Nếu chưa có cơ hội tự mình đặt chân tới các vùng miền trên dải đất hình chữ S thì tại sao bạn không thử cách "du lịch" qua con đường ẩm thực. Bởi vì, ở ngay tại thủ đô thôi cũng có vô vàn quán ăn phục vụ các đặc sản vùng miền. Chưa kể, chất lượng đồ ăn ở một số nhiều địa chỉ cũng khá chuẩn vị, có thể sánh ngang với "bản gốc".
Về cách chế biến, cơ bản không có sự khác biệt so với bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội), Phủ Lý (Hà Nam) hay các tỉnh, thành phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định. Thế nhưng, thứ khiến cho bánh cuốn Cao Bằng trở lên hấp dẫn với mỗi du khách chính là bát nước ăn kèm. Thay vì dùng mắm dấm và khi ăn sẽ chấm bánh vào thì người dân vùng Đông Bắc tổ quốc lại "sáng chế" ra kiểu ăn bánh cuốn chan nước ninh xương nóng hổi, kèm giò và thật nhiều rau mùi.
Ảnh: @khanhhuyen2, @leethijthuysanh, Nguyễn Đức Huy
Tại Hà Nội có một số địa chỉ bán bánh cuốn Cao Bằng được giới sành ăn khen nức nở, phải kể đến như:
- Bánh cuốn Cao Bằng, số 2, ngõ 16 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa
- Bánh cuốn bà Hoa, 16 Ngọc Khánh, Ba Đình
Bên cạnh các địa danh như phố Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh, nhắc tới Lạng Sơn, hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay tới đặc sản vịt quay lá mắc mật với cách chế biến cầu kỳ, khó có thể học theo được. Tuy nhiên, một vài người dân xứ Lạng khi xuống thủ đô sinh sống đã mang theo "bí kíp" và mở cửa hàng kinh doanh, giúp cho món ăn này đến gần hơn với mọi người.
Ảnh: Bingsu, Pham Ngoc Anh
Địa chỉ:
- Đối diện số 204 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng
- Vịt quay quán Lạng, 164 Nguyễn Văn Lộc, Mỗ Lao, Hà Đông
- Vịt quay Lạng Sơn, số 40 An Dương, Tây Hồ
Rất nhiều người sau khi thưởng thức canh cá Thái Bình đã bị mê hoặc bởi thứ nước dùng thanh thanh và vị ngọt đậm đà của miếng cá ăn kèm. Song, có lẽ bạn chưa biết, để làm nên món bánh canh cá trứ danh này, người dân quê lúa đã dùng hoàn toàn là cá đồng, tận dụng cả xương cá, đem đi giã nhuyễn, ninh nhừ để lấy nước cốt. Do các công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mẩn của người chế biến nên công cuộc tìm kiếm món canh cá Thái Bình đối với nhiều tín đồ ẩm thực chẳng khác gì "mò kim đáy bể".
Ảnh: @food_dynastyy, @foodyhanoi, Văn Ba
Sau đây là một vài địa chỉ bạn có thể thử, nhưng xin cảnh báo trước rằng hương vị chỉ giống "bản gốc" khoảng 90% mà thôi:
- Canh bún cá Thái Bình, 21D Hàng Bài, Hoàn Kiếm
- Bún cá Thái Bình, số 121A ngách 121 Thái Thịnh 1, Đống Đa
Số lượng quán bán bún bò Huế ở Hà Nội có lẽ cũng nhiều chẳng kém các hàng bún, bánh đa quen thuộc. Song, rất nhiều đầu bếp đã cố tình biến tấu hơn một chút cho phù hợp với thị hiếu.
Ảnh: Khánh Ly, Ngọc Lê
Vì thế, nếu như trót mê hương vị của "người bản địa", bạn nên tìm đến một số quán sau:
- Bún bò Huế An Cựu, 195 Đội Cấn, Ba Đình
- Bún bò Huế Út My, ngõ 1 Trung Văn, Nam Từ Liêm
- Bún bò Huế O Uông, 546 Lạc Long Quân, Tây Hồ
- Bún bò Huế O Hoa, 102 Đông Tác, Đống Đa
Chỉ với một nguyên liệu chính là lươn nhưng người dân xứ Nghệ đã tài tính sáng tạo ra các món ăn khác nhau như miến lươn, súp lươn, lươn kho... Ai là người Nghệ ở Hà Nội, hoặc là người yêu thích các món lươn của mảnh đất quê Bác thì nhất định phải lưu một vài địa chỉ dưới đây.
