục triệu người vào án tử kinh tế.