Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh không mới, được các chuyên gia, bác sĩ đánh giá là một trong những căn bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu đối với phụ nữ.
Tại hội thảo "Vắc xin HPV, nhìn lại 10 năm an toàn và hiệu lực cộng đồng" do Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM tổ chức ngày 18/3/2018, các chuyên gia, bác sĩ đã có những chia sẻ về căn bệnh này, đặc biệt là về tình trạng căn bệnh ở Việt Nam hiện nay.
Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có hơn 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca rơi vào tử vong. Ở Việt Nam, con số này là 14 ca mắc mới mỗi ngày, trong đó có khoảng 7 ca tử vong. Đây là một con số rất đáng báo động.
Theo phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP.HCM, ung thư cổ tử cung gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy giảm sức khoẻ, dẫn tới vô sinh, ảnh hưởng đến tâm lý, tác động không nhỏ tới các vấn đề khác như tài chính, hạnh phúc gia đình...
Điều đáng nói là ung thư cổ tử cung diễn ra âm thầm và kéo dài từ 5 - 20 năm. Triệu chứng của bệnh lại không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác khiến nhiều người chủ quan bỏ qua. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh muộn, bệnh nhân đã phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung, mất đi khả năng làm mẹ. Trường hợp mắc bệnh ở giai đoạn cuối có thể dẫn đến tử vong.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng có đến 99,7% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV, trong đó 70% là do chủng 16 và 18. Tỷ lệ nhiễm virus này ở phụ nữ cũng rất cao, có khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất 1 lần trong đời, trong đó độ tuổi dễ nhiễm nhất là 20 - 30.
Hiện tại, căn bệnh này chưa có thuốc đặc trị, vì thế việc phòng ngừa đơn giản và hiệu quả nhất chính là tiêm vaccine ngăn ngừa virus HPV. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng loại vaccine này vào năm 2008.
Vaccine ngừa virus HPV được khuyến cáo tiêm cho nữ giới ở độ tuổi từ 9 - 26, tốt nhất là khoảng 11 - 12 tuổi, bất kể đã quan hệ tình dục hay chưa. Tuy nhiên, vaccine sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm trước lần quan hệ tình dục đầu tiên.
Bởi vậy, để phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất, nữ giới từ 9 - 26 tuổi cần đi tiêm vaccine càng sớm càng tốt.