"Khiêu vũ - và các hoạt động thể chất - phải có vị thế tương tự trong trường học như Toán, Khoa học và Ngôn ngữ. Nó thậm chí có thể giúp nâng cao điểm kiểm tra", Sir Ken Robinson, nhà giáo dục học người Anh từng được phong tước hiệp sĩ đã chia sẻ trên diễn đàn Ideas TED của Chương trình TED Talk.
Sir Ken Robinson và đồng nghiệp đã chia sẻ câu chuyện thú vị về những lớp khiêu vũ trong các trường tiểu học ở Mỹ.
Trong nhiều năm, Sir Ken Robinson là người bảo trợ cho Trường Múa Đương đại Luân Đôn. Vào năm 2016, khi được mời thuyết trình thường niên, ông đã quyết định nói về vai trò của "Dance" (Nhảy múa) trong trường học.
Trước bài giảng, ông đã tweet (một bài viết ngắn trên mạng xã hội Twitter) với tiêu đề "Tại sao khiêu vũ lại quan trọng như Toán học trong giáo dục?". Ông đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và cũng có một số hoài nghi.
Sir Ken Robinson không phản đối Toán học - nó là một phần không thể thiếu trong cuộc phiêu lưu sáng tạo vĩ đại của trí óc con người. Ông đang nói về tầm quan trọng ngang nhau của khiêu vũ với các môn Nghệ thuật, Ngôn ngữ, Toán học, Khoa học và Nhân văn trong nền giáo dục phổ thông của mọi trẻ em. Khiêu vũ có thể giúp khôi phục lại niềm vui và sự ổn định trong cuộc sống cũng như giảm bớt căng thẳng trong trường học.
Khiêu vũ là gì? Đó là sự biểu hiện thể chất thông qua chuyển động và nhịp điệu của các mối quan hệ, cảm xúc và ý tưởng. Không ai phát minh ra khiêu vũ. Nó nằm sâu trong lòng mọi nền văn hóa xuyên suốt lịch sử; khiêu vũ là một phần nhịp đập của nhân loại. Nó bao gồm nhiều thể loại, phong cách, truyền thống và không ngừng phát triển.
Cô Toni Walker, cựu Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lehigh ở Florida, chia sẻ câu chuyện khi làm việc với Lớp học Khiêu vũ. Walker nhớ lại: "Có một học sinh nữ, khi mới chuyển đến Lehigh, hồ sơ của em dày tới nửa tấc. Em thấy cần chứng tỏ bản thân, cần cho mọi người biết mình mạnh mẽ và sẵn sàng gây gổ".
Dù không muốn nhưng cô bé này vẫn phải tham gia lớp khiêu vũ thuộc chương trình Dancing Classrooms, vì đó là hoạt động bắt buộc. Không lâu sau, cô bé nhận ra mình có khả năng bẩm sinh. "Trong buổi tập tiếp theo, em có thái độ khác đi và chúng tôi không phải vất vả bắt em xếp vào hàng", cô Hiệu trưởng nhớ lại.
Cô Walker nói, đến bài học thứ ba và thứ tư, học sinh đã thay đổi: "Em nói năng khác hẳn; em tử tế, biết tôn trọng (mọi người); và em không bị nhận một giấy báo kỷ luật nào. Mẹ em không thể tin vào những gì mình thấy".
Khiêu vũ có những lợi ích quan trọng đối với các mối quan hệ xã hội của học sinh, đặc biệt là giữa các giới tính và nhóm tuổi. Nhiều hình thức khiêu vũ vốn mang tính xã hội. Chúng liên quan đến việc di chuyển cùng nhau trong sự đồng bộ và đồng cảm, với sự tiếp xúc trực tiếp về thể chất. Trong một cuộc đánh giá về Lớp học khiêu vũ ở thành phố New York, 95% giáo viên cho biết rằng nhờ khiêu vũ cùng nhau, khả năng hợp tác và cộng tác của học sinh đã được cải thiện rõ rệt.
