Với các bậc làm cha mẹ, con cái luôn là tài sản đáng quý nhất mà họ có được. Do vậy, cho dù cuộc sống có khó khăn, nghèo khổ đến đâu, các ông bố, bà mẹ vẫn luôn cố gắng dành mọi thứ tốt đẹp cho con mình. Họ luôn quan niệm, mình có thể nhịn ăn nhịn mặc nhưng con cái phải học hành đủ đầy, mình có thể làm việc quần quật để kiếm thêm tiền nhưng con cái sẽ tự tin làm tất cả những gì chúng muốn, không phải quá lo lắng về kinh tế.
Tuy nhiên, cuộc sống đôi khi không giống như những gì chúng ta tưởng tượng. Không phải cứ hy sinh hết cho con cái, chúng sẽ cảm thấy thoải mái và có thể thản nhiên đón nhận. Mà con cái cũng sẽ có những nỗi khổ tâm, áp lực riêng khi cha mẹ quá kỳ vọng vào thành quả. Hay thậm chí chỉ một vài câu nói mà cha mẹ không để ý, buông ra trong lúc mệt mỏi cũng khiến cho nhiều bi kịch gia đình xảy ra.
Giống như câu chuyện của bà Mạc (53 tuổi) sinh sống tại vùng nông thôn thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc dưới đây, khiến cho không ít người cảm thấy nghẹn ngào, cay đắng vì những biến cố trong cuộc sống, xoay quanh chuyện áp lực kinh tế và những kỳ vọng vào con cái.
Bà Mạc vốn thuộc diện hộ nghèo trong thôn khi chồng mất sớm, chỉ có mình bà tảo tần nuôi đứa con gái tên Tĩnh Lan. Căn nhà của 2 mẹ con bà Mạc chỉ khoảng 30m2, từ khi Tĩnh Lan còn nhỏ cho tới lúc thành thiếu nữ xinh đẹp, một mình bà Mạc vừa làm cha, vừa làm mẹ cho con. Bà làm đủ mọi nghề, trong thôn ai kêu gì cũng làm, cốt chỉ để có tiền tích lũy, lo cho Tĩnh Lan ăn học bằng bạn bè.
Ảnh minh họa
Được cái, Tĩnh Lan từ nhỏ đã rất hiểu chuyện, biết gia đình khó khăn nên không bao giờ đòi hỏi mà luôn nỗ lực học hành. 12 năm liền, Tĩnh Lan đều có kết quả học tập tốt và là gương mặt xuất sắc được nhà trường trao tặng học bổng 50% vào trường Đại học thuộc top của thành phố. Tuy nhiên, khi lên Đại học, ngoài việc phải đóng 50% số tiền còn lại thì bà Mạc cũng cần cho Tĩnh Lan tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng.
Do vậy, bà Mạc quyết cùng con gái lên thành phố ở, hai mẹ con thuê một căn phòng trọ nhỏ rồi ngày ngày bà xin đi làm giúp việc cho các gia đình. Sáng sớm bà dậy từ khi mặt trời chưa mọc, làm lụng vất vả từ nhà này sang nhà khác, lau dọn, nấu ăn, giặt giũ, chỉ mong có đủ tiền cho con ăn học. Dù đôi tay ngày một thô ráp, lưng còng xuống vì vất vả nhưng bà Mạc vẫn luôn tự nhủ: “Chỉ cần con học giỏi, có một tương lai tươi sáng, thì bao nhiêu cực khổ mẹ cũng chịu được”.
Bà Mạc cũng thường nói với Tĩnh Lan: “Việc của con là học cho thật giỏi, đừng để như mẹ. Mẹ dành cả đời vất vả nên mọi kỳ vọng đặt hết vào con. Mẹ sẵn sàng đi làm thuê làm mướn, giúp việc cho nhà người ta để cho con đi học, dù bị coi khinh tới đâu, mẹ cũng chịu được”.
Tuy nhiên, những lời nói này của bà Mạc vô tình lại tạo ra cho một Tĩnh Lan một áp lực.
Rằng cô sẽ phải học thật giỏi, thật chăm và sau này kiếm thật nhiều tiền để báo hiếu cho mẹ. Thế nên, trong suốt quá trình từ khi học năm 2 Đại học, hay cả khi lên học Thạc sĩ, Tĩnh Lan cũng giấu mẹ đi làm thêm để phụ kiếm tiền. Tĩnh Lan, làm thêm ở các hàng ăn, sau đó lại nhận gia sư theo giờ,... Nhìn chung, một ngày của Tĩnh Lan cũng tất bật không kém, thậm chí nhiều hôm còn bỏ bữa ăn để kịp giờ đi làm.
Cuộc sống của Tĩnh Lan nhìn bình yên nhưng bên trong lại đầy bão tố khi cô luôn cố gắng gồng mình lên để hoàn thành mọi thứ. Tĩnh Lan không muốn mẹ phải khổ, phải ám ảnh trong sự nghèo khó nên cô cũng không cho phép bản thân thất bại. Do vậy, Tĩnh Lan cứ miệt mài vừa học, vừa làm thêm cho đến khi tốt nghiệp Thạc sĩ.
Đến khi đi làm, Tĩnh Lan hãnh diện về khoe mẹ khi cô được nhận vào một tập đoàn xịn sò, đúng với chuyên ngành học. Hơn nữa, tập đoàn này nổi tiếng với mức lương cao, tuyển chọn đầu vào nhân sự rất kỹ lưỡng nên kết quả này của Tĩnh Lan khiến bà Mạc vô cùng tự hào.
