Nhiều khi phải công nhận, bố mẹ chúng ta chính là những “vị đại gia ngầm”. Tháng nào cũng thấy bố nộp hết lương cho mẹ, đến 50 nghìn ăn sáng cũng phải “bà đưa tôi”, xong lại bị mẹ càu nhàu “ăn gì hết tận 50 nghìn, sáng nào cũng thế, lấy đâu ra tiền”.
“Hết tiền rồi” là câu cửa miệng của mẹ, vậy mà ngày con cái dựng vợ gả chồng, chẳng hiểu mẹ đào đâu ra mấy cây vàng cho con dâu, con gái đeo trĩu tay, nặng cổ. Thế vẫn chưa nhằm nhò gì, mẹ còn có tiền mua đất, xây nhà.
Vậy mới nói, “đại gia ngầm” chẳng ở đâu xa, có khi chính là thân sinh phụ mẫu của mình, là người mà mình vừa mới đi làm về tới nhà đã càu nhàu “mày lại mua cái gì ship về nhà thế hả con?” .
Người trẻ như chúng ta, nếu không nghĩ thì thôi, chứ nghĩ thì có vò nát óc cũng không hiểu được tại sao mẹ cứ mãi than hết tiền, mà cuối cùng nhà cửa, xe cộ, vàng miếng đều có hết. Mình đi làm công ăn lương, chẳng vất vả như bố mẹ ngày xưa, thu nhập còn cao hơn nhưng nghĩ tới chuyện mua nhà là đã thấy rùng mình.
Thực ra, bí quyết của các mẹ không có gì cao siêu đâu, có khi các mẹ cũng nói với chúng mình đến khô cả họng rồi đấy, chỉ là chúng mình chẳng chịu để vào đầu thôi.
Cô Thúy làm nghề buôn bán hải sản ở chợ truyền thống đã được hơn 30 năm. Lần nào đi chợ ghé qua sạp hải sản của cô Thúy, cô cũng thêm cho tôi 1-2 lạng tiền cá tiền mực, lâu dần thành quen, có lần cô hỏi: “Thế có bạn trai chưa? Cô có thằng con trai hơn mày 3 tuổi, cũng được lắm” .
Cuộc hội thoại ấy cách đây cũng phải hơn 1 năm, vậy mà tới hôm qua, khi ngồi trò chuyện với cô Thúy, tôi mới biết cô vẫn đang đau đầu lắm, vì chưa tìm được con dâu.
“Nhà cô có đứa con gái cả, nó lấy chồng rồi. Còn thằng út, 31 tuổi rồi đấy nhưng chưa bao giờ cô thấy nó dẫn đứa nào về, hỏi mãi nó cũng chỉ bảo con chả yêu ai. Ngày xưa bằng tuổi nó, người ta đã đẻ được mấy mặt con.
Cô bảo giờ chịu lấy vợ, cô cho 5 cây vàng với 500 triệu, vợ chồng nó thích làm gì thì làm, thế mà nó vẫn không dẫn ai về. Mấy lần nó cũng hỏi vay cô tiền để đầu tư cái gì ấy, cô bảo chịu, lớn rồi làm gì thì làm, đừng có xin 2 cái thân già này. Bao giờ chịu lấy vợ thì cô mới cho, chứ đàn ông chưa vợ mà có tiền là hỏng người” - Cô Thúy kể.
Theo lời người mẹ U60 này, con trai của cô toàn mang tiền đi đâu đâu, cô chẳng hiểu được. Có vẻ, anh cũng là dân văn phòng, lương cũng khá khẩm, nhưng cứ dăm bữa nửa tháng, cô lại thấy mặt con xụ ra, trông rất chán, mà cô hỏi thì con không bao giờ chịu nói.
“Cô đoán mấy lần đấy là nó đầu tư lỗ đấy, chả biết đầu tư cái gì, hỏi không chịu nói, lại bảo nói bố mẹ cũng không hiểu được. Thực ra cô cũng lo lắm, nó rất lông bông. Nhiều lần cô bảo nó mua vàng đi chứ đầu tư gì mà chả bao giờ thấy cho mẹ được đồng nào, thì tháng sau nó cho cô 5 triệu. Cô nuôi được nó từ lúc đỏ hỏn đến giờ nó sắp trung niên rồi, cô lại cần 5 triệu đấy của nó quá đấy. Con với cái!” - Cô Thúy có vẻ rất bực mình…
Để có tiền làm của hồi môn cho con gái cả đi lấy chồng, và giờ là 5 cây vàng và 500 triệu tiền mặt cho “cô con dâu chưa biết ở đâu”, cô Thúy chẳng có bí quyết gì cao siêu ngoài việc tiết kiệm, mua vàng hàng tháng.
Cô bảo: “Thời cô chú ngày xưa, làm gì biết đến mấy cái chứng khoán hay cổ phiếu gì. Đi chợ buôn bán, mỗi tháng mua được 3-4 chỉ vàng, tiền tiết kiệm thì để dành đóng học cho chúng nó hết.