Ảnh: Diệu Anh, Lan Nguyễn
- Lươn Nghệ An, 101C5 Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa
- Súp lươn Nghệ An, số 11 Hàng Chĩnh, Hoàn Kiếm
Từ món ăn vặt đến món chính của Đà Nẵng và Quảng Nam đều khá "được lòng" các vị khách du lịch. Đặc biệt phải kể đến bánh tráng cuốn thịt heo, bánh hỏi heo quay hay mì Quảng, cơm gà Hội An….
Ảnh: @_troosismeee
Một vài địa chỉ chuyên đồ ăn Đà Nẵng - Hội An mà bạn có thể tham khảo:
- Ngọc Nữ Quán, 101 A1 Trung Tự (ngõ 46A Phạm Ngọc Thạch), Đống Đa
- Koun, A20 ngõ 385 Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Kiêm
- Bún mắm heo quay bà Tâm, 80 Láng Hạ, Đống Đa
Chắc chắn rằng, nem nướng Nha Trang đã không còn xa lạ gì với các tín đồ ẩm thực thủ đô. Hầu như ở con phố hay ngóc ngách nào cũng có ít nhất 1 quán bán nem nướng, kèm bánh xèo, nem lụi.
Trước kia, người ta thường chỉ ăn vui chơi cùng bạn bè, song, giờ đây, có một bộ phận dân văn phòng còn lựa chọn nem nướng Nha Trang làm bữa trưa. Bởi lẽ, một suất cũng có đủ từ rau thơm, rau sống, cà rốt, củ cải và nem nướng ăn cùng, thích hợp cho hội chị em muốn giữ dáng mà không cần nhịn ăn.
Ảnh: MH, #chubehangxom
Một số địa chỉ có giá cả phải chăng, chất lượng tốt nhất:
- Số 15, ngõ 158 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy
- Nem nướng H2O, 81 Trần Phú, Hà Đông
- Nem nướng Nha Trang, quán Hải Hiền, số 65 ngõ 640 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên
- Cổng khu đô thị Mễ Trị Hạ, Nam Từ Liêm
- Thủy Xèo, 167 Đội Cấn, Ba Đình
"Làm mưa làm gió" ở hòn đảo xinh đẹp Phú Quốc đã lâu nhưng chỉ gần đây, món bún quậy mới chính thức "cập bến" Hà Thành. Theo đánh giá của các vị khách đầu tiên thì phần nguyên liệu của các quán tương đối giống với "bản real", tuy nhiên, về phần hương vị thì vẫn cần cải thiện để hài hòa nhiều hơn nữa.
Ảnh: @bunquaycoba
Lọc trong list quán ăn thì có 2 địa chỉ bán bún quậy mang hương vị Phú Quốc nhất:
- số 60 Mai Hắc Đế, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng
- Bún quậy Sáu Cho, số 3A Văn Cao, Ba Đình
Trong khi các tiệm cơm tấm ở Sài Gòn thường phục vụ cả 3 bữa sáng, trưa, chiều tối thì ở Hà Nội, chủ yếu sẽ chỉ mở bán vào giờ trưa. Chưa kể, hầu hết các quán đều đã mạnh dạn giảm ngọt, tăng vị mặn trong hương vị, sao cho phù hợp với người dân miền Bắc hơn.
Ảnh: @fuongsfood, @meixing02
Vì thế, nếu như muốn tìm được đúng vị nguyên bản của món cơm tấm Sài Gòn, bạn nên tới 2 địa chỉ sau:
- Cơm tấm Sài Gòn, số 11 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm
- 292 Thái Hà, Đống Đa
Đương nhiên, nếu muốn thưởng thức được hương vị chuẩn nhất, ngon nhất của bánh cuốn Cao Bằng, chè bột lọc heo quay Huế, cơm tấm Sài Gòn…. thì phải ngồi ăn và tận hưởng không khí ở chính nơi sản sinh ra chúng. Thế nhưng, gợi ý trên đây vẫn là một trong những giải pháp giúp bạn "chống lại" cơn thèm thuồng mà chưa thể xách ba lô lên và đi ngay lúc này.