Tiến sĩ Mitchell Creinin không chỉ là một bác sĩ lâm sàng nổi tiếng về Sản khoa và Phụ khoa mà còn hoạt động năng nổ trên cương vị Trưởng phòng kế hoạch hóa gia đình tại UC Davis Health (California, Mỹ). Ông cho biết, mang thai ngoài tử cung không hề hiếm gặp nhưng lại có rất nhiều phụ nữ thiếu kiến thức hoặc chủ quan mà bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo, dẫn đến các hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Theo giải thích của Tiến sĩ Mitchell, thông thường thì sau khi trứng gặp tinh trùng và được thụ tinh, phôi sẽ hình thành và di chuyển đến chui vào lớp nội mạc tử cung để làm tổ. Sau đó, phôi phát triển trong lòng tử cung cho đến khi em bé chào đời. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trứng thụ tinh và làm tổ ở nơi khác thay vì trong buồng tử cung. Đó được gọi là mang thai ngoài tử cung.
Ảnh minh họa
Có thể gặp thai làm tổ ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi trứng, buồng trứng, tại cổ tử cung, trong ổ bụng, thậm chí ngoài ổ phúc mạc. Tuy nhiên khoảng hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở vòi trứng. Với một số phụ nữ đã từng sinh mổ, mang thai ngoài tử cung có thể xuất hiện ở vị trí hiếm gặp như là ở trên vết sẹo mổ lấy thai trước đó.
Để phát hiện sớm tình trạng mang thai ngoài tử cung, các chị em phụ nữ cần chú ý tới 7 triệu chứng sau đây:
- Kinh nguyệt bất thường: chậm kinh là dấu hiệu bất cứ phụ nữ nào mang thai cũng có. Nhưng những phụ nữ mang thai ngoài tử cung thường có kinh nguyệt không đều nên rất khó nhận biết dấu hiệu này. Thay vì hành kinh, người mang thai ngoài tử cung sẽ có dịch âm đạo dạng nước trắng ngà như lòng trắng trứng, có thể lẫn máu hoặc không. Số khác thì tiết ra chất lỏng màu socola hoặc cà phê sẫm.
- Dấu hiệu mang thai: que thử thai hiện 2 vạch là điều tất nhiên khi mang thai, bao gồm cả thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, lâm sàng chỉ ra nếu que thử thai một vạch rất đậm, một vạch rất nông thì tỷ lệ mang thai ngoài tử cung sẽ cao hơn bình thường, nên cần đi thăm khám sớm.
- Xuất huyết âm đạo trong thai kỳ: với những thai phụ thông thường, máu kinh sẽ biến mất trong thai kỳ. Nhưng người mang thai ngoài tử cung sẽ thường bị xuất huyết âm đạo trong thai kỳ, nhất là khoảng 3 - 4 tháng đầu.
- Đau bụng dưới: một dấu hiệu mang thai ngoài tử cung tháng đầu mà các mẹ không nên bỏ qua là chứng đau vùng bụng dưới. Những cơn đau bụng âm ỉ khó chịu, đến đau quằn quại một bên, cơn đau kéo dài nhiều ngày không hết, kèm với đó là chứng táo bón.
- Đau hố chậu hoặc đau vai và cổ: ngoài đau bụng dưới thì đau vùng chậu cũng rất phổ biến khi mang thai ngoài tử cung. Thường là đau một bên, đau âm ỉ và nặng hơn khi cúi, mang vác vật nặng, đau nhiều hơn về đêm. Một số chị em còn bị đau vai và vùng cổ dữ dội đi kèm với cơn đau bụng hoặc đau vùng chậu.
- Khó chịu khi đại tiện hoặc tiểu tiện: ví dụ như táo bón kéo dài, luôn đầy hơi, tiểu buốt, đau bụng đột ngột khi đang đi vệ sinh.
- Một số triệu chứng khác như toát mồ hôi nhiều, tay chân bủn rủn, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, dễ ngất khi mang thai.
Theo số liệu của NHS (Hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh), thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 1/80-1/90 trên tổng số ca mang thai và được đánh giá là khá phổ biến. Trong đó, có 9 nhóm phụ nữ có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung sau đây:
- Những người đã từng có tiền sử mang thai ngoài tử cung.