Trong một cuộc khảo sát ở Los Angeles, 66% Hiệu trưởng các trường nói rằng sau khi tham gia chương trình, họ nhận thấy học sinh của mình ngày càng biết chấp nhận người khác và 81% học sinh nói rằng các em đối xử với người khác một cách tôn trọng hơn. Từ thành công của Dancing Classrooms, ngày nay ở Mỹ đã có nhiều đơn vị khác tham gia tổ chức các khóa học nhảy, học múa cho các trường học.
Một Hiệu trưởng đặc biệt ấn tượng trước sự cải thiện về điểm Đọc và Toán của học sinh lớp 5. Cô Lois Habtes của Trường Tiểu học Emanuel Benjamin Oliver ở Quần đảo Virgin cho biết: "Khi tôi mới về đây thì toàn là điểm trượt. Năm thứ hai chúng tôi tham gia chương trình - các em đã đạt được mức điểm 83/100. Chỉ sau 1 năm, khối lớp 5 của chúng tôi đã đạt đến mức điểm 85/100 trong bài kiểm tra tập đọc, cao nhất toàn trường".
Tất nhiên, đó không chỉ là khiêu vũ. Thành công của Lớp học khiêu vũ là một ví dụ về mối quan hệ được ghi chép rõ ràng giữa hoạt động thể chất và thành tích học tập. Xu hướng ở hầu hết các khu học chánh ở Hoa Kỳ là cắt giảm các chương trình giáo dục thể chất và các chương trình tương tự để tăng thời gian cho môn Toán, Khoa học và tiếng Anh. Những biện pháp này đơn giản là không cải thiện thành tích như nhiều nhà hoạch định chính sách đã giả định.
Sir Ken Robinson, nhà giáo dục học người Anh từng được phong tước hiệp sĩ
Năm 2003, để có một cái nhìn toàn diện về các môn này, một ban hội thẩm khoa học đã được thành lập ở Mỹ, gồm các chuyên gia của Phòng phụ trách dinh dưỡng và hoạt động thể chất và Phòng sức khỏe học đường và vị thành niên thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch Mỹ.
Họ thu thập lại dữ liệu của 850 công trình nghiên cứu đo lường tác động của các hoạt động thể chất - từ mức vừa đến mạnh, trong 30 - 45 phút, với tần suất 3 - 5 ngày/tuần trên cơ thể trẻ em ở nhiều phương diện (từ các yếu tố sức khỏe như béo phì, tim mạch, huyết áp và mật độ xương… đến các yếu tố tâm lý như sự trầm cảm, lo lắng, sự tự nhận thức và kết quả học tập).
Dựa trên bằng chứng chắc chắn về một số hạng mục này, hội thảo đã khuyến nghị rằng học sinh nên tham gia một giờ (hoặc hơn) hoạt động thể chất vừa phải đến mạnh mẽ mỗi ngày. Báo cáo cũng đã có kết luận: "Hoạt động thể chất ảnh hưởng tích cực đến trí nhớ, sự tập trung và hành xử trong lớp học".
"Vẫn còn hàng triệu học sinh không được tiếp cận với bất kỳ chương trình giảng dạy nghệ thuật nào". Bob Morrison, người sáng lập và Giám đốc của Quadrant Research, cho biết.
"Liệu có ổn không nếu hàng triệu học sinh không được tiếp cận với môn Toán hoặc Ngữ văn? Tất nhiên là không, và điều này cũng không nên được chấp nhận đối với các môn nghệ thuật. Có một quan niệm sai lầm dai dẳng rằng giáo dục nghệ thuật là dành cho những người có năng khiếu và tài năng, nhưng chúng tôi biết rằng nghệ thuật mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, bất kể con đường nghề nghiệp của họ", ông nói.
"Chúng tôi không dạy Toán chỉ để tạo ra các nhà Toán học, và chúng tôi không dạy viết chỉ để tạo ra thế hệ tiểu thuyết gia tiếp theo. Điều tương tự cũng đúng với nghệ thuật. Chúng tôi dạy họ tạo ra những công dân toàn diện, những người có thể áp dụng các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm tham gia nghệ thuật vào sự nghiệp và cuộc sống của họ", Bob Morrison nói.