Thế nhưng từ khi đi làm, bà Mạc ít gặp con gái hơn hẳn. Bà thường thấy Tĩnh Lan ở lại công ty tới khuya, về nhà cũng đã 10 giờ tối thì bà đã đi ngủ nên hai mẹ con ít có cơ hội trò chuyện như trước. Bà Mạc cho biết, Tĩnh Lan là một cô gái độc lập và quyết đoán nên biết rằng tập đoàn sẽ có những đợt sa thải nhân viên yếu định kỳ nên cô luôn phải cố gắng, nỗ lực hết mình để thăng tiến.
Ảnh minh họa
Có những hôm, bà Mạc thấy Tĩnh Lan về nhà trong tình trạng uể oải, người gầy rộc đi vì thiếu ngủ. Không hiểu rõ về công việc của con nhưng bà Mạc chỉ thấy Tĩnh Lan không phút nào ngơi tay khỏi trước máy tính. Có những hôm về nhà lúc 9h, một người quản lý gọi điện, Tĩnh Lan cũng lao ngày vào để xử lý công việc tới 1 - 2h sáng vẫn chưa ngủ.
Sinh hoạt không điều độ, liên tục bỏ ăn, ngủ ít và căng thẳng trong công việc khiến Tĩnh Lan gặp phải tình trạng kiệt sức. Cho đến một hôm, bà Mạc đang đi làm thì có người gọi điện thông báo: “Con gái bà - Tĩnh Lan bị ngất xỉu, tình hình nguy cấp, hiện đang ở trong khoa cấp cứu của bệnh viện”. Điều này khiến bà Mạc choáng váng, bủn rủn tay chân và ngay lập tức chạy đến bệnh viện.
Theo đồng nghiệp của Tĩnh Lan kể lại, khi bước ra từ phòng cuộc họp, mọi người thấy cô ấy đi loạng choạng rồi đổ gục xuống sàn. Dù đã kịp thời đưa vào viện nhưng Tĩnh Lan không qua khỏi, bác sĩ nói cô qua đời do kiệt sức dẫn đến đột quỵ nhồi máu não. Kết quả này khiến bà Mạc gào khóc giữa bệnh viện, cảm giác giằng xé và đau đớn không thể nào diễn tả.
Trong đám tang của Tĩnh Lan, đại diện tập đoàn nơi cô làm việc cũng đến viếng và gửi cho bà Mạc khoản lương tháng đầu tiên của Tĩnh Lan. Ngoài ra khi tìm kiếm trong hộc bàn làm việc của Tĩnh Lan tại nhà, bà cũng tìm thấy một cuốn sổ tiết kiệm và những trang nhật ký của con gái.
“Mẹ ơi, con biết mẹ thương con, dành mọi công sức và tiền bạc cho con đi học nhưng mẹ có biết, đôi khi những kỳ vọng đó lại khiến con thấy áy náy, đau lòng lắm không. Con cũng muốn thư giãn như mọi người nhưng nhà mình nghèo, mẹ đi làm giúp việc nên con biết, mẹ muốn con thành công hơn ai hết.
Vì vậy mà con cũng luôn cố gắng mỗi ngày, không để mẹ phải thất vọng. Nhưng hôm nay, con thấy mệt quá mẹ ạ. Mà còn không dám nói ra vì con biết mẹ sẽ bảo rằng: 'Tôi đi làm thuê cho người ta, cúi mặt cả ngày lau nhà còn chưa than thở, cô đi làm nắng mưa không tới đầu thì ráng mà tập trung đi, đừng kêu ca nữa’. Nhưng con không trách mẹ, con chỉ viết ra cho nhẹ lòng thôi rồi ngày mai con lại tiếp tục nỗ lực”, đọc những trang nhật ký mà Tĩnh Lan viết, bà Mạc càng òa khóc to hơn.
“Tôi đã làm gì con tôi thế này, giờ tôi cầm tháng lương của con, cuốn sổ tiết kiệm của con mà lòng nghẹn lại. Tôi sai rồi”, bà Mạc vừa khóc nấc vừa nói.
Khi câu chuyện của bà Mạc được chia sẻ trên MXH, nhiều người gửi lời chia buồn nhưng cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi vì ai cũng đều ám ảnh việc kiếm tiền, việc phải thành công mà quên mất việc nuôi dưỡng, chăm sóc tâm hồn cũng như tình cảm của những thành viên trong gia đình.
Ai cũng hiểu, cha mẹ mong muốn con cái có một cuộc sống tốt đẹp, thành công hơn thế hệ trước. Tuy nhiên, đôi khi sự kỳ vọng ấy lại trở thành áp lực vô hình đè nặng lên vai những đứa trẻ. Khi cha mẹ đặt ra những tiêu chuẩn quá cao, con cái không chỉ phải nỗ lực hết mình để đạt được, mà còn phải chịu đựng nỗi sợ hãi về thất bại.
Đương nhiên, kỳ vọng không phải lúc nào cũng là tiêu cực. Nếu được định hướng đúng đắn, nó có thể trở thành động lực mạnh mẽ giúp con cái vươn lên. Quan trọng là cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành thay vì chỉ áp đặt những mong muốn cá nhân lên con cái.