Mà giờ người ta đi siêu thị hết rồi, buôn bán cũng khó con ạ, giá vàng còn cao nữa nên có tháng cô chỉ mua được 5 phân hoặc 1 chỉ thôi. Có nhiều mua nhiều, có ít mua ít nhưng chả bao giờ lo lỗ. Cô cũng nói thế với thằng con cô, mà nó chả chịu nghe. Cô còn nghĩ có khi nó cũng mua vàng nhưng nó giấu mình, mà không phải, vì mấy lần cô lên dọn phòng cho nó, cô cũng để ý, mà chả thấy có cái hộc tủ nào khóa, cứ tênh hênh hết ra, cô chán hết cả người” .
Thấy cô Thúy cứ thở dài mãi, cô bán hoa quả ngồi sạp kế bên phải phì cười, bảo: “Giờ mình chả hiểu được chúng nó đâu chị ạ, tầm này có khi phải 38 40 tuổi mới chịu lập gia đình. Khối đứa thế, mình lo làm gì cho già người đi”.
Cô Cẩm là mẹ của một người bạn thân của tôi. Giờ cô đã nghỉ hưu, hàng ngày chăm chồng, chăm cháu, chiều chiều đều đi khiêu vũ với hội bạn trung niên. Cuộc sống hưu trí của cô Cẩm, nói chung, cũng vui vẻ, an nhàn.
Thời trẻ, cô Cẩm là giáo viên mầm non. Mãi đến năm 2000, cô chú mới mua được nhà ở TP.HCM.
“Cô lấy chồng năm 25 tuổi, là năm 1985 đấy. Có chồng rồi, cô mới bắt đầu mua vàng hàng tháng. Mỗi tháng cô mua 5 phân thôi, tại thu nhập cũng không có cao đó con. Tháng này cô mua 5 phân, thì tháng sau cô cầm 5 phân ấy ra tiệm vàng, chồng thêm tiền mua 5 phân nữa là có 1 chỉ mang về.
Cô cứ làm thế liên tục trong vòng 5 năm, đến năm 1990 thì cô có 3 cây vàng. Từ năm 1990 đến năm 2000, thu nhập của cô chú tốt hơn, nên cô mua được 1 chỉ vàng mỗi tháng.
Đến năm 2000, cô chú mua căn nhà 10m2 ở quận 10, hết 22 cây vàng. Mà lúc đó, cô chỉ có 20 cây vàng thôi, phải đi vay thêm của người thân, bạn bè mới đủ tiền mua nhà. Vay xong thì mình cũng phải tích góp lại để trả nợ, trả xong cái thấy phẻ re” - cô Cẩm hồ hởi kể.
Người mẹ U70 này cho biết cả đời cô chỉ trung thành với việc tiết kiệm tiền và mua vàng. Thời trẻ, có 2 khoản chi mà cô Cẩm luôn ưu tiên: 1 là tiền học cho con, 2 là tiền mua vàng. Ngoài ra, cô chú chẳng tiêu gì mấy.
“Lúc có lương, cô ưu tiên chi tiêu các khoản cho con cái như ăn uống, sữa, tiền học… Sau đó sẽ đến chi phí sinh hoạt cần thiết để duy trì cuộc sống cho gia đình. Còn với các khoản chi tiêu cho bản thân, cô tiết kiệm hoàn toàn. Dư bao nhiêu là cô dùng để mua vàng hết” - Cô Cẩm nhấn mạnh.
Cô Cẩm có 2 người con gái, theo lời kể của cô, cả 2 chị đều đã lập gia đình, đều tu chí làm ăn và cũng sống khá tiết kiệm nên cô gần như chẳng có gì phải lo lắng.
“Từ bé là cô đã dạy chúng nó phải sống tiết kiệm rồi. Chỉ có điều là giờ chúng nó có mua vàng hay không thì cô cũng không biết. Cô đoán là cũng tháng có tháng không. Nhưng không sao, cứ có tiết kiệm là được rồi, chứ còn tiền đấy 2 đứa nó dùng để mua vàng hay làm gì thì cô chịu. Giờ các con khác cô chú ngày xưa nhiều, nên cô cũng không can thiệp quá làm gì”.
Đấy, thấy không? Bố mẹ chúng mình chẳng có bí quyết gì cao siêu ngoài việc sống tiết kiệm, để dành tiền mua vàng háng tháng. Tích sản mấy chục năm cuộc đời, nên mới mua được nhà, có vàng, có tiền cho con cái xây dựng cuộc sống gia đình.
Tuổi trung niên của bố mẹ “phẻ re”, một phần vì cả đời bố mẹ sống cần kiệm, một phần vì sự trưởng thành của con cái, con lớn lên làm người có ích cho xã hội là bố mẹ mừng! Nhưng mừng nhất chắc vẫn là con chịu lập gia đình và sống hạnh phúc. Giống như nỗi lòng của cô Thúy: “Cuối tuần này mà cô thấy nó vẫn ở nhà ăn cơm là cô chán lắm, 20/10 ai đời lại ở nhà cả ngày không?”.