Theo giới chức hạt Rockland, lệnh cấm này có hiệu lực từ nửa đêm 26/3 và được duy trì trong vòng 30 ngày hoặc cho đến khi toàn bộ những người dưới 18 tuổi được tiêm phòng sởi, quai bị và rubella (MMR). Những ai vi phạm có thể bị phạt tới 6 tháng tù giam. Đây được cho là biện pháp quyết liệt nhất mà giới chức Mỹ ban hành sau khi dịch sởi bùng phát tại nhiều khu vực, chủ yếu do hậu quả từ việc các bậc cha mẹ "quay lưng" với vaccine.
Thống kê cho thấy, kể từ tháng 10/2018, hạt Rockland, cách New York 40 km về phía Bắc đã ghi nhận 153 ca nhiễm sởi, hầu hết là trẻ em chưa được tiêm phòng.
Tuyên truyền tiêm chủng vaccine phòng ngừa bệnh sởi tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Bang New York và Washington đã bùng phát dịch sởi sau khi nhiều người dân đi du lịch ở nước ngoài, lây nhiễm và mang virus trở về nước. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vaccine ở Mỹ quá thấp. Dịch sởi cũng đã bùng phát ở Rockland sau khi một người dân địa phương đi du lịch tới Israel.
Tính từ đầu năm tới nay, có tới 314 ca nhiễm sởi tại 15 bang trên toàn nước Mỹ, trong khi cả năm 2014 ghi nhận 667 ca và năm 2018 là 372 ca.
Các quan chức Mỹ cho rằng việc bùng phát dịch sởi cho thấy bài học về tầm quan trọng của việc tối thiểu 95% người dân phải được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể phòng tránh được, trong đó có sởi. Tỷ lệ tiêm phòng hiện nay ở nhiều khu vực tại New York nơi dịch sởi bùng phát chỉ là 60%. Trong khi đó, nước này đã tuyên bố xóa sổ hoàn toàn bệnh sởi hồi năm 2000.
Dịch sởi chủ yếu lây nhiễm ở lứa tuổi học sinh, do các bậc cha mẹ không cho con em đi tiêm phòng, vì các yếu tố tôn giáo, thậm chí còn cho là vaccine có thể dẫn đến nguy cơ bị tự kỷ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy không có mối liên quan nào giữa vaccine và bệnh tự kỷ.