Đó là câu chuyện của Trần Huy (24 tuổi), một nhân viên văn phòng ở Hà Nội. Với thu nhập này, anh chia chúng thành 2 khoản, gồm: chi tiêu cho cuộc sống cá nhân (5 triệu) và tiền tiết kiệm (5 triệu).
Riêng về khoản chi tiêu cho cuộc sống cá nhân là 5 triệu/tháng, Huy chia sẻ thêm: "Tiền nhà của mình là 1,5 triệu. Tiền ăn uống do mình chế biến từ đồ tự mua và đồ bố mẹ gửi dưới quê lên là 1,5 triệu. Tiền đi lại, mua sắm và hiếu hỉ là 2 triệu còn lại". Ngoài ra, với khoản tiết kiệm 5 triệu đồng, Trần Huy dùng chúng để mua vàng, chứng chỉ quỹ và cổ phiếu, với mức sinh lời trung bình 2-4 triệu đồng/tháng.
Từ trải nghiệm cá nhân, Huy cho rằng bản thân sống ổn và duy trì được cách chỉ tiêu 5 triệu/tháng như vậy từ năm ngoái. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể theo đuổi mức sống như vậy. Bởi lẽ, chàng trai cũng phải đánh đổi nhiều khoản tiêu dùng cho thú vui cá nhân và yêu đương.
Dưới đây là một vài nguyên tắc để anh chàng chỉ tiêu 5 triệu/tháng cho chi phí sinh hoạt:
- Thứ nhất, đầu tháng nhận lương, chuyển ngay 5 triệu chi phí sinh hoạt vào tài khoản ngân hàng khác.
Huy cho rằng, việc giới hạn chỉ tiêu 5 triệu/tháng sẽ khiến anh chàng biết "dừng lại" khi giữa tháng có lỡ tiêu hết tiền ở khoản này. Lúc đó, chàng trai sẽ đi vay bạn rồi tháng sau lấy quỹ chi tiêu bù lại, chứ tuyệt đối không lấn sang phần tiền dành cho đầu tư và tiết kiệm.
- Thứ hai, chấp nhận thuê nhà giá rẻ và chật. Hiện, Huy đang thuê một căn phòng 15m2 cùng 1 người bạn ở Cầu Giấy. Do phòng nằm trên tầng cao và không có cửa sổ nên được giá thuê khá rẻ.
- Thứ ba, chăm chỉ tự nấu ăn tại nhà, thay vì đi ăn ngoài giúp Huy tiết kiệm được khá nhiều tiền dành cho mua sắm thực phẩm.
Một trường hợp khác, Huyền Trang (22 tuổi, Hà Nội) có mức lương khởi điểm khi đi làm ở vị trí Business Analyst Fresher (BA) tại 1 công ty công nghệ là 7 triệu/tháng. Về mức lương cá nhân còn khiêm tốn, cô nàng chia sẻ: "Thật ra nếu biết cách chi tiêu hợp lý, chúng mình vẫn có thể sống khỏe với mức lương khiêm tốn chỉ 7-8 triệu. Với mình, đây cũng là cơ hội để học thêm kiến thức về tiết kiệm, tích lũy từ khi ít tiền, từ khi còn trẻ".
Huyền Trang tự đánh giá bản thân quản lý tài chính rất nghiêm khắc. Nhờ đó, cô vẫn có thể sống ở Hà Nội với mức lương 7 triệu/tháng mà vẫn còn tiền tiết kiệm.
Cụ thể, khoản tiền 7 triệu được cô phân bổ như sau: 2 triệu dành cho tiền nhà, điện nước, wifi, đi lại; 3-3,5 triệu cho sinh hoạt phí; 500 ngàn tiền xăng xe; 500 ngàn cho các khoản chi phí phát sinh 500 ngàn - 1 triệu cho tiền mua sắm, đi chơi cùng bạn bè. Do đó, hàng tháng cô nàng có thể dư ra khoảng 500 ngàn - 1 triệu.
Phương pháp quản lý tài chính của Huyền Trang gói gọn trong nguyên tắc đơn giản: Ghi chép lại cụ thể từng khoản chi. Sau đó, bạn sẽ nhận ra một số khoản chi không cần thiết và tìm cách cắt bỏ chúng để không cháy túi.
Với trường hợp cá nhân, cô nàng chọn nấu cơm mang đi làm để tiết kiệm tiền. Vì một bữa cơm văn phòng tốn 30-45 ngàn đồng/suất, còn nếu một bữa ăn tự nấu thì chỉ tốn 20-25 ngàn đồng/suất. Bên cạnh đó, Huyền Trang còn hạn chế tiêu tiền cho những món ăn vặt (trà sữa và bánh ngọt), mua sắm quần áo không cần thiết.
"Nhờ đó, quỹ tài chính bé nhỏ của mình cũng được tăng lên chút ít. Nhiều người vẫn nghĩ việc cắt giảm chi tiêu là quá khó, nhưng khi có mục tiêu rõ ràng, mình lại thấy nó đơn giản hơn nhiều so với việc tìm cách để tăng nguồn thu nhập đấy", Huyền Trang nói.
Trần Huy cho rằng, dẫu lương cao hay thấp thì việc quản lý dòng tiền và tiết kiệm là cực kỳ quan trọng. "Vừa ra trường, song song với tự lo cho bản thân thì mình cũng phải học cách cân đối các khoản chi tiêu. Hiện tại, mình vẫn đang quản lý tài chính một cách khá cơ bản, nhưng nhìn chúng hoạt động tốt theo mong muốn cá nhân", anh chàng nói.
Đồng tình với quan điểm này là Huyền Trang. Cô nàng chia sẻ, bản thân nhờ chiêu thức "tích tiểu thành đại" mà tài chính ngày càng khởi sắc. Huyền Trang đã có một quỹ dự phòng khẩn cấp đủ để cô nàng an tâm khi có biến cố nhỏ xảy đến.
"Thật ra, với quan điểm của mình, 10.000 đồng thì cũng nên tiết kiệm. Đừng bỏ phí bất cứ khoản tiền nhàn rỗi nào. Với thu nhập 7 triệu đồng, quỹ tích lũy hàng tháng của mình sẽ vào khoảng 500 - 1 triệu/ tháng, đây chính là con gà đẻ trứng vàng của mình. Mình dồn hết khoản tiền này vào quỹ dự phòng khẩn cấp cho ốm đau, thất nghiệp, hoặc các sự cố không kiểm soát được,... Từ đó, mình xây dựng được thói quen tích lũy tài chính", cô nàng bày tỏ.