- Phụ nữ có mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Bất thường ở vòi trứng như hẹp vòi trứng, vòi trứng bị co thắt hoặc có nhu động bất thường.
- Phụ nữ bị viêm vùng chậu, mắc bệnh lý liên quan đến tử cung hoặc buồng trứng như lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng…
- Phụ nữ đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng, vùng chậu trước đó.
Ảnh minh họa
- Những phụ nữ mang thai quá muộn, mang thai ở độ tuổi trên 35 tuổi.
- Phụ nữ hiếm muộn hoặc vô sinh.
- Những phụ nữ nạo phá thai nhiều lần, lạm dụng thuốc tránh thai hoặc sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
- Những người phụ nữ nghiện thuốc lá hoặc hít nhiều khói thuốc, dùng nhiều chất kích thích.
Tiến sĩ Mitchell cho biết, thai ngoài tử cung thường sẽ không thể phát triển bình thường do không có đủ chỗ trống và không có nhau thai để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Vì vậy dễ dẫn tới sảy thai, thoái triển tự nhiên hoặc các biến chứng nguy hiểm khác cho cả mẹ và thai nhi.
Trong đó, cần đặc biệt lưu ý tới những biến chứng xảy ra khi mang thai ngoài tử cung ở vị trí vòi trứng. Bởi vì đây không chỉ là vị trí thai ngoài tử cung phổ biến nhất mà còn gây biến chứng nguy hiểm nhất.
Đầu tiên, phôi thai ngày càng phát triển mà kích thước vòi trứng có hạn, dẫn tới vỡ vòi trứng gây chảy máu ồ ạt. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng của thai phụ.
Ảnh minh họa
Thứ hai là thai tự ngừng phát triển do phôi thai ở vòi trứng không được cung cấp đủ dinh dưỡng như khi làm tổ ở trong buồng tử cung. Thứ ba là sảy thai kéo theo xuất huyết ồ ạt. Bởi vì thai khi làm tổ ở vòi trứng rất dễ bị bong ra gây sảy khối thai và kéo theo tình trạng chảy máu.
Nếu chỉ chảy máu nhẹ thì khối thai tự tiêu đi. Nếu chảy máu nhiều có thể gây ứ đọng máu trong ổ bụng, tạo thành các khối tụ máu. Và nguy hiểm nhất là tình trạng chảy máu ồ ạt có thể đe dọa tính mạng người mẹ do mất máu quá nhiều.
Chưa kể tới, mang thai ngoài tử cung ảnh hưởng rất lớn đến đến sức khỏe và khả năng sinh sản sau này của người phụ nữ. Cụ thể, họ phải trải qua nhiều khó khăn nếu muốn mang thai lại. Nhưng tỷ lệ tiếp tục bị mang thai ngoài tử cung trong những lần mang thai sau đó lại rất cao.
Tuy nhiên, mang thai ngoài tử cung có thể được can thiệp y tế có hiệu quả nếu phát hiện sớm, nhất là nếu vị trí thai làm tổ không quá nguy hiểm. Vì vậy việc tự theo dõi, thăm khám sớm để phát hiện kịp thời là vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, Tiến sĩ Mitchell cũng nhắc nhở rằng chị em phụ nữ nên chăm sóc bản thân sớm để phòng ngừa mang thai ngoài tử cung. Bao gồm ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý, tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá. Quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Sử dụng biện pháp tránh thai an toàn nếu chưa muốn mang thai để giảm nguy cơ nạo phá thai.
Đồng thời, hãy hình thành thói quen vệ sinh tốt, khám phụ khoa định kỳ. Nếu phát hiện ra các bệnh liên quan đến tử cung, buồng trứng hoặc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thì cần điều trị dứt điểm trước khi mang thai. Khi phát hiện mang thai, hãy thăm khám sớm để đánh giá tình hình và điều trị mang thai ngoài tử cung nếu có.
Nguồn và ảnh: Family Doctor, UCDavis Health, webMD